Vì sao Việt Nam lựa chọn thành lập ngân hàng máu cuống rốn?


20/04/15 06:00



Khi chưa có ngân hàng máu cuống rốn cộng đồng, các bệnh nhân bị bệnh máu ác tính không tìm được tủy phù hợp sẽ không có cách nào chữa khỏi...











Một bệnh nhân được điều trị ung thư máu tại Viện Huyết học và truyền máu trung ương nhờ tế bào gốc máu dây rốn.


Theo Tiến sĩ Bạch Quốc Khánh - Phó viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương trong thời gian vừa qua, viện đã tiến hành hơn 150 ca ghép tế bào gốc tạo máu, trong đó có cả ghép tế bào tự thân và đồng loại. Tỷ lệ thành công lên đến 70 -80%.


Thưa ông, mới đây viện Huyết học và truyền máu Trung ương đã điều trị thành công bước đầu cho bệnh nhân bị ung thư máu có tiên lượng xấu. Ông đánh giá như thế nào về phương pháp ghép tế bào gốc trong điều trị ung thư hiện nay, trong đó có cả ung thư máu, các bệnh về máu ác tính?



Tiến sĩ Bạch Quốc Khánh: Tôi xin được chia sẻ về phương pháp ghép tế bào gốc trong điều trị ung thư để tránh những hiểu nhầm, người bệnh cũng nghĩ rằng cứ ung thư ghép tế bào gốc là khỏi.


Hiện nay điều trị ung thư vẫn là các phương pháp truyền thống là phẫu thuật, xạ trị, hóa chất và nội khoa. Đối với các bệnh ác tính điều trị bằng hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư, dùng hóa chất càng cao thì hiệu quả càng lớn. Nhưng hóa chất sử dụng liều cao ấy như con dao hai lưỡi, tác dụng chính mạnh bao nhiêu thì tác dụng phụ nhiều lên bấy nhiêu.


Vì thế, nhiều khi bệnh nhân tử vong do tác dụng phụ của hóa chất trước khi chúng ta biết điều trị ung thư bằng phương pháp đó có hiệu quả như thế nào. Chính vì thế, người ta mới đưa ra phương pháp ghép tế bào gốc vào hỗ trợ điều trị hóa chất liều cao. Tức là khi chúng ta đã điều trị hóa chất cao thì chúng ta đưa tế bào gốc vào giúp cơ thể bệnh nhân vượt qua giai đoạn có nhiều biến chứng đe dọa tử vong. Chính vì thế, chúng ta cần xác định rằng đây chỉ là phương pháp để hỗ trợ cho điều trị hóa chất liều cao.


Thực sự mà nói, trong điều trị các bệnh ác tính cho đến thời điểm này người ta chưa nói rằng có thể chữa khỏi bằng việc ghép tế bào gốc mà mới chỉ là điều trị bằng tế bào gốc đấy bệnh nhân có thể sống trên 5 năm, cao gấp đôi so với bệnh nhân điều trị bằng phương pháp thường. Với các bác sĩ chuyên khoa ung thư, sống trên 5 năm được xem là thành công.


Thưa ông, trong trường hợp nào thì bệnh nhân được chỉ định ghép tế bào gốc? Tế bào gốc sau khi vào cơ thể bệnh nhân nó sẽ phát huy tác dụng của mình như thế nào để loại bỏ được tế bào ác tính?



Tiến sĩ Bạch Quốc Khánh: Hiện nay có ba nguồn lấy tế bào gốc đó là tế bào gốc máu ngoại vi, tủy và máu dây rốn và có các biện pháp ghép tế bào gốc tự thân (của chính bệnh nhân), tế bào gốc đồng loại (của người hiến) và tế bào gốc từ máu cuống rốn. Ghép tế bào gốc máu tự thân dễ hòa hợp nhưng đôi khi hiệu quả tái phát không cao.


Chúng ta cần rõ ràng lợi ích của ghép tế bào gốc. Ghép tế bào gốc đồng loại còn có thêm áp dụng nữa mà người ta rất muốn sử dụng, đó là hiệu ứng ghép chống chủ. Tế bào chúng ta truyền vào trong cơ thể người bệnh nó sẽ coi cơ thể người bệnh là lạ, hủy hoại một số cơ quan trong cơ thể, gây ra một số biến chứng.


