http://us.24h.com.vn/news/detail/46/264592/Xon-xao-chuyen-tinh-that-ma-tien-lai-gia.24h?next_news=0


Nhân dịp anh chồng Việt kiều về nước chịu tang mẹ, cô vợ lập tức kéo một đám đông đến nhà chồng để “vạch tội con người bội bạc”, và... đòi tiền. Hiện chàng Việt kiều đã xuất cảnh, để lại một vụ khiếu nại chưa có hồi kết.


Một ngày tháng 5/2009. Bà con phố Hàng Lược (Hoàn Kiếm, Hà Nội) được chứng kiến một show nghệ thuật đường phố ầm ỹ, do hai phụ nữ vừa là đạo diễn vừa là diễn viên.


Hai người này kéo theo đám đông thành phần phức tạp, có cả mấy chàng xe lăn, ầm ầm tiến đến trước ngôi nhà số (...). Một người trưng trước ngực tấm ảnh cưới. Trong ảnh, cô dâu thướt tha áo dài trắng, chú rể com lê cà vạt sang trọng.


Những người hiếu kỳ ghé nhìn, hóa ra cô dâu chính là bà chị đang trưng tấm ảnh. Còn chú rể, không đâu xa lạ, là anh N., Việt kiều Úc, con trai cụ chủ nhà vừa mất, mới về nước chịu tang.


“Đồ bội bạc. Đồ lừa đảo. Không trả tiền, phen này chết với tôi”, chị thứ nhất gào lạc cả giọng. Chị thứ hai phụ họa: “Tiền nữa, trả ngay, không thì không xong đâu”. Đám người cùng đi trợn mắt bặm môi quây kín cửa ngôi nhà, phụ họa bằng những lời khó nghe.


Chị X. đang trưng ra tấm ảnh cưới.


Chỉ đến khi cảnh sát 113 và công an phường xuất hiện, mời hai phụ nữ về phường viết tường trình, đám người cùng đi và rất đông người hiếu kỳ mới giải tán.


Ái tình chẳng phân minh...


Người phụ nữ cầm tấm ảnh trước ngực hôm ấy, tạm gọi chị X., cũng không xa lạ với dân phố Hàng Lược. Trước chị X. cũng ở phố này, gần nhà anh N., học cùng em gái anh N., nên hai bên gia đình không lạ gì nhau.


Hình thức mặn mà nhưng đường tình duyên không thuận, chị X. ngoài bốn mươi mà vẫn chưa chồng.


Một ngày cách đây bảy năm, chị X. gặp anh N. từ Úc về Việt Nam chơi. Vốn có anh trai cũng định cư ở Úc, chị X. đặt vấn đề với anh N.: “Anh giúp em sang định cư ở Úc nhé”. Anh N. cười: “Anh là thằng thất nghiệp, ông này bà kia đâu mà giúp được em?”. Chị X. cũng cười, gò má thoáng ửng hồng: “Anh giúp được tốt. Chả khó khăn vất vả gì đâu, mất chút thời gian thôi. Mọi phí tổn em chịu tất”.


Kế hoạch của chị X., hóa ra chỉ cần anh N. chịu... đăng ký kết hôn, làm đám cưới giả với chị, rồi bảo lãnh cho chị sang Úc!


Đã li dị vợ, vốn là người sống đơn giản, dễ dãi, anh N. nghe bùi tai, gật đầu nhận lời. Hai người đưa nhau đi đăng ký kết hôn, đến Studio chụp hình, đến Sở Tư pháp làm thủ tục... Những lần anh N. về Việt Nam làm các công việc đó, chị X. đều gửi tiền sang Úc cho anh N. Thấy công việc thuận lợi, chị X. còn giới thiệu chị Y., một phụ nữ đã nhỡ thì, hương sắc không mấy mặn mà, nhờ anh N. kiếm “một bác Việt kiều tốt bụng” nào đó chịu đăng ký kết hôn để cũng được tái định cư ở Úc.


Sự đời có mấy việc được xuôi chèo mát mái như người ta dự tính. Bộ hồ sơ xin bảo lãnh cho chị X., anh N. nộp bên Úc, không được cơ quan chức năng nước này chấp nhận. Bởi họ thấy cuộc sống của cặp vợ chồng này đơn giản quá, họ nghi ngờ đây là hôn nhân giả.


Cả chị X. và chị Y. chờ hoài, niềm hy vọng dần thành nỗi thất vọng, rồi sau thất vọng là hận thù...


Bạc tiền không dứt khoát!


Sau hôm kéo đám người dữ dằn đến gây chuyện ầm ỹ ở nhà anh N., cả chị X. và chị Y. được mời lên Công an phường. Nhân đắm đò thì giặt mẹt, hai chị làm đơn gửi thẳng lên Phòng CSĐTTP về trật tự xã hội (PC14) Công an TP Hà Nội, tố anh N. “lừa đảo”.


Những phiếu chuyển tiền sang Úc trước đây được gom nhặt lại, phép cộng dồn cho ra con số 15.500USD - số tiền chị X. và chị Y. cho rằng đã bị anh N “chiếm đoạt”.


