BANGKOK - CÓ GÌ MÀ HAY :))



Có nhiều cách để viết một bài “kinh nghiệm”, sắp xếp theo thời gian hay những việc cần chuần bị, và còn tùy vào đối tượng bạn đọc mà mình hướng tới. Mình ở đây viết theo kiểu hướng dẫn là chủ yếu, tập trung vào số bạn lần đầu du lịch BKK, các bạn mà hay hỏi là “Anh ơi, em lần đầu đến BKK, em sợ thế này, em sợ cái kia, em làm vậy có đúng không, em mà có chuyện gì ở BKK là em tìm anh đó nha …” :Embarrassment:. Không quá chú trọng việc kể lể các trải nghiệm, vì mình nghĩ đã đi du lịch thì tự bản thân mình nên trải nghiệm mới thú vị, hơn nữa quan điểm của mỗi người là khác nhau, cùng 1 địa điểm có thể nhiều ý kiến trái ngược nhau. Hi vọng sau khi đọc bài viết của mình, các bạn sẽ biết thêm được nhiều điều thú vị, biết tổ chức cho một chuyến đi tại BKK thế nào, sẽ không còn sợ nhiều thứ nữa, nhưng muốn thì cứ gọi và gặp Messi nhé, ưu tiên Ladies :D


1. Đặt vé máy bay:


Nếu dư dả, bạn cứ đi VN Airlines, mua hẳn vé Business cho nó oách :)) Nếu tiết kiệm thì nên chọn 1 trong 2 hãng Air Asia hoặc Vietjet. Theo mình, vé rẻ của 2 hãng này trong thời gian bình thường (không trong đợt khuyến mãi) là tương đương. Của AA khoảng 43$ không hành lý, trong khi của VJ là 850K. Vì vậy, chỉ có 2 vấn đề cần lưu ý khi chọn đặt vé của 1 trong 2 hãng này là:


- Sân bay: AA hạ cánh ở sb Don Muang, còn VJ là sb Suvarnabhumi. Cả 2 sb này đều ở ngoại ô, cách về trung tâm BKK là khác nhau. Mình sẽ đề cập cụ thể ở phần sau.


- Bạn ở TP.HCM hay Hà Nội? Vì lượng người đi lại giữa Tp.HCM và BKK nhiều nên 2 hãng trên đều xem đây là tuyến vận chuyển ưu tiên, có nhiều chuyến bay trong ngày hơn tuyến HN-BKK. Nếu bay từ HN về BKK bằng AA, bạn chỉ có 1 sự lựa chọn duy nhất là chuyến 6h45 sáng mỗi ngày. Bạn hiểu sự cực khổ khi phải đáp chuyến bay sáng sớm thế nào rồi chứ? Check out ks lúc 4h, gọi taxi rồi lật đật ra sb trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh :D Nhiều bạn đi du lịch bụi, để tiết kiệm phải ngủ lại sb Don Muang. Vì vậy, lời khuyên dành cho các bạn ở HN là nên mua vé của VJ trong trường hợp vé giữa VJ và AA chênh nhau không đáng kể. VJ bay quốc nội hay delay, nhưng quốc tế thì chưa thấy nhiều người phàn nàn. Cũng chưa thấy chuyến bay nào của VJ hạ cánh ở Kuala Lumpur thay vì BKK :))


Thời gian qua đây nên bao gồm 2 ngày cuối tuần để còn tranh thủ Shopping ở chợ ChatuChak.


