http://giadinh.net.vn/xa-hoi/tam-long-bo-tat-cua-nguoi-dan-ong-nuoi-duong-11-dua-tre-tat-nguyen-20130307024921949.htm


GiadinhNet - Trường học là một ngôi nhà nhỏ, học trò là 11 đứa trẻ câm điếc, tật nguyền…










Nguyễn Thế Cường và cậu học trò cưng Nguyễn Thế Huy "độc thủ" vẽ chân dung phật Di lặc.


Trong một quán cà phê vườn ở thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam có một lớp học bán trú dành cho những đứa trẻ khuyết tật. Trường học là một ngôi nhà nhỏ, học trò là 11 đứa trẻ câm điếc, tật nguyền… Mọi thứ điều miễn phí từ A đến Z do một người đàn ông đứng ra lập lớp học. Người thầy và là cha của những số phận kém may mắn đó tên Nguyễn Thế Cường (39 tuổi), chủ nhân của quán cà phê Cội Nguồn. Nói về những "đứa con" của mình, anh ngắn gọn: "Đời không cho không ai cái gì bao giờ. Số phận các em kém may mắn, mình may mắn hơn phải làm một điều gì đó để các em hòa nhập cộng đồng…".


Lặn lội… tìm con







39 tuổi đã có một vợ và hai cậu con trai kháu khỉnh, thế nhưng khi một ai đó hỏi được mấy cháu rồi. Cường cười vui: Tất cả 13. Ai cũng lớ ngớ tưởng mình đang trêu họ. "Thằng này từ nhỏ đến giờ lúc nào cũng toàn ba hoa, toàn đi lừa người khác. Nói thật đi nào". Cường vẫn bảo: 13. Cũng chính những lời tếu táo nhưng rất thật đó đã từng khiến nhiều người chẳng thèm nói chuyện với Cường nữa.



Là con nhà nông gốc rạ chính thống, tuổi thơ của Cường buổi ra đồng, buổi đến trường. Hết học cấp ba Cường khăn gói vào Nam làm ăn như những thanh niên địa phương. Trong những tháng ngày lang bạt mưu sinh xứ người, bắt gặp những mảnh đời bất hạnh nơi vỉa hè, thấu hiểu những khổ cực đó Cường nảy ra ý định nhận những đứa trẻ khuyết tật về nuôi nấng và dạy nghề cho các em. Nhưng làm gì và làm như thế nào để thực hiện được ý tưởng đó đã khiến Cường nhiều đêm thức trắng nhưng vẫn không tìm được lối ra. Sau một thời gian bôn ba xứ người Cường nhận ra một điều: Chỉ có về quê lập nghiệp may ra mới mong làm giàu được. Vừa giúp bản thân thoát nghèo vừa giúp được nhiều người khác. Về quê, ban đầu Cường làm đủ thứ việc, được ít vốn Cường bàn với vợ mở quán cà phê. Trong một lần đi mua vật liệu xây dựng quán anh gặp một đứa trẻ tật nguyền gần nhà đang đi xin ăn, ý định về một lớp học dành cho những đứa trẻ kém may mắn lại nhen nhóm. Anh về trao đổi với gia đình và được cả nhà đồng tình ủng hộ. Ngày khai trương quán cà phê cũng là ngày Cường nhận "đứa con" đầu tiên về nuôi dạy: "Mình thường nói chuyện với bạn bè ý tưởng của mình và hỏi thăm ở đâu có trẻ thiểu năng để đến nhận về nuôi. Nhưng chưa đi thì đúng ngày khai trương quán một phụ huynh đã chở con đến và xin được gửi con", Cường nhớ lại.


Đứa con đầu tiên Cường nhận nuôi tên Trần Văn Nhất. Khi công việc quán đã dần đi vào ổn định Cường có thời gian để bắt đầu thực hiện ý tưởng của mình. Anh bỏ công lặn lội khắp huyện rồi lân la đến Tam Kỳ, Hội An… tìm "con". Gặp đứa trẻ nào tật nguyền lang thang trên đường là Cường dừng xe lại hỏi thăm: "Con quê ở mô? Có muốn học vẽ, học làm hoa không? Có muốn về nhà chú ở không?..." Những câu hỏi đôi khi khiến người khác nghe thấy tưởng đâu ông này đi dụ dỗ bắt cóc trẻ con. Còn bọn trẻ nghe thấy vội bỏ chạy thoát thân, sợ công an bắt về trại giáo dưỡng: "Mình hỏi xong rồi tìm về nhà các em xin phép gặp ba mẹ các em và trình bày ý tưởng của mình, cha mẹ nào đồng ý thì mình chở các em về. Nhiều phụ huynh lúc đầu nghe mình nói tỏ ra nghi ngờ, nhưng rồi mọi người cũng đồng ý để mình đưa các em về nuôi", Cường vui nói.


Hai tháng đầu ngôi nhà chung chỉ có bốn em được nhận vào: "Mình tìm mãi nhưng không ra. Có gia đình nghe thông tin mang con đến nhưng mình không thể nhận được do các em bị bệnh quá nặng, mình không thể ở bên các em hàng giờ được nên nhiều lúc từ chối, thấy phụ huynh quay xe chở con trở về, đôi mắt ngấn ướt mà lòng bứt rứt lắm", Cường tâm sự.


