Muốn hạnh phúc, phụ nữ phải biết đảm đang một cách “khôn ngoan”
O:-);;)Ngay từ khi là cô gái mới lớn, tôi đã được mẹ dạy bảo rằng: Là phụ nữ thì không được làm biếng, phải đảm đang để được khen ngợi mọi lúc mọi nơi. Nhưng cái nghĩa đảm đang mà mẹ tôi nói hoàn toàn chỉ là nghĩa đen. Vì đảm đang gần như đồng nghĩa với việc “xuất sắc trong vai trò tì nữ” vậy.
Nhận thức được thế nên tôi không cố gắng đảm đang theo cách này. Tôi nghĩ, phụ nữ đảm đang theo cách của mẹ tôi nói chỉ tự làm bản thân mình cực thêm. Do đó, dù tôn trọng và nhiều lần suy nghĩ về lời mẹ dặn nhưng tôi không u mê với cái danh hão đảm đang toàn tập ấy.
Là phụ nữ, nói thật tôi cũng không ủng hộ quan điểm phụ nữ phải vụng và lười mới hạnh phúc. Bởi như vậy, phụ nữ cũng chẳng thể lấy đâu ra hạnh phúc cả. Nhưng tôi rất không đồng tình khi những phụ nữ cứ è cổ ra làm ô sin rồi nhăn nhó kêu mệt, kêu ca vì khổ. Thậm chí, họ quay sang càm ràm chồng không giúp, kể lể công ơn. Nói thật những phụ nữ kiểu này tôi cũng thấy phát ớn luôn. Là phụ nữ, tôi còn nghe không nổi nữa, huống chi là chồng con họ.
Thực tế, tôi từng gặp nhiều phụ nữ rất đảm và giỏi. Họ đảm đến mức thấy người khác làm là ngứa hết cả con mắt vì không yên tâm và vì nghĩ họ làm nhanh hơn, sạch hơn. Tôi cũng hiểu những phụ nữ này chẳng thích làm được đảm đang, được lời khen ho hen cả ngày đâu. Họ chỉ nghĩ họ không làm thì chẳng ai làm, để ai đó làm thì ngứa mắt nên toàn phải đi theo sau nhìn ngó. Nên cuối cùng, nhà rõ vẫn đông người mà họ chưa thấy nhàn hạ.
Còn tôi, từ lâu luôn nghĩ rằng, tôi phải cố gắng đảm đang vì chính tôi. Tôi đảm đang, chăm chỉ để làm được những điều tốt đẹp cho cuộc đời tôi. Vì nghĩ thế, hành động thế nên tôi thấy hạnh phúc.
Vì là người đảm đang và luôn cố gắng đảm đang nên tôi không bao giờ ưa người lười nhác, tôi cũng không cho phép bản thân lười nhác. Nhưng tôi cần phải chăm chỉ, đảm đang một cách "khôn ngoan". Và đảm đang theo tôi không phải là ôm hết việc vào mình như nhiều phụ nữ đang làm mà tôi đã kể trên. Ngược lại, đảm đang "khôn ngoan" là phải biết quản lý gia đình, đối nội đối ngoại tối. Bởi thật sự, phụ nữ không đảm đang như thế thì lấy đâu ra hạnh phúc.
Tôi lấy chồng từ năm 24 tuổi. Nhà chồng và nhà đẻ tôi đều nghèo. Vì thế, khi cưới nhau, chúng tôi cố gắng lo liệu hết người thân không phải mất 1 xu. Sau đó, vợ chồng tôi xác định chăm chỉ, tự thân vận động kiếm tiền. Sau bao tích cóp, bao vất vả, chúng tôi cũng mua được căn nhà nhỏ dù phải vay mượn non nửa.
Rồi, cuộc sống vợ chồng trẻ không ông bà đỡ đần giữa thành phố này vất vả đến thế nào thì ai cũng biết. Nhưng ngày ngày, vợ chồng cứ thay nhau cơm nước, đưa đón con đến trường. Buổi tối, tôi cũng sắp xếp để kèm con học. Cũng may, 2 con tôi đều ngoan giỏi và tự giác cả.
Và ngay cả khi con còn nhỏ, là phụ nữ, tôi vẫn luôn cố gắng chu toàn nội ngoại. Còn quản lý gia đình nhỏ của tôi, nhà tôi không phân biệt nam nữ, dù là ai cũng phải làm việc nhà. Có khi chồng tôi rửa bát, con lau nhà, vợ giặt đồ vì không có giúp việc.
Tôi luôn quán triệt chồng con lăn ra làm cùng vợ. Bởi khi làm cùng rồi, chồng con tôi mới thấy hóa ra việc nhà đâu đơn giản. Vì thế họ sẽ càng nể, càng yêu vợ, yêu mẹ là tôi hơn. Những người thân bên tôi càng biết rõ công lao của tôi với cái gia đình này. Vì thế càng ngày ở gia đình, tôi vừa làm ít đi lại vừa được tôn trọng nhiều hơn.
Nhiều lần tôi tự hỏi, nếu tôi lười biếng, không đảm đang, không tự lập, chăm chỉ lấy đâu ra con ngoan, tự lập và ông chồng “hai đảm đang” như thế. Tôi nghĩ, tôi đảm đang là để bản thân mình và con cái được chăm sóc tốt hơn, tự lo cho cuộc sống của mình 1 chút, sau này mình mới sướng được.
Nói chung, phụ nữ ngoài phải yêu và trân trọng bản thân mình thì phải nên học đảm đang “khôn ngoan” nữa (nhưng đảm đang không phải ôm đồm hết cả mọi việc). Bởi đảm đang mới vun vén được hạnh phúc gia đình, làm cái gì ra cái ấy. Là phụ nữ, tôi nghĩ cũng phải biết này biết kia, biết sắp xếp mọi việc khoa học, nấu ăn ngon, chăm con giỏi, chỉn chu sạch sẽ chứ không thể chểnh mảng và vụng về, làm gì cũng chả nên hồn được? Với tôi chẳng có cái gì thành công hạnh phúc mà không phải đảm đang cố gắng.