2. Đặt khách sạn:


Việc đầu tiên là các bạn chuẩn bị giùm mình cái bản đồ du lịch BKK, loại có cả hệ thống BTS Sky train ấy. Download trên mạng cũng có, vào google maps, không thì ra ngoài hiệu sách mua 1 cái, hoặc hỏi xin lại các bạn đã đi BKK về. Các bạn vừa đọc bài mình vừa nhìn vào bản đồ sẽ dễ hiểu hơn, còn đọc chay lỡ không hiểu hoặc “tẩu hỏa nhập ma” thì ráng mà chịu b-)


Việc đặt khách sạn phải làm sau khi bạn đã đặt vé máy bay. Nhiều bạn hay hỏi phòng trước rồi mới quyết định đặt vé máy bay, hơi ngược đời. Ở BKK các bạn nên đặt KS gần các khu Pratunam, Siam, Sukhumvit, Silom… Nói chung là các bạn nên đặt KS quanh các khu gần BTS hoặc MRT. Tại sao? Tắc đường là một vấn nạn của BKK. Đi lại bằng BTS hoặc MRT không đơn giản chỉ là sự tiện lợi mà còn là trải nghiệm. Ở VN mình chưa có cả BTS và MRT. Cái BTS ở Hà Nội không biết xây khi nào mới xong nhẩy? Một số bạn qua đây thích mua sắm hoặc chỉ mua sắm vì là dân buôn, nên thường chọn khách sạn ở ngay trong chợ Pratunam để đi shopping cho tiện. Mình chỉ khuyên các bạn cẩn thận, chú ý giấc ngủ của mình, ở ngay trong chợ chưa hẳn đã hay, ban đêm vẫn rất ồn ào. Chọn khách sạn cách cách chợ ra 1 tí sẽ đảm bảo sức khỏe cho bạn trong 1 chuyến đi vài ba ngày.


Đặt KS thế nào? Vào Agoda.vn hoặc Booking.com. Chú ý: Giá KS không rẻ như thường thấy trên quảng cáo. Lúc vào đặt bạn sẽ hiểu vì sao. Thêm 17% thuế :D Giá KS, loại KS mà được được chút ấy, theo mình biết, từ 900B (600K) trở lên cho 2 người. Nếu bạn ở 3 người thì một số khách sạn có dịch vụ “extra bed” cho người thứ 3, tính thêm giá khoảng từ 50-75% tiền phòng. Các bạn du lịch bụi, đi nhóm nhiều người, muốn siêu tiết kiệm thì tìm phòng kiểu dormitory tại hostelworld.com hoặc hostelbookers.com. Các Dorms này thường tập trung ở khu China Town hoặc Khaosan Road, không gần BTS nhưng có thể di chuyển bằng Bus hoặc Taxi. Để xem đánh giá về KS muốn đặt, bạn vào Tripadvisor.com.vn tham khảo. Trang này đánh giá khá chính xác, cứ thấy KS nào điểm cao là nó Ok đó, các trường hợp còn lại là hên xui :D


3. Đổi tiền:


Có cần đổi tiền nhiều trước khi qua không? Hay là chỉ đổi 1 ít rồi đem $ qua Bangkok đổi thêm? Theo mình là thế nào cũng được. Cho dù các bạn có đổi nhiều Bạt, về VN vẫn còn dư thì cũng không sao. Lên WTT này rao lại đầy mẹ mua mà, bớt mỗi Bạt tầm 10 VNĐ, nếu có dư vài nghìn Bạt thì bán lại lỗ mấy chục nghìn VNĐ chứ mấy, chả đáng là bao. Nếu đổi tiền ở trong nước, tại Hà Nội các bạn ra Hà Trung, Sài Gòn thì ra chợ Bến Thành là được giá nhất. Nếu đổi tại Bangkok thì đến bất kỳ điểm công cộng nào đều có Exchange money cả (Siam Paragon, Siam Center, Plantinum, MBK, ngay cả chợ Pratunam và Chatuchak cũng có). Trường hợp bạn là con buôn, muốn đổi số lượng lớn thì nên đến các chi nhánh của SuperRich, tìm tại đây: http://www.superrich1965.com/location.php Đây là điểm đổi tiền được cho là có tỉ giá tốt nhất tại Bangkok. Có 1 cái ở Central World và MBK đó. Các bạn nên tránh đổi tiền tại Sân bay nhé, tỉ giá rất thấp. Ví dụ 100$ trong thành phố đổi được hơn 3200B thì tại sân bay Suvarnabhumi chỉ đổi được 3000B thôi. Mình từng là nạn nhân của vụ đổi tiền tại sb Suvarnabhumi rồi, ngày đầu đến BKK chẳng được ai chỉ cả.


