“Đồng tiền đang gặm nhấm dần y đức trong các bệnh viện”, đó là lời nhận xét đầy bất bình của một người dân Trung Quốc.
Tiếp sau vụ vứt hài nhi ở Tế Ninh, dư luận Trung Quốc lại thêm một lần rùng mình về việc một bệnh viện ở Sâm Châu, Hồ Bắc sử dụng oxy công nghiệp cho các bệnh nhi.
Dùng hàng giả, ăn tiền chênh lệch
Ngày 18-1-2010, cơ quan quản lý dược - thực phẩm thành phố Sâm Châu, Hồ Nam nhận được tin báo của người dân cho biết, Bệnh viện Nhi đồng trực thuộc Bệnh viện Nhân dân số 1 thành phố giả mạo oxy công nghiệp làm oxy y tế để dùng cho các bệnh nhân. Ngày hôm sau, một tổ công tác đã đến Bệnh viện Nhi đồng kiểm tra, phát hiện 30 bình “oxy y tế” dỏm.
Tính mạng và sức khỏe trẻ em đang đặt trong tay những người thiếu y đức?
Theo Cục trưởng Cục Quản lý dược - thực phẩm thành phố Sâm Châu, ông La Thăng Bình, các thành viên tổ công tác sau đó đã kiểm tra hóa đơn chứng từ mua oxy của bệnh viện này trong 15 tháng trở về trước, được biết từ tháng 1-2009 đến thời điểm đó, bệnh viện đã mua 10.290 bình oxy “có vấn đề”. Được biết, mỗi bình oxy công nghiệp thông thường được bán với giá 10-15 nhân dân tệ (NDT), trong khi mỗi bình oxy y tế có giá 30-35 NDT.
Trung bình mỗi ngày ở Bệnh viện Nhi đồng dùng hết hơn 50 bình, vì thế số tiền chệnh lệch của 10.290 bình này là hơn 300.000 NDT. Chiểu theo các quy định, Cục Quản lý dược - thực phẩm Sâm Châu đã ra quyết định xử phạt Bệnh viện Nhi đồng 920.000 NDT. Tuy vậy, bệnh viện này vẫn tiếp tục mua 4.919 bình “oxy có vấn đề” về dùng cho tới khi lại bị phát hiện ngày 1-4 vừa qua. Chủ nhiệm Văn phòng tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng Giang Chí Thiêm ngay sau đó bị đình chỉ công tác để điều tra.
Các cơ quan báo chí cũng đồng thời nhập cuộc điều tra. Kết quả cho thấy, Bệnh viện Nhi đồng đã mua oxy công nghiệp của Công ty TNHH khí công nghiệp Sâm Châu. Tính đến ngày 20-1-2010, Công ty TNHH khí công nghiệp Sâm Châu vẫn chưa nhận được giấy phép kinh doanh dược phẩm, cũng chưa hề ký hợp đồng cung cấp oxy cho Bệnh viện Nhi đồng.
Từ tháng 1-2006 đến tháng 3-2010, công ty này đã cung cấp 49.067 bình oxy cho Bệnh viện Nhi đồng, trong đó có 30.832 bình tự bơm, đem lại lãi suất 460.000-610.000 NDT. Điều đáng nói là đại diện pháp nhân của công ty này, ông Trần Hòa Bình chính là chồng của bà Lý Tế Liên, Bí thư Chi bộ Bệnh viện Nhi đồng. Ngay sau khi ông Trần Hòa Bình bị bắt, bà Lý Tế Liên cũng bị khai trừ đảng tịch và đình chỉ chức vụ để điều tra.
Cứu người hay hại người?
Anh Đường Quốc Chí, một người dân ở Sâm Châu cho biết, con gái anh, Chấn Chấn khi được hơn 3 tháng đã phải nhập viện vì thị lực có vấn đề. Theo kết luận của bác sỹ, Chấn Chấn bị đục thủy tinh thể cả 2 mắt. Đường Quốc Chí không hiểu nguyên nhân vì sao cho tới khi đọc được trên báo về việc Bệnh viện Nhi đồng, nơi con gái anh phải thở oxy 17 ngày sau khi ra đời, có sử dụng oxy công nghiệp. Đường Quốc Chí đã đến hỏi một bác sỹ ở Sâm Châu, bác sỹ này tuy không dám kết luận nhưng cho rằng việc đó có khả năng liên quan tới căn bệnh của Chấn Chấn hiện nay.
