Sau 40 phút, viện mới biết máy thở của bệnh nhân hết pin
Xã hội
Gửi bài viết In bài viết Cỡ chữ
Sau 40 phút, viện mới biết máy thở của bệnh nhân hết pin
15/10/2009 14:36 (GMT +7)
Sau 40 phút, bệnh viện mới phát hiện sự cố máy thở của bệnh nhân bị hết pin, ngắt nguồn điện, làm bệnh nhân ngưng thở, ngưng tim, tím đen, nằm bất động….
Ngày 19/9, chúng tôi có nhận được thư của bạn đọc Cao Thanh Đức và Đặng Thị Huệ (thị trấn Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) khiếu nại BV An Bình (TP.HCM) đã “tắc trách” làm con trai họ bị hôn mê sâu.
Theo thư của ông Đức, Cao Thành Tài (sinh năm 1992), bị bệnh loạn sản sụn toàn thân bẩm sinh, phải thở máy từ năm 2001, và nằm tại khoa Hồi sức Tích cực và Chống độc, BV An Bình, từ tháng 11/2007. Ăn uống, chăm sóc vệ sinh cho bệnh nhân... tất cả đều bình thường.
10h sáng ngày 16/9, khoa Hồi sức Tích cực và Chống độc yêu cầu gia đình ra ngoài để bệnh viện chăm sóc bệnh nhân và tuân thủ các nguyên tắc điều trị của bệnh viện, do khoa đang điều trị cấp cứu một bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1.
Cao Thành Tài, sinh năm 1992, bị bệnh loạn sản sụn toàn thân bẩm sinh, phải thở máy từ năm 2001, và nằm tại khoa Hồi sức Tích cực và Chống độc, BV An Bình, từ tháng 11/2007 (Ảnh: Bùi Hương)
Tuy nhiên, không biết do một lý do nào đó, các bác sĩ và điều dưỡng của khoa đã không chú ý đến bệnh nhân Cao Thành Tài nên đã xảy ra sự cố máy thở của bệnh nhân bị hết pin, ngắt nguồn điện làm bệnh nhân ngưng thở, ngưng tim, tím đen, nằm bất động…
Gần 40 phút sau, bệnh viện phát hiện, cấp cứu và thông báo cho gia đình bệnh nhân. Bệnh nhân bị hôn mê sâu và phải điều trị tốn kém tiền thuốc thang…Trong khi gia đình rất khó khăn, nợ nần chồng chất vì phải vay mượn để chữa bệnh cho Tài suốt 8 năm nay ở TP.HCM.
Nhưng bệnh viện không có lời giải thích nào với gia đình bệnh nhân nên ông Đức đã gửi thư đến báo nhờ báo làm rõ xem trách nhiệm này thuộc về ai?
Chúng tôi đã chuyển thư của bạn đọc Cao Thanh Đức và Đặng Thị Huệ đến BS Nguyễn Đình Chanh - Giám đốc BV An Bình.
Sau 3 tuần chuyển thư cho bệnh viện, ngày 11/10, chúng tôi đã nhận được công văn phúc đáp của BV An Bình. Chúng tôi xin tóm tắt một số nội dung phúc đáp của bệnh viện.
Nhiễm trùng là chuyện tất nhiên…
BS Nguyễn Đình Chanh cho biết, bệnh nhân Cao Thành Tài nhập viện ngày 5/11/2007, tại khoa Hồi sức Tích cực và Chống độc, BV An Bình do BV Nhi Đồng I (TP.HCM) chuyển qua với chẩn đoán “Viêm phổi bội nhiễm/Loạn sản sụn toàn thân bẩm sinh gây hẹp khí phế quản dẫn đến suy hô hấp mạn tính”.
Bệnh nhân Tài 17 tuổi nhưng thể trạng bé nhỏ, tứ chi ngắn và không cứng cáp, vì xương mềm nên chỉ cao 80 cm, nặng khoảng 20 kg. Bệnh nhân tỉnh, nhưng không nói được, chỉ mấp máy môi khi cần trò chuyện, lâu dần các bác sĩ, điều dưỡng đều hiểu được khá nhiều và thân thiết với bệnh nhân như người trong nhà.
Người nhà đang chăm sóc cho Tài (Ảnh: Bùi Hương)
Trong suốt 2 năm điều trị, bệnh nhân thường xuyên bị nhiễm trùng phổi, đó là kết quả tất yếu của việc phải thở máy kéo dài, việc nhiễm trùng mắc phải tại môi trường bệnh viện là không tránh khỏi, nhất là khoa Hồi sức Tích cực.
Nhiều lần gặp phải những vi trùng nguy hiểm, cần dùng kháng sinh đặc hiệu và rất tốn tiền, bệnh viện có khuyên gia đình nên chuyển bệnh nhân về BV Chợ Rẫy để điều trị đúng tuyến, để có thể giảm chi phí điều trị theo đúng tuyến hoặc chuyển ra khoa Hô hấp để tránh bội nhiễm phổi tại khoa Hồi sức tích cực và Chống độc. Nhưng gia đình không đồng ý và nguyện ghi hồ sơ đề nghị để bệnh nhân tiếp tục điều trị tại khoa Hồi sức Tích cực và Chống độc.
