Thi sĩ Nồng Nàn Phố: 'Tôi chỉ muốn lấy chồng'



Chủ nhật, 3/5/2015
|
13:52 GMT+7



Tác giả tập thơ "Anh ngủ thêm đi anh/ Em phải dậy lấy chồng" cho biết cô không có tham vọng với văn chương. Ước muốn lớn nhất của nhà thơ là ổn định cuộc sống gia đình.



- Tập thơ "Yêu lần nào cũng đau" chị vừa xuất bản tiếp tục đề cập đến những trăn trở của phụ nữ trong tình yêu. Do đâu chị có nhiều cảm hứng về đề tài này như vậy?



- Thật lòng, tôi chủ yếu viết về đàn bà và nỗi đau của họ khi đối mặt với muôn mặt đời thường. Hiếm ai biết rằng đó chỉ là thứ tình cảm tôi "thương vay khóc mướn" cho người khác. Tôi thương mẹ, thương chị, thương bạn, thương em và thương chính bản thân mình. Những phụ nữ xung quanh tôi cùng với câu chuyện của họ về hạnh phúc riêng tư, những âu lo, trống trải, khát khao được sống là chính mình cho tôi cảm hứng để làm thơ.



Nhưng những bài thơ tôi viết về tình cảm của đứa con xa quê, nỗi nhớ thương bố mẹ già, hình ảnh người lính trở về sau chiến tranh... thì hoàn toàn là cảm xúc thật của tôi, là con người tôi trong đó.



- Chỉ là cảm xúc "thương vay khóc mướn", vì sao chị có thể miêu tả tình yêu với nhiều trạng thái nhạy cảm đến trần trụi như thể mình là người trong cuộc?



- Tôi có cảm giác lúc đó mình bị nhập đồng. Khi tôi nghe bạn bè trên mạng xã hội tâm sự chuyện của họ, tôi liền tưởng tượng nếu mình là họ mình sẽ ra sao, như thế nào. Ngay lúc đó, tôi bị mạch cảm xúc cuốn đi. Thường thì tôi viết rất nhanh, có khi chỉ vài phút là hoàn thành một bài thơ, đến mức ngôn ngữ không bắt kịp cảm xúc. Viết xong tôi quên liền, như thể vừa rồi có một người khác sống trong tôi chứ không phải tôi.










Nồng Nàn Phố tên thật là Phạm Thiên Ý, sinh năm 1988 tại Nghệ An.


- Chị nghĩ sao trước ý kiến cho rằng sex trong thơ chị là một trong nhiều chiêu trò hút độc giả?



- Sex không phải là vấn đề cấm kỵ trong thơ ca và tôi không phải nhà thơ nữ đầu tiên đề cập đến sex. Ranh giới giữa sex và không sex, theo tôi phụ thuộc vào cảm nhận của người đọc. Nếu bạn đọc bằng mắt thường, bạn sẽ thấy đó là sex, nếu bạn đọc bằng cả tâm hồn, có thể bạn sẽ tìm thấy điều gì đó đồng cảm với mình.



Tôi chẳng có tham vọng gì lớn lao với văn chương. Tôi làm thơ như một nhu cầu tự thân,
chủ yếu để giải tỏa cảm xúc, để thỏa mãn chính mình hơn là để thu hút độc giả.
Đến một lúc nào đó, không làm thơ được nữa, tôi cũng chẳng lấy làm tiếc nuối hay than thở.
Thơ với tôi như một cuộc dạo chơi. Rời câu chữ, tôi là con người khác chứ không đắm đuối, trăn trở như những người đàn bà trong thơ mình.



- Coi thơ là cuộc dạo chơi nhưng tác phẩm của chị bán chạy nhờ hiệu ứng mạng xã hội. Chị nói sao về điều này?



