“Chơi” cho tỉnh táo
Suốt những ngày rong ruổi trên xe cùng Định và Nhu từ Khe Sanh, Lao Bảo rồi qua chợ Karol (huyện Sepon, tỉnh Savannakhet, Lào), tiếp xúc với nhiều tài xế trẻ chạy tuyến này. Không ít người trong số họ là những con nghiện ma túy, thường nhậu thâu đêm suốt sáng trong những cánh rừng ở Lào, sau đó mệt mỏi lái xe về VN. Tài xế Định thừa nhận: “Nhiều lúc mệt quá, chạy xe từ Lào về Đông Hà không nổi, phải “đập đá” hay chơi hồng phiến cho tỉnh người. Nhưng nhiều lúc phê quá hoa cả mắt, không có cảm giác là đang lái xe”.
Sẽ kiểm tra đột xuất tài xế sử dụng ma túy
* Ông Lê hồng việt (phó Thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM):
Xử phạt nặng
Sở GTVT TP đã giao Thanh tra sở kết hợp với Công an TP, Sở Y tế tổ chức kiểm tra đột xuất lái xe có sử dụng ma túy hay không. Theo đó, các cơ quan chức năng sẽ họp bàn về quy trình và biện pháp kiểm tra ma túy ở lái xe. Trong đó sẽ tính đến việc sử dụng dụng cụ gì để xét nghiệm và cơ quan nào công bố kết quả xét nghiệm... Khi các cơ quan chức năng thống nhất các biện pháp trên, đoàn kiểm tra liên ngành sẽ kiểm tra đột xuất lái xe sử dụng chất ma túy.
Trong thời gian qua, Thanh tra Sở GTVT cũng tổ chức khảo sát đối với khoảng 300 lái xe tuyến cố định, xe du lịch, xe hợp đồng và xe taxi về việc sử dụng các chất kích thích. Nhiều lái xe bày tỏ ý kiến rất đồng tình xử phạt nặng những người lái xe có sử dụng chất kích thích, kể cả xử phạt tù những lái xe vi phạm. Việc loại bỏ những lái xe sử dụng ma túy là biện pháp để kéo giảm tai nạn giao thông trong năm 2014.
* Một cán bộ CSGT TP.HCM:
Phối hợp quản lý chặt người nghiện
Tác hại của các tài xế điều khiển phương tiện vận tải đường dài có sử dụng ma túy là rất nhiều, nguy cơ gây tai nạn vô cùng lớn. Ngoài ra, tài xế sử dụng ma túy không phải lúc nào cũng có đủ ma túy mang theo để sử dụng trên đường, do đó lúc đang di chuyển, cơn nghiện ma túy tới thì họ buộc phải tăng tốc để nhanh chóng đến điểm có bán ma túy. Khi đó mục đích tìm thuốc thỏa mãn cơn nghiện là trên hết, tài xế không thể làm chủ tay lái, làm chủ tốc độ, nguy cơ gây tai nạn rất cao.
Nhiều năm làm CSGT, tôi chưa từng phát hiện trường hợp tài xế sử dụng ma túy, dù thực tế có những trường hợp khi đứng gần tài xế có hiện tượng mơ màng, hành động như người say nhưng không có mùi cồn. Nghi ngờ vậy, nhưng chúng tôi không có phương tiện gì để kiểm tra tài xế đó có sử dụng ma túy hay không. Nếu cần lấy nước tiểu, lấy máu của tài xế để kiểm tra, họ không hợp tác thì làm thế nào?
Các địa phương phải quản lý chặt chẽ người có sử dụng ma túy, kể cả người nghiện đã cai nghiện cũng phải quản lý. Theo tôi, các địa phương nên thường xuyên cung cấp thông tin người nghiện cho Sở GTVT để rà soát danh sách khi đăng ký cấp mới, cấp đổi bằng lái xe. Danh sách này cũng nên gửi tới Cục CSGT đường bộ, đường sắt để cục thông báo tới các địa phương, giúp CSGT có thông tin phối hợp kiểm tra, xử lý trên đường tuần tra, kiểm soát.
Hiện nay khi khám sức khỏe để sát hạch lấy bằng lái xe, đổi bằng lái chưa có quy định xét nghiệm ma túy. Cần đưa quy định buộc phải có kết quả xét nghiệm ma túy khi thi lấy bằng lái và đổi bằng lái để đề phòng người nghiện được cấp bằng.