Tả pí lù nguyên liệu trà sữa trân châu


Lao Động số 181 Ngày 12/08/2009 Cập nhật: 8:10 AM, 12/08/2009


Trà sữa trân châu vẫn hút khách (chụp tại đường Nguyễn Văn Cừ, Q.1). (LĐ) - Tại TPHCM, rủ nhau vào quán trà sữa trân châu để giải khát đang được xem là "mode" của giới "tuổi teen". Trà sữa đang trở thành một trào lưu mới và bất cứ ở đâu có trường học cấp 2, 3 hay cả ĐH, CĐ là xuất hiện quán bán loại trà này với đủ loại công nghệ pha chế.


Trước thông tin của một tờ báo nước ngoài cảnh báo hạt trân châu có chất làm nhựa và clo sunfat natri ảnh hưởng đến sức khoẻ, thế nhưng trong sáng ngày 11.8, theo chân đoàn kiểm tra của Sở Y tế, chúng tôi chứng kiến khách teen vẫn nườm nượp kéo vào thưởng thức loại trà này...


Nấm mọc sau mưa!



Nhận định quán trà sữa mọc như nấm sau mưa quả không sai. Chưa ai có thể thống kê có bao nhiêu địa điểm bán loại thức uống này trên địa bàn TPHCM, thế nhưng một chuyên viên của Sở Y tế khẳng định con số có thể lên đến hàng ngàn. Quán trà sữa trân châu có đủ loại: Từ những thương hiệu nổi tiếng như: Alo; Feeling Tea; H.H. D; Tapa... cho đến những thương hiệu không tên tuổi và thậm chí là một xe nước hay một quán ở vỉa hè cũng trở thành điểm bán trà sữa.


Dọc trên các tuyến đường như: Nguyễn Văn Cừ, An Dương Vương (Q.1, 5), Lê Văn Sĩ (Q.3), Phan Xích Long (Phú Nhuận), Lê Lợi (Gò Vấp)..., mọi người dễ dàng tìm thấy quán trà đủ loại, trong đó món đặc trưng là trà sữa trân châu. Trước Trường ĐH Công nghiệp - đoạn Nguyễn Văn Bảo vòng qua Lê Lợi (quận Gò Vấp), hàng chục quán trà mọc lên san sát.


Một chủ quán trà trân châu H.M trẻ tuổi tên Nga giải thích có vẻ rành: "Đây là loại thức uống thời thượng thu hút đông đối tượng sinh viên nên chúng tôi quyết định mở. Không chỉ một quán mà cách đây mấy căn, chúng tôi cũng vừa khai trương điểm bán mới". San sát quán trà hơn phải kể đến đoạn đường Nguyễn Văn Cừ.



Chưa đầy 30 mét trước Trường ĐH Khoa học tự nhiên (KHTN) TPHCM đã có 5 quán trà sữa mọc hai bên đường lúc nào cũng đông nghìn nghịt khách. Một nam sinh viên tên Thịnh - đang học năm 2 tại Trường KHTN ngồi thưởng thức trong quán Feeling Tea số 213 Nguyễn Văn Cừ, phường 4, quận 5 cùng với nhóm bạn - cho biết: "Trời nắng, mọi người được thưởng thức một ly trà sữa thì rất thích. Giá cả "ngon bổ rẻ" nên mời bạn bè không tốn nhiều tiền. Phần lớn mọi người trong lớp đều hay kéo vào đây khi nghỉ giải lao hay học xong. Món trà sữa trân châu vị beo béo của sữa quyện cùng hương thơm của trà rất ngon và bổ dưỡng (?!)".


Một "fan" nữ của loại trà này cũng nhanh nhảu giải thích thêm: "Các hạt trân châu vừa có màu sắc đen tuyền rất đẹp nằm trong ly trà sữa cộng thêm các quán trà này thường trang trí rất trẻ trung nên mọi người ai cũng thích vào".


