Việt Nam lại bắt đầu chọn Quốc hoa: Sen, mai hay đào?


Tại Thông báo 104/TB-VPCP, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý với đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tiến hành lựa chọn Quốc hoa của Việt Nam.


Thủ tướng yêu cầu việc lựa chọn Quốc hoa cần có hình thức thích hợp để đông đảo nhân dân trong cả nước lựa chọn, suy tôn.


Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu, đề xuất việc tổ chức lấy ý kiến của nhân dân và cách thức lựa chọn, suy tôn Quốc hoa.



Quốc hoa là loài hoa tiêu biểu, là biểu tượng tinh thần, đặc trưng văn hóa dân tộc của mỗi quốc gia. Hiện nay nhiều nước trên thế giới và hầu hết các nước trong Khối Asean đã có Quốc hoa. Việt Nam là một trong 16 quốc gia trên thế giới giàu có nhất về đa dạng sinh học, là đất nước có nhiều loài hoa đẹp.



Hoa sen rất nhiều lần được lựa chọn làm Quốc hoa của Việt Nam


Thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức các hội nghị, hội thảo về sự cần thiết của việc lựa chọn và tôn vinh Quốc hoa Việt Nam, đề xuất Quốc hoa Việt Nam.



Trước đó, sáng 26/4/2012, tại Nhà hát Trưng Vương - TP Đà Nẵng, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức triển lãm các loài hoa và lấy ý kiến nhân dân về việc bình chọn Quốc hoa Việt Nam. Theo ban tổ chức, hoa sen đang là ứng cử viên số một cho danh hiệu “Quốc hoa” với tỉ lệ người bình chọn trực tiếp áp đảo tại triển lãm.



Trong năm 2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức bình chọn trực tiếp "Quốc hoa Việt Nam" ở cả 3 miền. Qua việc lấy ý kiến nhân dân và dư luận xã hội qua hình thức bầu chọn trực tiếp Quốc hoa Việt Nam ở 3 miền đất nước và qua mạng Internet, đa số ý kiến, trong đó có 62,1% ý kiến được hỏi trên mạng Internet, chọn hoa sen là Quốc hoa Việt Nam.



Theo họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, sở dĩ hoa sen được mọi người bầu chọn nhiều vì nó là một biểu tượng đã được thừa nhận trong văn học và phù hợp với sự phát triển của văn hóa Việt Nam. Không chỉ gần gũi với đời sống của người dân Việt Nam, về mặt tạo hình, hoa sen cũng rất đẹp.



Nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, thành viên hội đồng bình chọn Quốc hoa, cho biết ông ủng hộ hoa sen dù nó từng được nhiều nước chọn làm Quốc hoa. “Nếu các nước khác chọn sen trắng thì ta có thể chọn sen hồng, tìm ra đặc thù riêng để khác biệt” – ông nói.



Ngược lại, nhiều ý kiến tỏ ra không đồng tình với việc lựa chọn hoa sen. Một NSND giấu tên cho rằng hoa sen dù thân thuộc và gần gũi với người dân ta nhưng đối với thế giới, nó không đặc trưng cho Việt Nam. Việt Nam không phải là nơi có nhiều sen, không có nhiều sen đẹp và cũng không có loài sen nào đặc trưng. Thậm chí ở khu vực Đông Nam Á, nhiều nước có sen đẹp hơn Việt Nam rất nhiều.



Có nhiều ý kiến trái chiều về hình tượng hoa sen



“Có thể nói các sản phẩm văn hóa có sử dụng hình ảnh của sen đều bị ảnh hưởng bởi Phật giáo. Chính sự ảnh hưởng sâu rộng của Phật giáo với hình ảnh hoa sen đã làm cho người Việt Nam quen thuộc với loại hoa này. Nguồn gốc của Phật giáo lại bắt nguồn từ Ấn Độ và nước này cũng đã chính thức chọn hoa sen trắng làm Quốc hoa. Nếu bây giờ ta lại chọn sen thì có nên không?” – một nhà văn hóa nổi tiếng ở Hà Nội băn khoăn.



Chủ tịch Hội nghiên cứu khoa học Đông Nam Á, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, GS.TS. Phạm Đức Dương: "Quốc hoa nên là hoa đào, hoặc hoa mai. Đó là những loài hoa mà người Việt Nam tự hào trong những ngày Tết. Ngày tết là ngày người ta trưng bày những sắc hoa, những món ăn tiêu biểu, những thức mà người ta ưa thích nhất. Ngày tết mới mang đậm tính dân tộc, còn ngày lễ thì có thể chịu ảnh hưởng của tôn giáo khác. Với ý nghĩa này, hoa đào và hoa mai đều có thể đại diện cho Việt Nam.



Hiện nay, việc bầu chọn quốc hoa vẫn đang được tranh luận khá sôi nổi. Trải qua khá nhiều thời gian, nhiều lần lựa chọn, đến giờ Bộ văn hoá thể thao du lịch vẫn chưa tìm được quốc hoa đại diện cho tinh thần, văn hoá dân tộc.



Hoài Đan


http://www.baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/201303/Viet-Nam-lai-bat-dau-chon-Quoc-hoa-Sen-mai-hay-dao-2343129/