Theo TS.BS Phan Bích Nga, Giám đốc Trung tâm Khám và Tư vấn dinh dưỡng trẻ em, Viện Dinh dưỡng Quốc gia: “Trong khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ nên bổ sung thêm chất béo từ loại dầu ăn phù hợp, dành riêng cho trẻ em. Chất béo từ động vật có trong các loại dầu cá, đặc biệt là dầu cá hồi”.



Theo Tháp dinh dưỡng được xây dựng bởi Viện Dinh Dưỡng quốc gia, mỗi bữa ăn của trẻ cần đủ 4 nhóm: đường bột (chủ yếu từ các loại ngũ cốc), chất béo, chất đạm và vitamin – khoáng chất. Trong đó, chất béo (bao gồm dầu thực vật và mỡ động vật) thuộc nhóm cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động và duy trì sự sống. Cứ 1 gam chất béo cung cấp cho cơ thể 9 Kcal, gấp 2,5 lần so với tinh bột (glucid) hay chất đạm (protein), và chỉ với 20g chất béo là một người trưởng thành đã có đủ năng lượng làm việc trong một ngày.



Cung cấp năng lượng cho cơ thể




Trong những năm đầu đời, trẻ em cần năng lượng rất lớn từ chất béo




Trong giai đoạn phát triển nhanh nhất, trẻ em cần năng lượng rất lớn từ chất béo để cung cấp cho nhu cầu cao của cơ thể.



Chất béo là nguồn dự trữ năng lượng quan trọng, tham gia vào cấu trúc của tất cả các mô và màng tế bào, giúp hình thành mô mỡ có chức năng điều hòa thân nhiệt. Như vậy, vào mùa lạnh, chất béo sẽ giữ ấm cơ thể và giảm nguy cơ cảm lạnh cho trẻ.



Chất béo còn tham gia vào nhiều phản ứng sinh hóa trong cơ thể người và là thành phần để tạo ra testosterone, estrogen (hormon giới tính), acid mật, là màng lọc của các tế bào.



Giúp hấp thu các vitamin A, D, E, K


A, D, E, K là những vitamin hòa tan trong dầu, có vai trò đặc biệt quan trọng với cơ thể. Đó là lý do trẻ sơ sinh được tiêm vitamin K ngay từ sớm, cũng như trẻ nhỏ cần được cung cấp đầy đủ vitamin A, D, E để đảm bảo cho giai đoạn phát triển nền tảng của cơ thể, giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch, phòng tránh nhiều bệnh tật như còi xương, suy dinh dưỡng, quáng gà... Chất béo trong dầu ăn là trung gian chuyên chở các phần tử dinh dưỡng, đồng thời đóng vai trò là dung môi hòa tan các vitamin A, D, E, K… giúp ruột hấp thụ các vitamin này.



Hỗ trợ phát triển tế bào não và hệ thần kinh của trẻ


Quá trình hình thành và phát triển não bộ của trẻ em diễn ra từ rất sớm, ngay trong những ngày đầu của bào thai. Lúc này, nguồn DHA duy nhất mà thai nhi nhận được là từ mẹ. Do đó, WHO khuyến cáo phụ nữ mang thai cần ít nhất 200mg DHA/ngày, có thể bổ sung từ nhiều nguồn, trong đó có dầu ăn dinh dưỡng.



Chất béo tham gia vào cấu trúc của tất cả các mô và tế bào thần kinh, trong đó có những chất béo đặc biệt cần thiết cho não là Omega 3 (trong đó DHA và EPA là những chất béo Omega 3 thiết yếu) và Omega 6.



Omega 3 (DHA) có nhiều trong dầu cá hồi, đặc biệt cần thiết cho sự phát triển trí não của trẻ.




DHA là tên viết tắt của Docosahexaenoic Acid (là axit béo không no mạch dài có 22 carbon và 6 nối đôi), là thành phần chính tạo nên não bộ của con người (chiếm khoảng 15-20% trọng lượng bộ não) và tham gia cấu tạo võng mạc của mắt. Trẻ được cung cấp đầy đủ DHA sẽ phát triển hoàn chỉnh võng mạc sớm và phản ứng tốt hơn với các kích thích từ bên ngoài, do đó tăng chỉ số trí tuệ và thông minh hơn.



Omega 3 (DHA) có nhiều trong cá hồi, cá thu, cá trích. Omega 6 có nhiều trong các loại dầu thực vật như: dầu ô liu, dầu gạo, dầu hạt cải, dầu mè…



Cho đến 8 tuổi, mẹ vẫn cần tiếp tục cho bé sử dụng dầu ăn đặc chế cho trẻ em để


tránh tình trạng thiếu cân, suy dinh dưỡng.




Dùng dầu ăn đúng cách


Chất béo đặc biệt cần thiết cho sự phát triển của trẻ trong mọi giai đoạn từ bào thai, ăn dặm cho tới 8 tuổi, trẻ càng nhỏ thì nhu cầu về chất béo càng cao.



Nên cho trẻ sử dụng loại dầu ăn dinh dưỡng có công thức đặc chế cho trẻ em, vì loại dầu ăn này có bổ sung vitamin A,D,E,K, cũng như các chất béo thiết yếu như omega 3,6,9, DHA, EPA đã được đo đếm theo công thức, đảm bảo cung cấp đủ cho nhu cầu hàng ngày của trẻ. Trong khi đó, các loại dầu ăn thông thường chỉ đơn thuần cung cấp chất béo có nguồn gốc thực vật mà không đảm bảo được việc cân đối hàm lượng dinh dưỡng chất béo và vitamin cho trẻ.



Sau 6 tháng, trẻ bắt đầu bước vào thời kỳ ăn dặm với thức ăn đặc hơn (bột, cháo, cơm …) thì cần bổ sung chất béo để đảm bảo cho bé đủ năng lượng, dinh dưỡng và ngon miệng hơn. Nhu cầu của trẻ lúc này là 10ml dầu ăn đặc chế trẻ em/ ngày.



Sau 2 tuổi cho đến 8 tuổi, trẻ đã mọc đủ răng và có thể tự nhai thức ăn đặc, tuy nhiên mẹ vẫn cần tiếp tục bổ sung dầu ăn đặc chế cho trẻ em vào khẩu phần của bé để tránh tình trạng thiếu cân, suy dinh dưỡng.