Vài năm trở lại đây, trà chanh trở thành thứ nước giải khát "ruột" của giới trẻ. Những phố trà chanh như Đào Duy Từ, Chợ Gạo, Nhà Thờ... đã ra đời và chật kín khách từ sáng đến tối muộn, bất kể mùa đông hay mùa hè… Nhưng những cốc trà chanh “thơm ngon bổ rẻ” ấy có thực sự “đơn giản” và thanh khiết như người ta vẫn tưởng?
“Công nghệ” pha hương liệu
“Chỉ cần trà Tàu cô đặc, mỗi can 5 lít hòa với nước, hương liệu chanh, bột trà xanh, đường, mật ong, một giọt hương liệu hoa nhài, và chanh tươi, đá “sạch” chủ quán sẽ pha được 100 cốc… Tất cả chi phí ấy chỉ tốn chưa đầy 100.000đ nhưng với mức giá bán từ 8.000-10.000đ/cốc như hiện nay là đã có thể thu về gần 1 triệu đồng” – Nhân viên cũ một cửa hàng trà chanh trên phố Nhà Thờ bật mí.
Ảnh minh họa
Quả là dễ như làm trà chanh và kiếm lời nhanh như bán trà chanh. Nguyên liệu làm trà bây giờ đã được bán tràn lan và công khai tại các chợ hay đầu mối chính là chợ Đồng Xuân, Hàng Buồm. Đơn giản hơn, nếu có kinh nghiệm, chỉ cần gọi điện là các loại hương liệu pha chế sẵn sẽ được mang đến. Từ số 09048861xx chúng tôi gặp Kiên – một mối chuyên giao hương liệu cho các quán trà chanh. Theo lời giới thiệu của Kiên thì các loại nguyên liệu làm trà chanh hiện đã được… làm sẵn hết với “công thức” pha một cốc trà chanh bao gồm: trà Tàu, hương liệu hoa nhài đã pha, 1 ít hương liệu chanh, hòa ít bột trà xanh, và vài lát chanh tươi…Tất cả hương liệu dùng cho trà chanh đều được đựng trong những can nhựa chẳng có bất kỳ nhãn mác hay xuất xứ. Kiên thừa nhận: “100% chỉ có từ Trung Quốc chứ ở đâu nữa? Chị thích thì bọn em “pha” cho thành hàng Việt Nam”.
Ngoài việc sử dụng hương liệu không nguồn gốc, không được kiểm soát chất lượng, những cốc trà chanh mát lạnh và thanh khiết đến tay thực khách còn mất vệ sinh từ khâu pha chế cho đến đồ dùng kinh doanh. Có mặt tại một cửa hàng trà chanh trên phố chợ Gạo, chúng tôi tận mắt chứng kiến những vốc trà được hãm thẳng không tráng pha với can nước cáu bẩn cùng vài viên đá “sạch”, đã vậy, anh chủ quán cứ thoăn thoắt hết bốc hướng dương, rửa cốc, lau bàn… lại vớ lấy miếng chanh vắt lấy vắt để… Nước chanh cứ theo đó chảy qua năm ngón tay cáu bẩn của anh xuống cốc và được bê ra cho… thượng đế. Chưa hết, cốc trà bẩn được anh chủ quán ngoắng một cái xuống xô nước dưới chân là “sạch bóng” còn ống hút cũ cũng chỉ cần phơi khô và dùng lại “như mới”.
Từ trà sữa trân châu đến trà chanh
Cách đây vài năm, trà sữa trân châu cũng rộ lên như trà chanh bây giờ, một loạt các chất phụ gia, hương liệu Trung Quốc không bảo đảm cũng được phanh phui, tuy nhiên thời gian để các cơ quan chức năng loay hoay khuyến cáo “dài hơi” tới mức giới trẻ đã kịp uống “đã đời” mà không chịu bất kỳ sự quản lý nào. Câu chuyện của cốc trà chanh đang lặp lại thực tế đã diễn ra với cốc trà sữa trân châu. Mất vệ sinh và sử dụng hương liệu bừa bãi không xuất xứ như vậy nhưng trà chanh vỉa hè không chịu bất kỳ sự quản lý nào trừ việc… lấn chiếm vỉa hè (?!).
Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Trung Quốc (SFDA) đã yêu cầu dừng phân phối và sử dụng hương liệu bột trà xanh được dùng trong pha chế trà chanh bởi có chứa DEHP gây sai lệch chức năng hooc môn trẻ em. Tuy nhiên, tại thị trường Việt Nam, loại hương liệu này vẫn được bán và sử dụng công khai. Nó càng trở nên nguy hiểm hơn khi các đối tượng nghiền và tập trung đông nhất tại các quán trà chanh chính là giới trẻ. Chưa có khuyến cáo chính thức nào từ cơ quan chức năng, chưa có đợt kiểm tra trên diện rộng với mặt hàng đang có sức tiêu thụ mạnh, trà chanh vẫn được xem như loại nước giải khát… an toàn. Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Phong – Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế chỉ đề cập một cách chung chung: “Nếu lạm dụng hương liệu để chế biến thực phẩm sẽ rất có hại đến sức khỏe, về lâu dài nếu được tích lũy cao có thể gây ung thư. Đặc biệt những hương liệu đã có khuyến cáo thì người dân tuyệt dối không nên sử dụng”. Còn đại diện cơ quan quản lý thị trường, bà Tô Thị Nga – Đội phó đội Quản lý thị trường số 2 cho biết: “Thời điểm hiện tại, khi bắt đầu vào mùa nóng, các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm đang được quan tâm hàng đầu, lực lượng quản lý cũng được tăng cường và sát sao quản lý, đối với những sản phẩm không nhãn mác sẽ tiêu hủy luôn lại chỗ. Tuy nhiên, để ngăn chặn cần có chế tài xử lý nghiêm khắc và khuyến cáo, tuyên truyền người dân”.