Anh N. sau hôm bị một trận ở phố Hàng Lược, hồn bay phách tán, vội làm thủ tục xuất cảnh khỏi Việt Nam để trở về Úc. Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất đã từ chối cho anh xuất cảnh, với lý do “Công an quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội đã có công văn đề nghị tạm hoãn không cho anh N. xuất cảnh”.


Trở ra Hà Nội, anh N. được triệu tập đến PC14 Công an Hà Nội, yêu cầu giải trình sự việc hai chị X. và Y. tố cáo. Anh N. thừa nhận chuyện kết hôn giả, chuyện nhận tiền đi về, chuyện định cư không thành... Song anh N. khẳng định, trong việc này, các bên (anh N., chị X., chị Y.) đều tự nguyện, không ai lừa dối ai. Số tiền chị X., chị Y. gửi sang Úc cho anh, anh đã chi phí vào việc đi lại, ăn ở, để đóng vai anh chồng hờ cũng như người dẫn mối.


Mong muốn của anh N. và người thân của anh, là cả anh N., chị X., chị Y. cùng ngồi lại với nhau, để tính toán xem khoản chi tiêu nào là hợp lý thì trừ cho anh N., khoản nào không hợp lý thì anh N. sẽ hoàn trả cho hai chị. Tuy nhiên, chị X. và chị Y. từ chối không gặp mặt anh N.


Điều tra viên PC14 Hà Nội cho rằng hành vi kết hôn giả của anh N. và chị X. là vi phạm pháp luật, tuy nhiên thời hiệu xử lý đã hết, còn chuyện tiền nong các bên phải tự giải quyết.


Không biết nghe ai thuyết phục, anh N. đem đủ hơn hai trăm sáu chục triệu đồng nộp cho điều tra viên, để bảo lãnh cho việc anh được xuất cảnh sang Úc. Tiền nộp vào, lệnh tạm cấm xuất cảnh cũng được dỡ bỏ, anh N. bay sang Úc, để lại một giấy ủy quyền cho người chị gái, đề nghị khiếu nại việc cơ quan công an đem số tiền này trả cho chị X. và chị Y. là không đúng.


Và hệ lụy chưa có hồi kết


Phóng viên đã tiếp chị gái của anh N., thay mặt cậu em Việt kiều đưa đơn khiếu nại đến cơ quan công luận. Qua nghiên cứu tài liệu được cung cấp, và tìm hiểu thực tế, có thể thấy trong sự việc này vẫn còn một số uẩn khúc từ phía các cơ quan tham gia giải quyết, dẫn đến khiếu nại của chàng Việt kiều.


Trước hết, việc Công an quận Hoàn Kiếm có văn bản hoãn xuất cảnh đối với anh N., thắc mắc của anh N. là có cơ sở. Với đối tượng là công dân nước ngoài, theo quy định pháp luật thì công an cấp quận không đủ thẩm quyền để ra văn bản yêu cầu hoãn xuất cảnh.


Hành vi gây rối trật tự công cộng của chị X., chị Y., đã được cơ quan chức năng xử phạt hành chính. Việc hai chị tố cáo anh N. “lừa đảo”, cơ quan chức năng xác định đây là vụ việc đôi bên tự nguyện, không ai lừa dối ai, hành vi nhận tiền của anh N. không cấu thành tội phạm hình sự.


Như vậy, chuyện tiền nong giữa chị X., chị Y. với anh N., đơn thuần là quan hệ dân sự, đôi bên phải tự giải quyết. Tuy nhiên, trước khi anh N. nộp 263 triệu đồng tại PC14 Công an TP Hà Nội, anh N. đã có văn bản nêu rõ: Số tiền này là để “bảo lãnh” cho anh N. được xuất cảnh, trước lời tố cáo của chị X., chị Y.


Lẽ ra, khi anh N. đã nộp tiền bảo lãnh và ủy quyền việc giải quyết tranh chấp về tiền bạc lại cho chị gái, PC14 Công an Hà Nội không nên vội trả số tiền này cho chị X., chị Y., mà để các bên liên quan tự giải quyết với nhau.


Điều cuối cùng đáng bàn trong câu chuyện này, không phải là tiền bạc hay kiện tụng, mà là câu chuyện nhân tình thế thái.


Lẽ ra, là những người Việt Nam hoặc gốc Việt, đã trưởng thành, chị X. và anh N. không được nghĩ đơn giản về hôn nhân, chuyện quan trọng bậc nhất đối với một đời người. Việc kết hôn giả là sai cả về pháp lý và đạo lý, nhưng hai người vẫn tiến hành. Cái gốc của những rắc rối từ đây mà ra.


Về tiền bạc, khi việc không thành, các bên nên tự giải quyết sao cho êm thấm, với tinh thần chín bỏ làm mười. Vốn đã là một câu chuyện buồn, giờ nó đang thành chuyện hiếu kỳ cho người đời cười chê.