So với The Lion King diễn ra chủ yếu ở Pride Lands và các khu rừng rậm, bối cảnh của Mufasa: The Lion King lớn hơn khi trải dài hầu như mọi thời tiết, địa hình của lục địa Châu Phi.
Khi bắt đầu dự án vào năm 2020, đạo diễn Barry Jenkins có một quan niệm: “Đối với tôi, hình ảnh của bộ phim thực sự quan trọng”. Anh lấy cảm hứng từ những bộ phim và vở nhạc kịch sân khấu mà khán giả đã yêu thích từ lâu: “Tác phẩm này phải tự đứng vững trên đôi chân của nó".
Các nhà làm phim đã sử dụng công nghệ thực tế ảo kỹ thuật số để tìm kiếm địa điểm và lên kế hoạch quay phim. Kết hợp từ các địa điểm thực tế trên khắp Châu Phi, ê-kíp đã tạo nên một bối cảnh mang đậm phong cách trữ tình, cảm xúc và tầm nhìn rộng lớn của Jenkins. Từ khâu thiết kế sản xuất, quay đến kỹ xảo, hoạt họa và dựng phim, ê-kíp đã kết hợp nhiều phương pháp tiếp cận từ cả hoạt hình lẫn live-action.
Do đại dịch Covid-19, Jenkins và nhà thiết kế sản xuất lâu năm Mark Friedberg không thể trực tiếp đi khảo sát mà phải thông qua các chuyến đi ảo do đội ngũ trinh sát dũng cảm thực hiện. Địa hình đa dạng tuyệt vời của Châu Phi chính là xương sống cho bối cảnh và hành trình của các nhân vật. Dĩ nhiên, bộ phim không dựa theo bản đồ thực tế ngoài đời thực mà là một cuốn “nhật ký hành trình” đầy cảm hứng, được điều chỉnh để phản ánh cốt truyện.
Friedberg cho biết: “Rõ ràng là Châu Phi là một lục địa khổng lồ với đủ loại cảnh quan. Điều có vẻ phù hợp nhất với câu chuyện là hành trình từ phía nam Châu Phi lên đến nơi kết thúc ở bờ biển phía đông của lục địa, đâu đó ở quanh Kenya, gần nơi Pride Rock ban đầu được mọi người nghĩ đến. Chúng tôi bắt đầu gần Botswana. Nơi đây bằng phẳng, khí hậu nhiệt đới hoàn toàn, lạ lẫm và ngoạn mục. Nơi đây có cỏ, đường chân trời, vẻ đẹp và cuộc sống sung túc cho nhiều loài. Đây chắc chắn là một trong những cảnh quan và địa hình đáng chú ý nhất mà tôi từng trải nghiệm”.
“Chúng tôi nghĩ rằng đó sẽ là điểm khởi đầu tốt cho Mufasa, chú sư tử đã bị dòng nước lũ tách khỏi gia đình, cuốn cậu ra khỏi nơi duy nhất mình từng biết đến. Khi cậu ấy đến ngôi nhà mới, có những đau đớn về mặt cảm xúc. Và chúng tôi phải làm rõ mình đang ở đâu trong câu chuyện, theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Có những điểm điểm nhấn cảm xúc được cài cắm trong kịch bản, ví dụ như một cuộc phiêu lưu ở thác nước khổng lồ. Bối cảnh của chúng tôi chủ yếu dựa trên Thác Victoria. Nhưng các điểm đánh dấu trong kịch bản không được chọn theo địa lý. Ý tưởng của tôi là ghi lại những địa địa điểm có thật ở Châu Phi nhưng được thiết kế để phù hợp với kịch bản”, ông nói thêm.
Sau khi nghiên cứu, trinh sát và ghi lại các địa điểm, nhóm của ông bắt đầu thiết kế và xây dựng các bối cảnh. Ông cho biết: “Nó rất phức tạp, bao gồm hàng trăm bản vẽ có thể mất nhiều tuần. Lớp tiếp theo là bối cảnh ảo, một không gian ba chiều mà chúng tôi tạo ra dựa trên nghệ thuật ý tưởng". Câu chuyện của Mufasa có rất nhiều địa điểm và các nghệ sĩ đã tạo ra một hành trình chịu ảnh hưởng của các địa điểm trên khắp lục địa Châu Phi.
Với tài liệu tham khảo từ các chuyến trinh sát, nhóm có thể tái tạo hệ thực vật và động vật của lục địa này. Sử dụng các kỹ thuật như phép đo ảnh và điêu khắc thủ công, ê-kíp đã tỉ mỉ xây dựng các đồng bằng, hẻm núi và rừng, chế tác mọi chi tiết từ đá đến ngọn cỏ. Cảnh quan được tái tạo và làm phong phú thêm bằng sông, cây cối và thực vật. Giám sát viên VFX Audrey Ferrara cho biết: “Để xử lý quy mô của những môi trường khổng lồ, lớn hơn nhiều so với bộ phim The Lion King trước đó, chúng tôi phải phát triển các công cụ mới để tăng hiệu quả. Phong cảnh trở thành một phần không thể thiếu để kể về hành trình của Mufasa, đóng vai trò là bối cảnh địa lý cũng như tâm lý.”
Cuối cùng, thế giới của Mufasa sẽ trải dài gần 280 km vuông, tương đương với kích thước của Thành phố Salt Lake, Utah (Mỹ). Friedberg háo hức tạo ra loại hình ảnh biểu cảm mà Jenkins hướng tới. Ông nói: “Có cảm xúc trong từng khung hình.Chúng tôi muốn câu chuyện mang tính giác quan, trực quan và cảm xúc.”