4. Mua sim:


Những bạn nào có nhu cầu sài 3G nhiều thì tại sân bay nên mua sim 3G của bất cứ nhà mạng nào cũng được: AIS, DTAC, TRUE …, đồng giá 299B cho 1 tuần 3G, tài khoản có sẵn 100B để nghe gọi tại BKK. Hoặc có gói 599B cho 15 ngày 3G. Họ cắt sẵn cho mình thành Micro Sim hoặc Nano Sim nếu muốn. Gọi điện trong Thái Lan thì Ok, chứ gọi về VN thì mắc thôi rồi, hơn 10B/1 phút. Còn nếu muốn mua sim thường để gọi điện chay, non 3G, kiểu sim khuyến mãi ở VN mình, thì vào bất cứ siêu thị 7/11 nào trong BKK đều có cả, giá là 100B. Ở sân bay có bán sim thường không thì mình cũng không rõ.


Các bạn đang du lịch mà có nhu cầu liên lạc vào trong nước nhiều thì nên chủ động đăng ký dịch vụ chuyển vùng quốc tế (Roaming service). Mình bên này nếu cần gọi về VN thì thường là gọi Viber (số VN đã roaming), Skype … Trong đó chất lượng cuộc gọi của Skype tốt hơn hẳn Viber.


5. Đi lại trong BKK:


Như đã nói ở trên, tắc đường là vấn nạn ở BKK, các bạn nên đi lại bằng BTS và MRT là thoải mái nhất (BTS là tàu điện trên không, MRT là tàu điện ngầm). Đối với những nơi không có BTS và MRT thì bắt taxi hoặc Tuk Tuk, Bus vì giá Taxi ở BKK rất rẻ, chỉ bằng khoảng 1/2 giá Taxi ở VN. Khi thấy các bạn xài tiếng Anh hoặc tỏ ra lóng ngóng, đừng ngạc nhiên khi các bác Tài muốn các bạn trả trọn gói, không bật Meter, một là muốn mần thịt gà, hai nữa là BKK hay tắc đường nên nếu đi trong giờ cao điểm Taxi sẽ không có lời. Lời khuyên là các bạn nên kiên trì yêu cầu tài xế bật Meter, đừng đi kiểu trọn gói trừ trường hợp bắc đắc dĩ vì giá cao. Hai nữa là đừng bắt Taxi tại các điểm ngay trước KS hoặc các khu ăn chơi, vì các Taxi này bị Mafia và cò thao túng, phải trả phí để được đỗ ở những nơi này nên thường lấy giá cao hơn Taxi thường. Ví dụ hôm bữa mình với gia đình mẹ Akprincess đi từ Nana đến China Town, ban đầu tài xế xe 7 chỗ trước KS đòi 500B, quá mắc, mình liền lội ra ngoài đường cái bắt 2 chiếc xe 4 chỗ (vì ngoài đường BKK rất ít xe 7 chỗ), 1 xe chạy meter hết 77B, 1 xe trọn gói hết 200B. Thêm 1 bài học nữa rút ra là, nếu các bác tài nằng nặc đòi trọn gói, trả giá 50% cho mình, cứ bảo là Messi nói thế :))


- Giá tham khảo 1 số đoạn Taxi đi bằng Meter cho các bạn biết để deal giá nếu đi trọn gói:


+ Ari - Grand Palace: 140B.


+ Nana – China Town: 77B.


+ China Town – Soi CowBoy: 90B.