Giá các loại trà sữa cũng thật đa dạng: Từ xe nước di động với giá từ 4.000-5.000 đồng/ly cho tới các quán cao cấp máy lạnh giá 15.000-20.000 đồng/ly tuỳ loại. Để thu hút được khách hàng, các quán đã "phăng" trà sữa trân châu ra làm nhiều loại với tên gọi rất kiêu: Hồng trà trân châu, lục trà trân châu (giá 7.000 đồng/ly); trà nho, dâu, đào, cam trân châu với giá (8.000 đồng/ly); trà sữa đậu hủ, bạc hà, khoai môn trân châu (12.000 đồng/ly) (giá tại quán Alo trên đường Nguyễn Văn Cừ)...


Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi có biết rõ nguyên liệu được dùng để chế biến trà sữa có chất lượng như thế nào thì gần như tất cả những người thích uống trà sữa đều ú ớ, thậm chí cũng chẳng cần quan tâm làm gì.


Trà sữa trân châu là... gì vậy?


Tìm hiểu về trà sữa trân châu, một chuyên viên của Sở Y tế TPHCM cho biết: Đây là món giải khát không mới đối với các TP lớn như: Hà Nội, TPHCM. Trà sữa trân châu là cách gọi của người được chế biến từ trộn với các hạt làm từ bột . Trà trân châu được chia thành hai loại: Trà tạo hương vị từ hoa quả hay trà sữa. Trà sữa có thể sử dụng các loại kem từ sữa hay không từ sữa. Trà trân châu ở nhiều nước có các tên gọi khác nhau như black pearl tea, black pearl iced tea, boba drink, boba milk tea...


Hạt trân châu được làm từ củ đun sôi khoảng nửa tiếng cho tới khi chín hoàn toàn, nhưng vẫn còn độ dẻo, khi đó hạt nở ra rồi nhanh chóng ủ trong khoảng hơn nửa tiếng. Sau đó để ráo nước, hạt trân châu được cho vào nước đường hay để sẵn dùng vào trà. Trà trân châu là trà pha đường, sữa và thường có các hương liệu khác.


Trà uống nóng hoặc uống với nước đá. Trà được lắc kỹ, tạo ra các bong bóng nhỏ, đó là điểm đặc trưng của thức uống này. Cách pha trà trân châu mỗi nơi mỗi khác. Trà thường được pha bằng trà đen hoặc trà xanh nóng, rồi đem lắc trong hộp lắc hoặc được trộn trong dụng cụ trộn với đá cho tới khi trà lạnh. Hỗn hợp này thường được cho thêm sữa và hạt bột sắn nấu chín.



Ly trà đã hoàn thành có thể được đậy bằng nắp nhựa hình vòm hay giấy bóng kính, người dùng có thể chọc thủng bằng ống hút. Khi thâm nhập vào thị trường Việt Nam, loại thức uống này đã được chế thêm thành nhiều loại khác nhau nên dễ dàng thu hút được khách hàng và trở thành thức uống "ruột" của đông đảo giới trẻ. Tuy nhiên, theo lý thuyết là thế, còn thực tế pha chế lại là một chuyện khác.


Trong vai một người muốn tìm hiểu để mở quán trà trân châu, chúng tôi đã được một chủ hàng chuyên cung cấp nguyên liệu là hạt trân châu và các hương liệu ở chợ Bình Tây đã chỉ cho đủ "mánh khoé" pha chế. Mùi đào, dâu, cam, nho, trà... tất tần tật chỉ là hương liệu rẻ tiền được bán đầy rẫy trong chợ.


Tại gian hàng kinh doanh sữa bột, nguyên liệu... tại chợ sỉ này, sữa bột loại này cũng có từ thượng vàng đến hạ cám được đóng thành bịch lớn. Thậm chí nhiều loại sữa chẳng có nhãn mác, ngày và nơi sản xuất. Chủ sạp K.L giới thiệu cho khách mới vào nghề bằng các loại sữa bột dùng để pha chế được đóng thành bao sẵn loại 1/2kg để phía trên có giá từ 15.000- 40.000 đồng. Khách mua bao nhiêu cũng có. Trân châu thì đa dạng màu sắc: Tím, đen, xanh, đỏ... được người bán tiết lộ là nhập phần lớn từ Trung Quốc, số ít còn lại là từ Đài Loan.


Giá của các loại trân châu tuỳ loại từ 15.000 - 45.000 đồng/kg được đóng trong bao loại 3kg. Người bán cho biết thêm: "Hàng đảm bảo không meo mốc gì, chỉ cần để khô ráo là được. Loại "trân châu" này chỉ cần luộc trong 20 phút là nở ra to đẹp và dẻo thơm". Mỗi ngày, sạp này đóng nhiều cả chục tạ cho các tỉnh miền Tây.