Vì thế, người ta lợi dụng việc đó - phản ứng ghép chống chủ ghép cho bệnh nhân. Qua đó, người ta nhận thấy bệnh nhân ghép chống chủ đó sống trên 5 năm cao hơn. Bên cạnh ghép chống chủ đó, chúng tôi thường gọi là ghép chống ung thư, mầm tế bào gốc chúng ta truyền vào cơ thể bệnh nhân, khi gặp tế bào ung thư nó sẽ coi đó là tế bào lạ và sẽ tiêu diệt tế bào ung thư. Chính vì thế, đây được đánh giá là hiệu ứng đặc biệt của ghép tế bào gốc máu đồng loại.


Nhờ có các ưu việt đó, các bác sĩ đã bằng mọi giá ghép tế bào gốc máu đồng loại. Đây là phương pháp đầu tiên chữa thành công bệnh máu ác tính. Bên cạnh đó cách này còn chữa được bệnh máu lành tính như suy tủy xương, tan máu bẩm sinh. Hiện nay, với những bệnh nhân có tuổi thọ dưới 55 tuổi không may bị các bệnh về máu ác tính sẽ được chỉ định ghép nếu tìm được nguồn tế bào gốc phù hợp.



Trên thế giới họ đã có cả ngân hàng tế bào gốc dành cho những người phải ghép tủy như một ngân hàng máu khi bệnh nhân cần người ta có thể huy động. Tại sao ở Việt Nam lại không thể xây dựng được ngân hàng như thế này?



Tiến sĩ Bạch Quốc Khánh: Trên thế giới họ đã làm đi tìm người hợp với bệnh nhân trong cộng đồng hoặc tìm tế bào gốc máu dây rốn. Tuy nhiên, tìm trong cộng đồng ở các nước khác đã làm nhưng rất tốn kém. Ví dụ như ở Đức họ có 4, 5 triệu người đăng ký mới hi vọng tìm được người cho phù hợp trong số người đó, Ở các nước khác, ít nhất có 500 nghìn người đăng ký.


Còn ở Việt Nam khó hơn vì chi phí khi chúng ta làm xét nghiệm rất lớn và có một hạn chế nữa là khi có bệnh nhân phù hợp với tủy của họ, ta gọi họ đến thì họ bận họ đi công tác, họ không sống ở địa chỉ đó. Việc vận động người hiến cũng rất khó. Dù viện có kinh nghiệm trong hoạt đọng vận động hiến máu nhưng vẫn khó khả thi.


Tuy nhiên, Viện vẫn cố gắng tìm ra các phương pháp khác nhau, đó là thành lập một ngân hàng máu cuống rốn cộng đồng. Ngân hàng nay thay thế ngân hàng tế bào gốc từ tủy. Sau khi đi thăm quan, các bác sĩ thấy lợi ích của máu dây rốn cộng đồng. Viện đã quyết định thành lập ngân hàng tế bào gốc cộng đồng chuyển từ ngân hàng tế bào gốc dây rốn; chuyển từ dịch vụ sang cộng đồng.


Vì dây rốn dịch vụ người ta gửi mình không dùng được cho người khác. Vận động bà mẹ sinh con hiến dây rốn tình nguyện, viện tiếp nhận các dây rốn đó để làm xét nghiệm rồi lưu trữ. Dây rốn hiến tình nguyện mới sử dụng được cho công đồng, tạo ra nhiều điểm mới cho bệnh nhân tiếp cận cơ hội sống.


Ưu việt của máu cuống rốn tỷ lệ phù hợp lên 97,8% phù hợp ghép với người bệnh. Chúng ta lựa chọn trong mẫu đó để có mẫu phù hợp nhất với người bệnh. Lợi ích rất lớn của ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn là có ngân hàng phục vụ cho người bệnh hiện nay.


Không chỉ ghép cho bệnh nhi mà ngày nay máu cuống rốn có thể ghép cho bệnh nhân là người lớn thậm chí bệnh nhân có khối lượng cơ thể lên đến cả 100 kg vẫn có thể thực hiện bằng phương pháp này.


Điều đặc biệt, có 45 bệnh nhân đăng ký ghép tế bào gốc từ ngân hàng máu cuống rốn thì có đến 44 bệnh nhân có các kết quả xét nghiệm HLA phù hợp, có bệnh nhân phù hợp đến 70 mẫu. Như thế so với ghép tế bào gốc từ tủy sống thì cơ hội hòa hợp của bệnh nhân cao hơn rất nhiều. Việc vận động hiến máu dây rốn cũng dễ hơn vì không hiến máu dây rốn cũng bỏ đi.


- Xin cảm ơn bác sĩ!