Nhằm hướng tới mục tiêu sống khỏe, sống vui, bên cạnh xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, mỗi người cần tích cực rèn luyện thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe mỗi ngày. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu được ý nghĩa của việc tập luyện, đồng thời chia sẻ bí quyết hữu ích để bạn có thể duy trì luyện tập thể dục một cách hiệu quả.
1. Thể dục thể thao - “Chìa khóa vàng” cho sức khỏe
Tăng cường rèn luyện thể dục thể thao, nâng cao sức đề kháng không chỉ mang lại một cơ thể dẻo dai, hình thể lý tưởng mà còn tác động đến tinh thần, cho bạn luôn tràn đầy năng lượng mỗi ngày. Cụ thể:
1.1. Về sức khỏe thể chất
- Phòng ngừa bệnh tật
Tập thể dục mỗi ngày là cách giúp phòng ngừa nhiều nguy cơ bệnh tật. Theo đó, khi vận động vừa sức sẽ giúp cải thiện sức khỏe thể chất nhờ thúc đẩy tuần hoàn máu và sự dẻo dai của các khớp và nhóm cơ. Tập luyện thường xuyên còn giúp tăng cholesterol tốt trong máu, ngăn chặn sự hình thành các mảng bám trên thành động mạch, nhờ đó giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, huyết áp cao…
Không những vậy, theo các chuyên gia, việc tập thể dục vừa phải và đều đặn sẽ hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch cơ thể. Các hoạt động thể chất cũng rất tốt cho người bệnh tiểu đường, đột quỵ, viêm khớp... Chính vì vậy, đừng quên luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày để nâng cao sức khỏe hiệu quả bạn nhé.
- Kiểm soát cân nặng, vóc dáng thon gọn
Tập thể dục thường xuyên là cách giúp bạn kiểm soát cân nặng, từ đó duy trì vóc dáng thon gọn như mong muốn. Đồng thời, giúp giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh lý do thừa cân gây ra như: Bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch, thoái hóa khớp, loãng xương…
Càng tham gia nhiều hoạt động thể chất, càng tăng giúp tỷ lệ trao đổi chất và đốt cháy nhiều calo hơn - yếu tố cần thiết để giảm cân. Tuy nhiên, bạn chỉ nên tập luyện với cường độ vừa phải để tránh khiến cơ thể mệt mỏi, mất sức.
- Cơ thể linh hoạt và dẻo dai
Tập thể dục nâng cao sức khỏe là vì việc tập luyện thường xuyên sẽ cải thiện sự linh hoạt và dẻo dai của các cơ và khớp. Không chỉ vậy, chăm tập thể dục thể thao hỗ trợ tăng sức bền cho cơ thể, từ đó tăng khả năng chịu đựng khó khăn. Những hoạt động thể thao còn góp phần giảm các tình trạng viêm khớp, thấp khớp và làm chậm quá trình mất mật độ xương do tuổi tác.
1.2. Về sức khỏe tinh thần
- Tập trung tốt, làm việc hiệu quả
Có thể bạn chưa biết, tập thể dục là một bí quyết giúp thư giãn, xả stress hiệu quả sau một thời gian làm việc trí óc căng thẳng, đặc biệt là giới văn phòng thường ngồi một chỗ, ít vận động và tiếp xúc nhiều với máy tính. Phương pháp này còn giúp tăng cường năng lượng đáng kể, do đó nếu cảm thấy uể oải, khó tập trung bạn hãy thử một vài hoạt động đơn giản như đi bộ, đạp xe, chạy bộ… Chúng sẽ giúp tăng vận chuyển oxy, chất dinh dưỡng đến các mô và hệ thống tim mạch, nhờ đó nạp đầy năng lượng giúp bạn giải quyết công việc tốt hơn.