- Cách di chuyển từ Sb về BKK: Ngoài cách chung và tiện lợi nhất là Taxi,


+ Suvarnabhumi: Đi Airport Link. Có 2 loại Airport Link: City Line và Express Line. City Line rẻ hơn, dừng 7 trạm, Express Line mắc gấp đôi, chạy thẳng 1 mạch. Khuyên các bạn nên đi City Line, giá 45 Bạt/ 1 người, trạm cuối là Phaya Thai. Trên đường về đi ngang qua khu Pratunam, các bạn có thể xuống trạm RajPrarop nếu thuê KS gần khu Pratunam.


+ Don Muang: có 1 cách đi rất rẻ từ sb Don Muang về BKK mà nhiều bạn không biết, đó là bắt bus 29. Một số bạn đặt khách sạn Bangkok City Hotel có thể đi bằng cách này vì bus 29 có đi qua trạm Ratchathewi. Từ Ratchathewi đi bộ 1 tẹo là đến Bangkok City Hotel rồi. Các bạn thuê KS khác ở khu Pratunam cũng đi bằng cách này được. Từ trạm Ratchathewi về đến chợ Pratunam chưa đến 1 Km.


Hành trình cụ thể của Bus 29:


http://www.transitbangkok.com/lines/bangkok-bus-line/29


- Muốn tìm cách đi lại tiện nhất các bạn cũng có thể vào trang transitbangkok.com. Tuy nhiên thông tin không hoàn toàn chính xác.


- Một số bạn hay hỏi mình là em từ chỗ A muốn đi đến chỗ B thì có thể đi bằng BTS được không? Và đi ntn?


Để xác định đường mình có đi bằng BTS được không, trước hết bạn vào googlemaps search 2 địa điểm xem nó có ở gần BTS không? Ví dụ muốn đi từ KS Bangkok city hotet đến chợ ChatuChak. Trước hết vào googlemaps các bạn thấy Bangkok city Hotel ở gần BTS Ratchathewi, còn Chatuchak ở gần BTS Mochit, vậy bạn có thể đi bằng BTS, ra trạm Ratchathewi mua vé đến BTS Mochit rồi lội bộ 1 tẹo là đến. Còn nếu muốn đi từ ks trên đến Khaosan Road hoặc Grand Palace thì chỉ đi được bằng Taxi hoặc Bus thôi, không đi được bằng BTS vì khu Khaosan Road và Grand Palace ở cách xa BTS.






- Làm thế nào xác định tên trạm BTS khi trên GoogleMaps toàn tiếng Thái? Kết hợp thêm cái bản đồ BTS có tiếng Anh nữa. Lấy BTS Mochit (trạm đầu tiên) làm chuẩn, hoặc Siam (trạm trung tâm) làm chuẩn. Cách tìm trạm Siam rất đơn giản, bạn nhìn vào GoogleMaps thấy đoạn nào có 3 trạm BTS làm thành 1 hình tam giác thì đó là các trạm: Ratchathewi ở trên, trạm National Stadium ở bên trái, trạm Siam ở bên phải.




- Cách mua vé đi BTS:


+ Đến quầy nhân viên, đưa tiền Baht cho họ để lấy tiền xu.



+ Đến máy mua vé ngay trước quầy nhân viên. Căn cứ vào đoạn đường mình muốn đi từ đâu đến đâu để xác định giá. Ví dụ trong hình mình đang ở Ari, muốn đi đến Siam thì phí là 31 Baht.


+ Nhìn vào cái máy bên phải bảng giá:


. Ô số 1: Bấm vào số tiền để mua vé, ở đây là số 31.


. Đút tiền vào ô số 2. Ví dụ 31 Bath thì đút 3 đồng 10 + 1 đồng 1. Hoặc bạn đút 4 đồng 10 cũng được. Nó sẽ trả lại tiền thừa ở ô số 4.


. Nhận vé ở ô số 3.


. Nhận tiền thừa ở ô số 4 (nếu đút dư, không thì thôi :D)



Vé 1 chặng này bạn phải dùng 2 lần. 1 lần để lên tàu và 1 lần xuống tàu. Thế nên bạn phải mua vé đúng chặng. Ví dụ đi từ Ari đến Siam là 31 Baht, mà bạn chỉ mua vé 25 Baht thôi chẳng hạn, thì bạn sẽ lên tàu được, nhưng tại Siam bạn không ra được, nhân viên sẽ bắt bạn trả thêm 6 Baht còn thiếu.


