"...


Khi văn hóa làng xã "tiến" vào đô thị


Đô thị hóa đòi hỏi con người cũng phải chuyển động song hành, tức là, đúng ra, họ phải có một lối sống, cách ứng xử văn hóa khác hẳn với lối sống, với văn hóa nông thôn mà họ đã trải qua. Thế nhưng, tốc độ đô thị hóa như vũ bão, còn những người nông dân lại không theo kịp lối sống mới, nên dẫu đã là thị dân, mà cách ứng xử của văn hóa làng vẫn rơi rớt, thậm chí còn nguyên. Chính điều này đã tác động ngược trở lại, ảnh hưởng xấu đến văn minh đô thị.


Cái tư duy làng xã chỉ thấy một chút lợi, lại có nhiều người làm là cũng làm theo, đã phá hỏng một số lễ hội như: Lễ hội hoa anh đào và Lễ hội hoa Hà Nội. Nhiều người lao vào bẻ cành, cướp hoa mang về, đã gây phản cảm với tính văn hóa của những lễ hội này. Khi số đông lại coi việc phá hoại của người khác là một thú vui, đã cho thấy những giá trị văn hóa đang bị đảo lộn. Vài năm trước, một đơn vị đã dâng giỗ Tổ vua Hùng chiếc bánh dày nặng 1,8 tấn. Nhưng, khi đang trên đường đến nơi dâng hương, chiếc bánh đã bị hàng trăm người chen lấn, xô đẩy nhau để... giằng xé và chỉ chừng một tiếng là chiếc bánh kỷ lục đã không còn dấu vết. Chỉ có thể giải thích việc làm trên là sự vô văn hóa, vì thời buổi này, không có ai đói đến mức tranh cướp một vật phẩm đã được làm rất trang trọng với ý nghĩa tôn nghiêm như vậy.


Văn hóa làng xã còn thể hiện rất rõ trong giao thông. Quen "đường ta, ta cứ đi" ở làng quê vắng vẻ, nhiều người cũng giữ tư duy đó trên phố phường Hà Nội. Cứ thấy tiện lợi cho bản thân là vượt đèn đỏ, đi ngược chiều. Đáng buồn khi hiện tượng này phổ biến đến mức, không ở tuyến phố nào không gặp.


Con đường Mỹ Đình được chia 2 làn rõ to, nhưng sáng sáng, cả đoàn người xe đạp lẫn xe máy, vẫn "hồn nhiên" đi lên làn ngược chiều để vào trung tâm Hà Nội, bất chấp sự an toàn tính mạng cho chính mình và người đi đường. Không chỉ những người trẻ tuổi, mà có cả nhiều người lớn tuổi cũng thản nhiên đi vào đường ngược chiều như một sự "tất nhiên". Đang đèn đỏ, những người đứng sau vẫn rú còi inh ỏi để "buộc" người đứng chờ phía trước phải đi. Nhiều người đứng chờ đèn đỏ còn bị người khác chửi là "dở hơi, ngố, thộn" v.v...


Tại ngã tư Láng Hạ - Láng dịp gần tết, một đoàn xe ôtô tắc nghẽn dài gần 1km, chỉ vì các phương tiện cứ hùa theo nhau đi, bất kể đèn đỏ cũng như cảnh sát giao thông điều khiển. Tính thiếu tự giác, thiếu tự trọng và cả thiếu tự tin khiến nhiều người chỉ chấp hành luật giao thông khi thấy bóng cảnh sát, nhưng nhiều khi, có cảnh sát giao thông đứng ở ngã tư, thì dù đèn xanh đã sáng, vẫn đứng ì vì... sợ!


Chuyện xả rác bừa bãi trên đường, hè phố, công viên v.v... cũng như một tệ nạn nhức nhối mà Hà Nội đặc biệt quan tâm trước dịp Đại lễ 1000 năm. Bởi rất nhiều người thiếu ý thức đến mức, xả rác bất cứ chỗ nào, dù bên đường phố luôn có các thùng rác công cộng. Không ít người còn vứt rác dưới... chân thùng rác. Việc chen lấn, không xếp hàng cũng dễ dàng bắt gặp ở các trạm xăng, khu vực gửi xe, hay những nơi bán hàng đông đúc v.v... Tính duy tình vốn là nét văn hóa làng xã điển hình, cũng làm ảnh hưởng đến cộng đồng. Nhiều vi phạm, sai phạm không được xử lý đến nơi đến chốn, mà xuê xoa như người nhà, là nguyên nhân tái lặp những vi phạm, sai phạm trong cuộc sống.


Mang nguyên văn hóa ứng xử ở quê "bê" vào đời sống đô thị, đã tạo nên sự lệch pha, không chỉ khiến người khác khó chịu, mà thậm chí, có thể gây hậu quả đau lòng. Vụ cháy chung cư cao tầng mới đây ở Hà Nội là một minh chứng: có người từ quê lên sinh sống, vẫn thường xuyên bấm còi báo cháy để... dỗ trẻ ăn bột, còn ai đó đã vứt cả vật chưa cháy hết vào phòng chứa rác. Chính cách sống tùy tiện, thiếu ý thức cộng đồng là nguyên nhân làm nên tai nạn đau lòng với 2 sinh linh thiệt mạng.


Giá trị nhân văn bị coi nhẹ


Lý giải những vấn đề văn minh đô thị đang được xã hội quan tâm hiện nay, GS-TSKH Trần Ngọc Thêm, Trưởng khoa Văn hóa học (Trường ĐH KHXH&NV TP HCM) cho rằng: "Ở Hà Nội, chất nông thôn tồn tại khép kín trong một thời gian khá dài. Khi mở cửa, chất nông thôn đi vào đô thị nhiều hơn chất quốc tế. Khi Hà Nội mở rộng ba lần thì chất nông thôn cũng tăng lên. Kéo theo đó, chất thanh lịch của Hà Nội cũng giảm xuống. Đó là một sự thật không thể làm ngơ".


Các chuyên gia cũng kiến giải, đây là hệ quả tất yếu của việc coi trọng vật chất mà quên đi chú trọng yếu tố giáo dục tinh thần và văn hóa trong thời đô thị hóa. Điều này dễ dàng lý giải khi kinh tế được ưu tiên phát triển dữ dội thì các ngành khoa học xã hội và nhân văn lại bị xem nhẹ. Những lý giải này, hy vọng sẽ tạo được sự chú ý của những người có trách nhiệm."


Nguồn http://www.cand.com.vn/vi-VN/vanhoa/2010/5/131524.cand