Riêng bột trà sữa dùng để pha chế thì đủ loại, đủ màu sắc và hương vị... thực đơn của các quán muốn chế thêm loại nước nào thì chủ hàng sẵn sàng cung cấp loại đó từ: Trà hương chanh, cam, táo, bạc hà, nho - các loại đều có tất. Điều đáng nói, các mặt hàng này ngoài dòng chữ TQ được in khiêm tốn thì chẳng có bất kỳ nhãn phụ nào bằng tiếng Việt kèm theo.


Không đủ điều kiện vẫn mở quán



Nguyên liệu dùng để pha chế trà sữa trân châu. Ảnh: Võ TuấnTrong sáng ngày 11.8, chúng tôi theo đoàn thanh tra của Sở Y tế TPHCM đến kiểm tra đột xuất tại 4 cửa hàng có bán loại trà trân châu trên đường Nguyễn Văn Cừ. Tại quán Tapi Tea - 235B Nguyễn Văn Cừ, Q.1, đại diện quán đã cho biết, nguyên liệu chế biến là hạt trân châu được lấy từ nhà phân phối là Cty B.T ở Bình Trị Đông, Bình Tân, đóng trong bao 3kg. Hàng có xuất xứ từ Đài Loan và hạt trân châu được làm từ nguyên liệu: Bột sắn, đường, đậu, nước.


Tuy nhiên, cửa hàng này không xuất trình được giấy chứng nhận về VSATTP do ngành y tế cấp. Tại địa chỉ 213 Nguyễn Văn Cừ, khách vào thưởng thức trà có vẻ đông. Tuy nhiên, khi kiểm tra, thanh tra phát hiện nhiều loại trân châu chỉ có chữ nước ngoài và không có hoá đơn mua hàng. Chủ quán cũng không trình được giấy chứng nhận VSATTP... Chủ quán tên B.N cho biết: "Quán mới mở nên chưa làm thủ tục được".



Điều đáng nói, tại đây, nguyên liệu để pha chế cùng với hạt trân châu được thanh tra phát hiện với đủ loại màu sắc được đựng trong các bình nhựa không có nhãn mác. Khi chúng tôi hỏi cách pha chế, một nhân viên của quán nói nhỏ: "Dễ lắm, chỉ cần đun trân châu với nước ở lửa to khoảng 10 phút là nở to và đẹp. Khi thấy hạt trong bắc xuống để nguội và cho hương liệu vào. Khách muốn hương liệu nào thì pha vào ly và cho ít đá. Nửa kilôgram hạt trân châu pha cùng với 5 -7 lít trà sữa, có thể làm ra thành phẩm được 20 ly".


Thực hư về chất lượng của loại trà sữa trân châu, đến thời điểm này vẫn chưa có động thái khuyến cáo của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề cập đến loại thức uống này, một BS ở Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM (đề nghị giấu tên) khẳng định, ở Đài Loan - Trung Quốc và một số nước Châu Á, loại thức uống này rất phổ biến, vì hạt trân châu được làm từ bột sắn...


Thế nhưng, tại VN, với loại nguyên liệu trôi nổi trên thị trường, nhập lậu và không được đăng ký kiểm nghiệm chất lượng thì cần phải cảnh báo cho người dân. Chỉ cần loại sữa bột không được kiểm định và được trộn nhiều thành phần sẽ gây nguy hiểm cho người tiêu dùng.


Riêng các loại hoá chất rẻ tiền dùng làm hương liệu cũng góp phần gây nguy hiểm cho người tiêu dùng. Riêng trà sữa trân châu được báo chí phản ánh pha bằng: Bột sữa, chất làm nhựa, sunphát natri ngậm nước (Na2SO4.10H2O) và một vài độc tố hoá học sử dụng trong công nghiệp như Clo thì rất nguy hiểm. Người sử dụng nhiều sẽ bị ảnh hưởng sau một thời gian...


Võ Tuấn



http://www.laodong.com.vn/Home/Ta-pi-lu-nguyen-lieu-tra-sua-tran-chau/20098/150920.laodong