Bệnh viện cũng giúp đỡ bệnh nhân bằng cách giảm các chi phí, chỉ thu tiền phòng, hướng dẫn gia đình đăng ký bảo hiểm y tế, liên lạc với các tổ chức từ thiện và BV Chợ Rẫy để xem xét đặt những stent ngay các chỗ hẹp của khí quản để có thể giúp bệnh nhân bỏ máy thở nhưng không được do đường khí quản bệnh nhân hẹp quá nhiều chỗ, quá sâu và nhỏ nên không thực hiện được.
Do máy thở có vấn đề?
Khoa Hồi sức Tích cực và Chống độc chỉ có một phòng cách ly dành cho bệnh nhân nhiễm, nên bệnh viện bố trí cho bệnh nhân nằm 1 giường riêng biệt, đặc cách cho người nhà nuôi bệnh thường xuyên ở bên cạnh.
Bệnh nhân thở máy hiệu VS IntergraTM, do gia đình tự thuê bên ngoài (bệnh viện không liên quan), thỉnh thoảng máy vẫn bị trục trặc vì thiết bị điện tử nên nhân viên bảo trì thường xuyên vào sửa chữa. Những lúc máy hư thì bệnh nhân dùng máy thở hiện đại của bệnh viện để tiếp tục duy trì sự sống.
Nhưng ngày 16/9, Bệnh viện An Bình quá tải bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1, và có một bệnh nhân (P.A.P, 23 tuổi) nhiễm cúm A/H1N1 rất nặng bị suy hô hấp/suy thận mạn cần thở máy và lọc thận tích cực để cứu sống bệnh nhân.
Vì cần cách ly tuyệt đối bệnh nhân P., nên bệnh viện phải chuyển bệnh nhân Tài ra phòng bệnh chung, và người nhà không được ở lại khi các bác sĩ thực hiện chuyên môn theo đúng qui định của khoa phòng. 10h45, theo ghi nhận của bệnh viện thì máy thở hết pin, không hoạt động cho nên bệnh nhân Tài tím tái.
Ê kíp cấp cứu của bệnh viện nhanh chóng cấp cứu, thay máy thở kịp thời nhưng do bệnh nhân thiếu oxy não cho nên rơi vào tình trạng hôn mê và thỉnh thoảng có những cơn co giật nhẹ thường là tự hết, nên không phải dùng thuốc cắt cơn.
Lúc 15h30 cùng ngày, nhân viên bảo trì đã chỉnh xong máy thở, bệnh viện tiếp tục cho bệnh nhân thở lại máy của gia đình thuê. Lúc 21h ngày 19/9 (3 ngày sau sự cố), bệnh nhân Tài sốt cao đột ngột. Ngày 20/9, bệnh nhân tỉnh, còn sốt.
Lúc 20h10 ngày 22/9 máy thở của bệnh nhân không hoạt động và cũng không có báo động khi áp lực đường thở tăng cao do bệnh nhân tăng tiết đàm nhớt gây hẹp tắc lòng nội khí quản, bệnh viện phải cho bệnh nhân thở bằng máy thở của bệnh viện.
Bệnh nhân đã được bệnh viện hội chẩn chuyên môn toàn viện, kết luận như sau: “Việc suy giảm tri giác là do thiếu oxy não hiện đã hồi phục, tình trạng nặng dần của bệnh nhân là do nhiễm trùng phổi tại bệnh viện. Do vi trùng gây viêm phổi lại là Pseudomonas đã kháng nhiều loại kháng sinh, hiện tại bệnh viện dùng kết hợp cả 3 loại kháng sinh để điều trị cho bệnh nhân, tình trạng bệnh tạm thời ổn định”.
Theo BS Chanh, máy thở VS IntergraTM do bệnh nhân thuê là có vấn đề. Vì đây là loại máy thở sử dụng tại nhà cho bệnh nhân bị suy hô hấp mạn tính, máy được hỗ trợ 2 nguồn điện (nguồn điện ngoài và pin dự trữ), khi gần hết pin máy sẽ báo động to để cảnh báo.
Tuy nhiên theo ghi nhận của bệnh viện, lúc xảy ra sự cố, máy hết pin nhưng trước đó không có báo động, cần phải xem xét lại vấn đề báo động của máy thở. Đây là một sự cố ngoài ý muốn, bệnh viện đã nỗ lực kịp thời để cứu sống bệnh nhân.
Vấn đề trở nặng của bệnh là do viêm phổi mắc phải tại môi trường bệnh viện, một vấn đề không thể tránh khỏi ở những bệnh nhân thở máy dài ngày . Hiện tại bệnh viện đang tập trung nhân lực và vật lực để chữa trị tiếp cho bệnh nhân.