Thắc mắc khi sau Tết liên tục bị vợ cho ăn cơm đậu hủ, tương xào, mắm ruốc, anh Hải tra hỏi, đến khi nhìn sổ thu chi, anh chồng không bao giờ đi chợ mới tá hỏa bởi giá của mọi thứ đều đồng loạt tăng.
Chồng làm công nhân công ty may, vợ là cô giáo mầm non, thu nhập tháng của anh Hải và chị Vân (quận Bình Chánh, TP HCM) chưa đến 5 triệu đồng. Chính vì thế mọi chi tiêu mỗi ngày đều được hai vợ chồng tính toán thật kỹ và không thể thay đổi.
“Không quan tâm đến vật giá, nay nhìn thấy giá rau củ quả, thịt cá vợ ghi chép, tôi không còn dám than phiền bởi nếu không căng kéo thì đến tiền học cho đứa con cũng không biết xoay sở ra sao”, anh Hải nói.
Còn theo chị Vân, nếu cách đây một năm, với 100 nghìn đồng chị có thể đi chợ mua đủ thức ăn cho bốn miệng ăn thì bây giờ với 120 nghìn đồng, lượng đồ ăn bày trên bàn cũng chỉ còn hơn nửa.
“Mọi thứ từ đường, rau, cá, thịt đều tăng giá, đặc biệt là sau Tết Tân Mão. Một thí dụ nhỏ thôi, một năm trước, muốn mua hành lá chỉ cần 1.000 đồng, thì nay phải 2.000 đồng mớ hành vẫn chưa được nhiều bằng trước. Tôi phải tính toán thật kỹ và phải hạ thấp chất lượng để giữ số lượng món ăn, mới đủ tiền chi tiêu nhiều thứ khác trong tháng”, chị Vân nói.
Nhiều gia đình phải cân đo chi tiêu khi vật giá tăng. Ảnh chỉ mang tính minh họa: Phương Nghi.
Cùng cảnh nhà có con nhỏ, nỗi lo phải đối mặt với "bão giá” của gia đình anh Nhơn, sống tại quận 8 càng tăng lên gấp nhiều lần.
"Hai vợ chồng đều làm công việc hành chính, thu nhập của vợ chồng chỉ đủ để lo cho những nhu cầu thực sự cần thiết nhất. Giờ thứ gì cũng tăng, dù phải cắt giảm chi tiêu mà vẫn chưa thấy ăn thua. Tuy tệ đến mức không có tiền ăn, nhưng chiếc tivi cũ chưa kịp thay, chiếc xe máy cà tàng thường xuyên tắt máy và ‘dự án’ kết nối truyền hình cáp, đã trở nên xa xỉ”, anh Nhơn nói.
Còn với gia đình chị Tuyết ở quận 5, trước đây chi tiêu sinh hoạt mỗi tháng khoảng 5 triệu đồng, thế nhưng chỉ trong hơn hai tuần sau Tết, số chi đã gần bằng mức cũ.
“Làm sao không tăng được khi giá gas, tiền ăn sáng phát cho các con, tiền cơm trưa văn phòng của hai vợ chồng, cho đến tiền rau tiền cải, tiền mắm tiền muối đều nhích lên thấy rõ”, chị Tuyết than thở.
Tổng thu tròm trèm 4 triệu đồng, nhìn mức chi vượt chỉ tiêu của nửa tháng đầu năm và thông tin điện, xăng sắp tăng giá, còn vàng với đôla trở nên xa xỉ vì giá quá cao, anh Hoài - chị Thu nhà ở quận 11 ngưng dự định sinh thêm một đứa con trai cho “có nếp có tẻ”.
“Tính toán thật kỹ, cuối cùng chúng tôi quyết định không sinh thêm con nữa vì không thể đủ tiền để chi tiêu. Trong thời buổi này, không thể tính theo kiểu “trời sinh voi sinh cỏ” được, bởi thêm một đứa con không chỉ thêm một miệng ăn mà còn nhiều thứ khác phải lo”, chị Thu nói.
Tại TP HCM, trước sự bất ổn về giá cả của nhiều mặt hàng, chuyện các bà nội trợ gặp nhau là than thở về giá cả đã không còn lạ. Một số người sau khi khảo sát giá ở nhiều nơi khác nhau, đang chuyển hướng đi siêu thị bởi tại đây một số mặt hàng như rau xanh, thịt heo, thịt bò, cua xay và một số loại cá biển giá rẻ hơn bên ngoài.
Với những bà mẹ có con nhỏ, để cân đối chi thu trước tình trạng giá cả tăng, nhiều người đã tính đến chuyện đổi loại sữa có giá thành rẻ hơn hoặc giảm số lần uống sữa trong ngày cho con.
“Ngoài việc đổi sữa rẻ tiền hơn cho con, tôi không dám đi gội đầu ở hiệu làm tóc nữa mà gội luôn ở nhà. Ông xã cũng phải ngưng nhậu và giảm hút thuốc luôn”, chị An, một công nhân may ở Tân Bình nói.
Không quá lo toan như những người không có tài sản, song trước tình hình vật giá leo thang, không ít gia đình phải cho thuê nhà rồi vào hẻm sâu thuê lại căn nhà khác nhỏ hơn để ở; hoặc thậm chí bán nhà lấy tiền gửi ngân hàng rồi mua nhà khác rẻ hơn ở ngoại ô.