Kho chứa oxy của Bệnh viện Nhi đồng Sâm Châu
Theo tiêu chuẩn của Trung Quốc, oxy y tế phải có độ tinh khiết đạt trên 99,5%, còn oxy công nghiệp chỉ cần đạt 99,2%, tức là trong thành phần có thể lẫn carbon monoxide, carbon dioxide, acetylen và những tạp chất khác có hại cho cơ thể. Nếu bệnh nhân hít phải một lượng lớn oxy công nghiệp, dễ xuất hiện các triệu chứng như ngạt thở, đóng vảy đường hô hấp hoặc bị nặng thêm các bệnh ở đường hô hấp. Ngay sau khi vụ việc được công khai, đã có hơn 40 trường hợp có liên quan đến việc thở khí “oxy có vấn đề” gửi đơn đến Bệnh viện Nhân dân số 1.
Được biết, Công ty Húc Huy là công ty duy nhất ở Sâm Châu có giấy phép sản xuất, kinh doanh oxy y tế. Hàng chục bình oxy “có vấn đề” ở Bệnh viện Nhi đồng nếu nhìn thoáng qua sẽ thấy không có gì khác so với bình oxy y tế do Công ty Húc Huy cung cấp với dấu nổi in chữ “Húc Huy”, được dán nhãn có ghi rõ “sản phẩm được cấp phép” và cả số lô sản phẩm lẫn ngày sản xuất.
Theo người phụ trách Công ty Húc Huy, khí oxy y tế được đưa đến từ công ty ở Quảng Đông và việc bơm vào từng bình được tiến hành ở Húc Huy theo từng đơn vị, mỗi đơn vị phải đủ 260 bình mới tiến hành bơm 1 lần. “Nếu có ai lấy bình cũ mang đi nơi khác bơm hàng giả vào, chúng tôi cũng không thể biết”.
Ngày 11-4, phóng viên kênh truyền hình đô thị Hồ Nam đến Công ty TNHH khí công nghiệp Sâm Châu, phát hiện có hàng chục bình oxy đóng mác “Húc Huy” được xếp thành hàng ở đó, bên cạnh là các bình carbon dioxide, acetylen. Các nhân viên tại đây đều nói họ thường mang bình không đến Công ty Húc Huy bơm oxy để bán lại, song theo kết quả điều tra riêng của phóng viên, sáng sớm thường có một xe ôtô chở các bình oxy đến đây, lấy các bình không mang đến một công ty sản xuất khí công nghiệp cách đó hơn 40km, bơm đầy bình, sau đó mang về công ty này. Những bình oxy không đảm bảo sau đó được vận chuyển tới Bệnh viện Nhi đồng, nơi người ta sẽ sử dụng cho các bệnh nhi.
Tính đến ngày 15-4-2010, đã có 8 người liên quan đến vụ dùng khí công nghiệp ở Sâm Châu bị xử lý với các hình thức khác nhau như: đuổi việc, khai trừ Đảng, cảnh cáo… nhưng rõ ràng những hình thức xử lý đó không đủ sức răn đe và không thể ngăn chặn sự việc tương tự xảy ra. Được biết, hiện Bộ Y tế Trung Quốc đang giám định sức khỏe của số bệnh nhi liên quan. Nếu kết quả giám định cho thấy oxy công nghiệp gây ra hoặc làm tăng nặng bệnh trạng của trẻ, việc truy cứu trách nhiệm hình sự những người liên quan là không tránh khỏi.
Điều đáng nói là đây không phải lần đầu tiên người ta phát hiện vụ việc dùng khí oxy công nghiệp thay cho khí oxy y tế. Tháng 5-2007, báo chí Nam Kinh cũng từng phát hiện khí oxy công nghiệp xuất hiện ở nhiều bệnh viện tại đây. Riêng ở Sâm Châu, không chỉ có Bệnh viện Nhi đồng mà theo khẳng định của ông Thôi Do Năng, Chánh văn phòng Cục Quản lý dược - thực phẩm thành phố, tại Bệnh viện Nhân dân số 1 và bệnh viện trực thuộc cũng đều có tình trạng này.
Theo giải thích của một quan chức Bộ Y tế, nguyên nhân của hiện tượng này có thể do oxy y tế sản xuất cung không đủ cầu nên nhiều nơi phải dùng oxy công nghiệp thay thế. Tuy vậy, theo đánh giá của người dân, nguyên nhân sâu xa có lẽ phải kể đến việc giá trị đồng tiền đang dần dần xói mòn y đức tại nhiều bệnh viện, nơi đội ngũ “lương y” không còn là “từ mẫu”.