PN - 1. Bạn tôi, nam giới, vừa mở một quán ăn ở khu trung tâm. Quán bình dân thôi, nhưng khách ra vô nườm nượp. Mà lạ cái, nhìn quanh thấy đa phần toàn phụ nữ, bạn “phây”, đồng nghiệp này nọ. Phục vụ chậm trễ, máy lạnh không mát, thức ăn thiếu sót… đều được châm chước cho qua, với lý do “anh ấy là đàn ông, làm được vầy là tốt lắm rồi, chẳng ủng hộ thì thôi, ai lại nỡ chê trách…”.
Thế nhưng, lại cũng chính mấy chị em đó, vào một nơi khác, sẵn sàng kêu quản lý đến để phàn nàn về cô nhân viên không hiểu ý, hay chỉ vì bếp nêm món xúp quá lạt. Có người bảo, thời buổi này, đàn ông làm ăn dễ dàng hơn hẳn so với nữ giới. Đàn bà ngày càng khó có cơ hội khẳng định mình, không phải vì chẳng được phái mạnh ủng hộ, mà đa phần do bị chính đàn bà… làm khó nhau! Đàn ông ít tị nạnh, chơi xấu nên đỡ phải đối phó với người cùng giới. Đàn ông hay nhận được sự ủng hộ của người khác phái…
2.Ở trung tâm dạy lái xe, thầy dạy toàn nam giới, học viên thì có nữ có nam. "Giang hồ" đồn đại, nữ học đỡ lo bị thầy mắng, vì thầy quan tâm, nhẹ nhàng, thông cảm hơn. Dù nữ học viên có đạp thắng chúi nhủi hay quên thắt dây an toàn, thầy cũng chỉ nhắc nhở, chứ ít khi nổi nóng quát tháo. Nói nào ngay, dạy cho nữ giới cũng “sướng” hơn hẳn. Chị em luôn nhớ mua nước, trái cây mời thầy, thi thoảng còn bồi dưỡng thêm, chứ nam giới thì lâu lắc mới mời thầy chầu nhậu.
Thi thoảng, mời thầy cơm trưa cà phê, nhắc chuyện chị nọ chị kia, đáng ghét thật thầy ha, thầy ha! Rồi tranh nhau “o bế” để được thầy đối xử “khác” với mấy người còn lại đôi chút, có khi chẳng để làm gì, chủ yếu để thấy mình quan trọng, được ưu ái vậy mà! Các bà các cô tranh nhau chút ảnh hưởng của thầy, chỉ cần thầy quên, để cô này ôm vô lăng nhiều hơn cô kia nửa vòng bánh xe thôi, là bóng gió huýt hoáy nhau rồi. Sau khóa học, họ xin số điện thoại của bạn học nam, chứ không lưu số của mấy con nhỏ khó ưa kia.
3.Hàng năm, công ty tôi mời nhà may tới tận văn phòng để đo đồng phục. Năm nào mà anh Q. đến lấy số, nhận kiểu, thì mọi sự suôn sẻ dễ dàng. Có lần, chẳng rõ anh bận gì, cử chị thợ may khác đến, là ôi thôi... Lúc quần áo về, vang vang toàn những tiếng chê. Đúng là đàn bà làm gì cũng tệ hơn đàn ông, nhỉ, may vá cũng không là ngoại lệ! Rồi kêu nới ra bóp vô, sửa chữa kiểu nào cũng không thấy chị em ưng bụng. Kỳ cái, là cũng đợt may đo ấy, mà các anh nhân viên không ai phản ứng gì, chỉ thấy chị em la ó khó chịu. Rồi cũng bộ quần áo đó, nhưng chỉ cần anh Q. xuất hiện, trấn an, giải thích, thì mọi sự bỗng êm, không còn những gay gắt kiểu “năm sau nói sếp đổi nhà may khác đi, chẳng ưng ý tí nào” nữa. Cái tâm lý ấy, lẽ nào chỉ có ở cơ quan tôi?