- Sống hạnh phúc hơn
Nhiều nghiên cứu chứng minh, những người tập thể dục thể thao mỗi ngày thường cảm thấy vui vẻ, yêu đời cũng như giảm đáng kể các triệu chứng trầm cảm và lo lắng so với người không tập. Bởi các bài tập vận động sẽ làm tăng độ nhạy cảm của não đối với các hormone Serotonin và Norepinephrine, từ đó giảm nguy cơ trầm cảm. Đồng thời, làm tăng sản xuất Endorphins tạo sự hưng phấn, hiệu quả cao trong việc giảm đau.
2. Mẹo giúp bạn duy trì tập luyện đều đặn
Có thể nói, việc tập thể dục thể thao nâng cao sức khỏe thật sự mang lại nhiều lợi ích. Nhưng để duy trì việc luyện tập thường xuyên lại là điều không đơn giản. Vậy phải làm thế nào để luôn hứng khởi khi tập thể dục? Đừng bỏ qua những mẹo nhỏ dưới đây:
2.1 Chọn bộ môn yêu thích và phù hợp
Nhằm tạo cảm giác hào hứng để duy trì sự luyện tập, điều quan trọng trước tiên là bạn nên tìm một môn thể thao mình yêu thích và phù hợp với thể trạng. Không chỉ bó buộc vào việc tập luyện ở phòng gym, bạn có thể thử các hình thức khác như đi bộ nhanh, đạp xe, yoga, nhảy K-pop, bơi lội… cho đến khi tìm được môn mình thích.
2.2 Rèn luyện từ từ, không nóng vội
Thay vì chăm chăm tập vội vàng với cường độ cao, bạn nên chia nhỏ mục tiêu luyện tập hàng ngày, hàng tuần. Việc này giúp bạn vừa dễ dàng quản lý quá trình luyện tập, vừa mang lại cảm giác vui vẻ vì mình đã hoàn thành được các cột mốc đề ra.
2.3 Tìm bạn đồng hành
Bạn có biết, việc tìm một ai đó tập cùng sẽ tiếp thêm động lực để duy trì thói quen tập luyện hơn không? Hãy chọn cho mình người bạn đồng hành có tính tự giác cao và nghiêm túc trong tập luyện. Bởi họ không chỉ tạo cho bạn tinh thần cạnh tranh trong mỗi buổi tập, mà còn động viên và thúc đẩy những khi bạn cảm thấy chán nản, mệt mỏi.
2.4 Ghi chú các buổi tập vào lịch trình
Bạn nên hình thành thói quen ghi chú lịch trình các buổi tập cũng như công việc hàng ngày trên điện thoại hoặc máy tính để tránh bị trùng thời gian. Đồng thời cài đặt nhắc nhở để được thông báo mỗi khi đến giờ tập.
2.5 Chuẩn bị đầy đủ dụng cụ tập luyện
Một mẹo khác để nhắc bạn có lịch tập vào ngày kế tiếp là chuẩn bị đầy đủ quần áo, giày dép, các thiết bị tập thể dục, và đặt ở nơi bạn dễ dàng nhìn thấy. Bên cạnh đó, cách giúp bạn yêu thích tập thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe hơn nhiều lần là nên chọn những bộ đồ tập cùng một đôi giày chất lượng, vừa vặn. Chúng không chỉ giúp ngăn ngừa chấn thương xảy ra, mà còn mang lại cảm giác thoải mái và hạn chế tình trạng áo ướt đẫm do mồ hôi.
2.6 Lắng nghe sự thay đổi của cơ thể
Chìa khóa giúp bạn duy trì thói quen tốt bền vững là lắng nghe sự thay đổi của cơ thể mỗi ngày. Chẳng hạn như, hôm nay vòng eo đã giảm được vài cm, hay đã có thể chạy bộ, leo thang 5 tầng mà không bị hụt hơi… Bởi trước khi hướng đến một vóc dáng lý tưởng, bạn cần duy trì được trạng thái khỏe mạnh và suy nghĩ tích cực vì đạt được những thành công nhỏ.