Lúc vào: Đút vé vào cái khe, xong nhận lại vé. Nhớ là phải nhận lại vé nha để còn quét lúc ra tàu.


Lúc ra: Đút vào rồi đi, xài xong rồi không có nhận lại vé đâu nữa mà chờ :D



- Khi đang ở trên tàu, làm thế nào để biết mình đang đã đi đến trạm nào?


Một là nghe nhân viên tàu nói qua loa, họ nói song ngữ Thái - Anh khá rõ ràng. Hai là nhìn lên bản đồ có trong mỗi toa tàu. Không sợ lạc đâu. Có đi lố thì bắt tàu về lại, không phải mua thêm vé đâu mà lo :))



- Làm thế nào đi BTS khi 2 điểm ở 2 Line khác nhau:


Ở Bangkok, BTS có 2 line, đại khái là 2 tuyến tàu khác nhau, 1 là Sukhumvit, 2 là Silom. Hai tuyến này giao nhau tại trạm Siam, nghĩa là tại đây bạn có thể chuyển sang Line kia nếu cần. Ví dụ bạn cần đi từ Ari, thuộc Line Sukhumvit, đến Saphan Taksin, thuộc Line Silom, thì bạn vẫn mua vé như bình thường. Nhưng khi đến trạm Siam bạn nhớ xuống để đổi qua tàu Silom đi tiếp đến Saphan Taksin. Chỉ cần chuyển tàu, không cần mua vé 2 lần (Xem lại hình trên).


- Cách đi đến một số điểm du lịch đáng chú ý tại BKK, ngoài Taxi thì bạn có thể chọn cách khác hoặc kết hợp khám phá các phương tiện di chuyển khác tại BKK như sau:


+ China Town: Nhìn vào bản đồ có thể thấy China Town không gần trạm BTS nào cả, nhưng có trạm MRT Hua LamPhong gần đấy. Vậy bạn có thể mua vé từ bất kỳ trạm MRT nào để đi đến trạm Hua LamPhong rồi xuống đi bộ vào phố Tàu (cách mua vé MRT cũng tựa như BTS). Nếu cần hỏi người dân địa phương về phố Tàu nên nói là đến đường Yaowarat, đây là đường trung tâm của China Town, có nhà hàng China Town Scala, và 2 quán áo xanh và áo đỏ bán đồ hải sản khá ngon.




+ Grand Palace, các chùa Wat Arun, Wat Phra Chetuphon …: Các địa điểm này cạnh nhau và cũng nằm cạnh sông, nên nhiều bạn hay kết hợp đi thuyền đến đây. Cách đi: Bạn bắt BTS từ 1 điểm bất kỳ đến trạm Saphan Taksin (trạm giao với sông Chao Phraya). Ngay tại đây bạn mua vé đi thuyền, nói đến Grand Palace là họ hiểu.



+ Asiatique: Cũng nằm cạnh sông, đi đến Saphan Taksin rồi bắt thuyền đi hướng ngược lại so với Grand Palace.


- Các trung tâm gần BTS:


+ Siam: Siam Paragon, Siam Center, Siam Square, Central World.


+ National Stadium: Siam Discovery, MBK.


+ Nana: Khu ăn chơi Nana nổi tiếng, KS Ambassador.


+ Asok: Terminal 21, khu ăn chơi thác loạn Soi Cowboy.


+ Ploenchit: Đại sứ quán Việt Nam :D


+ Mochit: Chợ ChatuChak.


+ Victory Monument: Nơi bắt xe Van đi các đảo tại Thái Lan như: Hua Hin, Koh Samed …


+ Ratchathewi và Phaya Thai: KS Bangkok City Hotel, chợ Pratunam, Plantinum, tòa nhà Baiyoke.