4.Thợ cắt tóc, đầu bếp, phục vụ quán ăn, trang điểm… rất nhiều ngành nghề bây giờ đều có bàn tay nam giới tham gia. Không làm thì thôi, đã làm là họ đâu ra đó, thành danh, thành đạt. Những danh hiệu như cây kéo vàng, đầu bếp danh tiếng đều bị đàn ông "cướp" mất. Là do phụ nữ ngày càng dở tệ? Có thể. Nhưng điều quan trọng nhất, nếu giám khảo là nữ giới, thiên hướng ủng hộ đàn ông sẽ cao lắm. Chỉ cần bước lên taxi mà thấy tài xế nữ, bảo đảm bà vợ sẽ tỏ ra không thích, thậm chí có khi còn không giấu diếm sự nghi ngờ vào khả năng của cô lái taxi. Trong khi đó, hiếm khi đàn ông phản ứng kiểu vậy, có chăng là họ ngạc nhiên và len lén thú vị, vậy thôi.
Phụ nữ chơi môn này thì chỉ có tốn tiền, chứ chả kiếm được xu nào như đàn ông! Một cô giáo dạy khiêu vũ than thở. Mà thực tế đúng là như vậy. Muốn thuê một vũ sư, hay bèo bèo là một anh kép dìu đi chơi cùng, thì phải trả tiền sô (show), ít nhất vài trăm ngàn cho một buổi. Rồi mua vé, mời nước. Ngoại trừ… vũ nữ ra, thì chắc các bà các chị còn lại đều phải chủ chi như nhau.
Đàn ông trong môi trường này được cưng như trứng mỏng, dễ mắc bệnh ngôi sao, dù bước ra ngoài đời có khi anh thuộc thành phần (xin lỗi!)… cóc keng, không nghề nghiệp, chả có xu nào ngoài bộ áo quần bó sát và tài nhảy nhót chưa biết tới đâu. Vậy mà đàn bà ghen tuông, tị hiềm nhau ầm ĩ vì một vài anh đàn ông hiếm hoi trên sàn kiểu vậy. Anh nào anh nấy nét mặt tự mãn, hãnh tiến, bập bẹ được vài ba bước là đã vội tỏ vẻ ta đây, muốn mời cô nào nhảy cũng phải lựa qua lựa lại, kén cá chọn canh dữ lắm chứ không đùa.
Tôi quen chị bạn coi lời chồng là thánh chỉ, tôn thờ chồng tuyệt đối. Tôi từng thấy chị giành hết mấy cái túi đồ trên tay chồng với lời phân bua, ai lại để đàn ông tay xách nách mang như vậy, coi kỳ chết! Chị ôm luôn mọi giỏ lớn giỏ nhỏ, để chồng được thong dong ở chốn đông người. Nhà chị có cái bồn tắm lớn, chị và con gái tự nguyện coi đó là vật dụng riêng của đàn ông con trai.
Ai bảo những suy nghĩ, quan niệm, thành kiến kiểu ấy là xuất phát từ đàn ông? Đều là do đàn bà đấy thôi. Vì vậy, đừng trách những suy nghĩ dạng “Kiếp sau tôi chỉ muốn làm đàn ông, không thích làm đàn bà nữa đâu. Tôi chỉ thích chơi với bạn nam, chứ không muốn làm bạn với cánh con gái vừa lắm lời lại còn hay ganh tỵ, mệt mỏi lắm…”. Nhiều người còn cho rằng, giao thiệp với nam giới rất tiện, vừa dễ nhờ vả lại không phải nơm nớp lo đề phòng đối phó với cái tật nhiều chuyện xấu tính, chơi sau lưng lẫn trước mặt kiểu đàn bà…
Tình trạng đàn bà thích làm khó dễ, dìm hàng nhau không hiếm. Chính đàn bà, chứ không phải ai khác, mang nặng trong mình tư tưởng “đàn bà mà bon chen chi mấy việc này, liệu có làm được không đó?”, rồi tâm lý ghét ai hơn mình cũng âm thầm xuất hiện. Mà “ai” là đàn ông thì chẳng sao, chứ thấy có người đàn bà khác thành công, tốt đẹp, thậm chí… khổ hơn mình, là họ tự dưng thấy khó chịu, muốn khắt khe, xét nét thì mới vừa lòng.
Nên có người nửa đùa nửa thật rằng, thời buổi bây giờ là của đàn ông!