Một quan chức NHNN cho biết trong vài ngày tới sẽ chính thức công bố thông tin xung quanh việc sáp nhập, giải thể các NH nhỏ. NHNN cũng sẽ đứng ra đảm bảo vốn và lãi suất khách hàng gửi tại các NH này.
Câu chuyện về một số ngân hàng (NH) nhỏ sẽ bị sáp nhập, giải thể đã được nói đến trong những năm gần đây và nhất là khi nền kinh tế ngày càng bộc lộ những bất ổn thì vấn đề tái cấu trúc hệ thống NH là điều tất yếu.
Song, khoản tiền mà những khách hàng đang gửi tại các NH phải cấu trúc lại sẽ được giải quyết như thế nào và quyền lợi của họ sẽ được đảm bảo ra sao đang là sự quan tâm của nhiều người
Cải tổ nhưng không gây xáo trộn và ảnh hưởng đến lợi ích người gửi tiền
Trong mấy ngày gần đây, lãi suất liên NH (lãi suất giữa các NH vay vốn với nhau) liên tục tăng cao, từ 22-25%, thậm chí, có NH còn được chào vay với lãi suất lên đến 30% cho thấy tình hình căng thẳng vốn của nhiều NH, nhất là các NH nhỏ. Việc NHNN khống chế trần 14%/năm cho lãi suất tháng và 6%/năm với lãi suất kỳ hạn ngắn hơn đã làm nảy sinh hiện tượng các NH tìm cách "phá rào".
Khi việc "phá rào" không khả thi, nhiều NH liên tục bị "tố", các NH nhỏ buộc lòng phải vay vốn từ các NH lớn. Đây là dịp để các NH lớn đẩy lãi suất liên NH lên cao, vượt quá mức "chịu đựng" của các NH nhỏ, khiến cho các NH này rơi vào cảnh khốn khó, đứng trước nhiều rủi ro thanh khoản.
Trao đổi về vấn đề này với báo chí, TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết: Thời gian tới, NHNN sẽ mạnh tay với các NHTM không quản lý chặt chẽ. Đặc biệt, nếu NH nhỏ trốn tránh kiểm soát của NHNN bằng việc kích động lãi suất trên thị trường tăng cao, kể cả lãi suất tín dụng và lãi suất liên NH sẽ bị xử lý. Cơ quan này đã đề nghị NHNN gây sức ép thật sự với những NHTM nhỏ cần phải sáp nhập hoặc mua lại.
Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng NHNN cần phân loại, sắp xếp NH ở từng nhóm khác nhau, từ đó đưa ra giải pháp khắc phục với từng nhóm NH. Sau đó, tùy từng trường hợp mà có cách xử lý khác nhau. Xét về luật, việc sáp nhập, giải thể NH sẽ không được gây ra sự xáo trộn trong xã hội, không ảnh hưởng đến lợi ích của người gửi tiền.
Tiến sỹ Võ Văn Quang, chuyên gia kinh tế phân tích: NH cũng là doanh nghiệp, trong hoạt động, sẽ có những rủi ro nhất định nên việc thành lập, sáp nhập, giải thể là chuyện bình thường. Điều này trên thế giới vẫn diễn ra. Ví dụ như ở Mỹ, năm vừa qua, có tới 328 NH bị sáp nhập, giải thể.
Tuy nhiên, NH là doanh nghiệp đặc biệt, tính xã hội cao, và điểm khác biệt là ở nước ta, NH là các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, khác với các nước khác, NH hoạt động theo mô hình công ty TNHH. Hơn nữa, nếu như ở Mỹ, chỉ cần 1 triệu USD (hơn 20 tỷ) là có thể thành lập được NH, và có khi, ở quận cũng thành lập được NH, thì ở Việt Nam, vốn pháp định phải hơn 3.000 tỷ đồng. Chính vì thế việc giải thể, sáp nhập sẽ phức tạp hơn.
Cần minh bạch thông tin của ngân hàng
Về nguyên nhân dẫn đến các NH có nguy cơ bị giải thể, Tiến sỹ Võ Văn Quang cho rằng do NH mất khả năng thanh toán, mất khả năng chi trả nhưng nguyên nhân lớn nhất vẫn là nợ xấu, rồi sau đó là tỷ lệ an toàn hoạt động NH bị đe dọa, uy tín, thương hiệu (lòng tin) của khách hàng vào NH đó không còn dẫn đến hiện tượng khách hàng rút tiền ồ ạt khiến cho NH đó mất khả năng thanh khoản trong một thời gian kéo dài… Không phải cứ NH nhỏ là NH nhiều rủi ro mà ngay cả các NH lớn, khả năng rủi ro cũng sẽ cao nếu họ bị mất thanh khoản.
"Chắc chắn một điều là dù có sáp nhập, giải thể thì NHNN cũng sẽ đứng ra đảm bảo vốn và lãi suất của khách hàng gửi tiền tại các NH này sẽ không bị ảnh hưởng", quan chức này nhấn mạnh
Để nhận diện những NH đứng trước nguy cơ bị giải thể, cách duy nhất là nắm được các thông tin về NH đó. Và việc công bố thông tin là yêu cầu tối thiểu cho hoạt động của NH. Tuy nhiên, hiện nay, việc quản lý, công bố, minh bạch thông tin ở nước ta chưa được thực hiện hoặc thực hiện không tốt. Dù NH có công bố thông tin sai sự thật thì cũng không có chế tài để xứ lý nghiêm khắc.
Bởi vậy, câu chuyện cuối cùng lại quay về trách nhiệm của cơ quan giám sát. Mặt khác, nguy hiểm hơn là nếu có minh bạch thì không phải khách hàng nào cũng hiểu được các thông tin đó. Tâm lý của người Việt Nam vẫn là nghe tin đồn và hành động theo đám đông. Bởi vậy, trong trường hợp có thông tin nhưng không hiểu, hoặc hiểu sai thì thà không biết thông tin còn hơn. Đây là một vấn đề hết sức bất cập đối với khách hàng.
Riêng về thủ tục giải thể NH, theo quy định, khi một NH nào đó đã bị báo động đỏ về 5 tỷ lệ đảm bảo an toàn, NHNN sẽ đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Sau đó, NHNN sẽ chính thức đứng ra chủ trì, mời một số tổ chức tín dụng (TCTD), tổ chức tài chính lớn đứng ra mua lại tài sản của NH đó. NHNN sẽ thông báo tới khách hàng tình hình giải thể, sáp nhập của NH và để khách hàng tự lựa chọn có tiếp tục chuyển tiền tiết kiệm sang sổ mới hay là rút tiền về.
Trong cả hai trường hợp, NHNN sẽ đứng ra bảo lãnh về vốn cũng như về lãi suất cho khách hàng, đảm bảo quyền lợi của khách hàng sẽ không bị ảnh hưởng. Như trường hợp NH APBank, khi giải thể, NHNN chi nhánh Hà Nội là cơ quan ra thông báo cho khách hàng.
Một quan chức của NHNN cho biết: Trong vài ngày tới, cơ quan này sẽ chính thức công bố một số thông tin xung quanh việc sáp nhập, giải thể các NH nhỏ.
"Chắc chắn một điều là dù có sáp nhập, giải thể thì NHNN cũng sẽ đứng ra đảm bảo vốn và lãi suất của khách hàng gửi tiền tại các NH này sẽ không bị ảnh hưởng", quan chức này nhấn mạnh