Sau hai năm đi vào hoạt động đến nay, "lớp học đặc biêt" của anh đã có 11 cháu. Để có chỗ sinh hoạt cho 11 cháu, một ngôi nhà nhỏ đã được anh xây dựng nhờ sự chung tay giúp đỡ của nhiều bạn bè. Người góp tiền, người góp công, người góp cây… thế là ngôi nhà được dựng lên nằm bên cạnh quán cà phê. 11 đứa trẻ thiểu năng trí tuệ cứ lao xao nói chuyện cùng nhau bằng những động tác của tay chân. Ít khi nào người ta nghe vọng ra từ ngôi nhà ấy tiếng nói. Ngôi nhà nhỏ như hơi thở nhịp nhàng mang lại cho các em một tình thương ấm cúng: "Các em có thể chia sẽ những vui buồn mà người bình thường chúng ta khó có thể hiểu được", Cường nói.


Và mong ước giản đơn


Tiếng nhạc Trịnh du dương thật nhẹ nhàng trong cơn mưa xuân lất phất đầu năm, những đoàn khách hết ra rồi lại vào nhưng ít ai biết rằng số tiền cho mỗi ly cà phê của họ thật lắm ý nghĩa. Bởi toàn bộ số tiền thu lời được từ bán cà phê, anh Cường đều dành để mua thức ăn, quần áo và đồ dùng học tập cho những "đứa con" của mình.


Cường bảo mục đích lớn nhất của lớp học không phải là giúp các em nhận thức được vật dụng, biết nói chuyện với người khác, biết ghi chép mà cái lớn nhất chính là giúp các em có một cái nghề để tương lai tự sống, hòa nhập cộng đồng: "Lúc đầu mới nhận các em về ai cũng bảo thằng này… hâm, thanh niên trai tráng mà đi nhận tụi đầu đường xó chợ về nuôi, lại nói chẳng ra lời, đi chẳng được. Vợ con lo không xong còn đi rước cái khổ vào thân. Mình chỉ cười rồi tự nhủ bản thân: Đời có cho không ai cái gì bao giờ. Giúp các em hòa vào cuộc sống, mình cũng có thêm một niềm vui sống mới. Bản thân thấy lớn lên nhiều", Cường tâm sự.


Để có đủ kinh phí duy trì lớp học và nuôi cơm cho 11 em, hai vợ chồng Cường ngoài việc kinh doanh cà phê. Những lúc rãnh rỗi Cường thường đến các doanh nghiệp trên địa bàn thị trấn để xin đóng góp. Để tạo cho các em có được niềm vui, anh nhận hàng thô về chỉ cho các em làm bình hoa nhựa rồi bỏ mối bán nhưng do tay nghề còn yếu nên hoa các em làm ra không thể cạnh tranh được với hoa nhựa giá rẻ của Trung Quốc. Thế là thất bại! Trong lớp học có em Lê Thị Liên bị câm bẩm sinh nhưng có thể bưng bê cà phê cho khách. Thời gian rảnh Liên Phụ bưng bê nước được Cường trả lương 600.000đồng/ tháng. Nhờ thế Liên có tiền gửi về nhà cho ba má mua sách vở, quần áo cho các em ở nhà đi học.


Sau hai năm đi vào hoạt động đến nay "lớp học đặc biệt" của Cường có hai em "ra trường" có thể tự lao động để nuôi bản thân. Tùy theo hoàn cảnh bệnh tình mỗi em mà Cường giúp các em học nghề cho phù hợp. Để có thầy dạy nghề Cường lặn lội ra Huế mời thầy vào dạy. Lúc đầu không ai nhận lời, thuyết phục mãi cuối cùng thầy Nguyễn Đức Nghĩa, giảng viên trường ĐHNT Huế đã nhận lời vào giảng dạy miễn phí cho các em: "Đơn giản các em thân đã tật nguyền không đi học được. Mỗi em có mỗi hoàn cảnh khác nhau, mình muốn giúp các em có một việc làm trong tương lai để sau này lớn lên hòa nhập cộng đồng", Nguyễn Thế Cường chia sẻ.


Là một võ sư Karate nhưng hàng đêm anh đều tận tụy dạy văn hóa cho các em. Cầm tay cho từng em luyện từng nét chữ, tập cho các em đánh vần. Giờ nhiều em không chỉ tự viết được tên mình mà có em còn đọc được sách báo và viết thư cho ba mẹ. Nhiều gia đình thấy con mình "trưởng thành" mang tiền gạo đến biếu Cường điều từ chối khéo: "Giúp các em có được niềm vui sống là mình mừng rồi. Cha mẹ các em điều nghèo khổ như nhau. Mong muốn lớn nhất của tôi chính là một ai đó có lòng hảo tâm giúp đở, khi các em "ra trường" có được một việc làm ổn định".







Chàng trai đa ngôn ngữ
Để hiểu được các em, Cường tìm đến các trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi học ngôn ngữ ký hiệu. Sau gần hai tháng "tầm sư học đạo" Cường vẫn không hiểu được các em nói gì. Sau này Cường mới hiểu ra các em nhỏ chưa một lần được học ngôn ngữ ký hiệu thì làm gì biết được thứ ngôn ngữ đặc biệt đó. Do mỗi em có một ngôn ngữ bản năng riêng nên Cường phải học tất cả từ ngôn ngữ của cô bé câm cho đến cậu học trò bị thiểu năng trí tuệ. Đến giờ Cường có thể hiểu được những gì các em nói và ngược lại.



Tiến Thuật