- Thật ra, tôi không hề có ý định xuất bản thơ. Khi còn đi học, tôi viết nhiều, rồi đưa cho bạn bè đọc mà không hề lưu lại. Vì vậy, cho đến bây giờ, tôi không thể nhớ những bài thơ mình từng viết. Khi gia nhập mạng xã hội, tôi viết và lưu lại trên trang của mình. Có lẽ nhiều bạn bè đọc thấy thích rồi chia sẻ nên thơ tôi được lan tỏa. Dần dần số người đọc thơ nhiều hơn, tự nhiên, tôi được biết đến mà thôi. Khi đó, đại diện một nhà xuất bản đưa ra đề nghị xuất bản thơ tôi. Tôi đã phải suy nghĩ một thời gian dài mới gật đầu đồng ý. Cho đến giờ, tôi vẫn cảm thấy chưa thật sự hài lòng về lần xuất bản đầu tiên. Tập thơ Anh ngủ thêm đi anh/ Em phải dậy lấy chồng dù có hiệu ứng truyền thông nhưng chưa thực sự được biên tập đúng ý tôi. Tôi muốn độc giả của mình cảm nhận được, tôi xuất bản vì muốn dành tặng họ một món quà tinh thần hơn là đem thơ ra bán.



Do đó, với tập thơ thứ hai mang tên Yêu lần nào cũng đau, tôi tự bỏ tiền in, tự biên tập theo cách riêng của mình. Độc giả yêu quý thơ tôi thì mua ủng hộ, không mua cũng chẳng sao. Mạng xã hội giúp tôi có thêm nhiều bạn bè, độc giả, đem lại cho tôi sự cổ vũ lớn về tinh thần. Nhưng mạng xã hội cũng không ít lần khiến tôi bị "ném đá" tơi tả.











Nồng Nàn Phố trong buổi ra mắt tập thơ "Yêu lần nào cũng đau" tại Hà Nội, tháng 2/2015.



- Chị nói sao về những độc giả chị quen qua mạng xã hội?



- Độc giả của tôi có nhiều lứa tuổi, nhiều nhất vẫn là phụ nữ. Từ các em thiếu nữ đến những người đàn bà từng trải. Họ tự nhiên, hồn hậu trải lòng với tôi như thể chúng tôi đã thân thiết. Những câu chuyện của họ là chất liệu để tôi sáng tác.



Có những phụ nữ là nhân vật quyền lực, có tiếng, có danh trong xã hội. Khi đạt đến một ngưỡng nào đó, họ bất mãn với chính cuộc sống hôn nhân của mình. Nhưng họ không dám bứt phá bởi những ràng buộc xung quanh công việc và vị trí xã hội. Cũng có những độc giả nữ là lao động bình dân, những người nội trợ, buôn bán, viên chức văn phòng... Họ nói tìm thấy mình trong mỗi bài thơ của tôi, sau đó, họ chia sẻ những câu chuyện của mình. Tôi thấy vui khi thơ mình được coi là một "liều thuốc tinh thần" an ủi được nhiều người.



- Chứng kiến nhiều câu chuyện, cảnh đời như vậy, niềm tin của chị vào tình yêu ra sao?



- Nhiều người cũng hỏi tôi có mất niềm tin vào tình yêu không, có dám dấn thân vào một cuộc hôn nhân không sau khi được chứng kiến toàn những góc khuất của chuyện tình cảm. Sự thật thì những chuyện đó tôi được tai nghe mắt thấy trong chính gia đình mình, với những người thân của mình. Bởi vậy, tôi đủ tỉnh táo để phân biệt được đâu là tình yêu đích thực, đâu là thứ na ná tình yêu. Có thể khi thành người phụ nữ với những tất bật lo toan cho gia đình, tôi không làm thơ được nữa, hoặc làm thơ mà không khiến khán giả rung động nữa. Tôi không quá bận tâm điều đó. Hiện tại, tôi chỉ muốn lấy chồng, có một cuộc sống đầm ấm, giản dị bên người đàn ông mình thương yêu.