Nhiều gia đình thích cho bé làm điệu bằng trang sức mà không biết rằng đó có thể là mối nguy với sức khỏe của trẻ.
Ngắm nhìn những đồ nữ trang mỹ ký trên thị trường Hà Nội: nhẫn, vòng đeo tay, hoa tai, chuỗi vòng cổ … xi mạ vàng làm phụ kiện thời trang được bầy bán ở phố cổ, chợ Đồng Xuân, các khu chợ sinh viên….ai cũng tấm tắc khen đẹp…nhiều khi còn “long lanh” hơn cả hàng thật.
Tuy nhiên, đằng sau sự hào nhoáng đó lại “ẩn chứa” những nguy hiểm“chết người”.
Dây dị ứng da:
Phần lớn trang sức đều có chứa nhiều thành phần kim loại. Người ta thường cho thêm nickel và đồng vào để làm cho trang sức chắc chắn và bền đẹp hơn. Nhưng những kim loại này thường là thủ phạm gây dị ứng da. Thành phần niken xuất hiện nhiều trong những trang sức rẻ tiền dễ gây dị ứng cho những ai có cơ địa dị ứng niken hay dị ứng kim loại nói chung. Có người dị ứng với cả thắt lưng da, cúc quần bằng kim loại… Đây là “thủ phạm” gây ngứa ngáy, mụn nước. Nhiều khi người bệnh mà không biết, cứ tiếp tục dùng các sản phẩm rồi lại gãi, gây sưng, lan dị ứng ra vùng da rộng.
Ngoài ra, nhiều người mồ hôi nhiều nên hàm lượng muối trong mồ hôi phản ứng với kim loại trong trang sức gây nên dị ứng. Các vết dị ứng ửng đỏ, ngứa ngáy, để lâu có thể sưng mủ.
Tiếp xúc với hóa chất độc hại:
Hàm lượng kim loại gồm Niken, chì hay Catmi... trong các sản phẩm trang sức rẻ tiền gây ảnh hưởng đến cơ thể. Ngoài ra trong sinh hoạt hằng ngày do phải tiếp xúc các hóa chất khác như xà phòng, nước hoa, dầu gội đầu, sữa rửa mặt và chất khử mùi lưu trữ cặn hóa chất trên cơ thể gây phản ứng dị ứng trên da.
Ngăn cản lưu thông máu:
Đeo trang sức quá chật ảnh hưởng đến lưu thông máu
Các bác sỹ BV Việt Đức, Hà Nội đã từng tiếp nhận một ca hy hữu do nhẫn quá chặt khiến cho máu không lưu thông dẫn đến tình trạng viêm tấy, tay sưng to, có mùi thối và bắt đầu có dấu hiệu hoại tử. Việc đeo đồ trang sức quá chặt đã ảnh hưởng đến lưu thông máu hoặc tích trữ những chất bẩn độc hại lâu dài ảnh hưởng đến sức khỏe.
Trầy xước do cạnh sắc nhỏ của đồ trang sức:
Vị trí tổn thương da thường gặp nhất là ở dái tai, khiến da bị sưng đỏ và chảy nước ngay tại lỗ xỏ đeo bông tai, có thể gây lầm lẫn với tổn thương do nhiễm trùng da. Các vị trí khác như vùng da hai bên dái tai (khi đeo bông tai), cổ (do đeo dây chuyền) và cổ tay (do đeo vòng, xuyến) hoặc ngón tay (do đeo nhẫn) thường nổi đỏ lốm đốm, xuất hiện mụn rộp, rỉ nước, gãi ngứa chà xát gây trầy da. Đó là chưa kể đến những tai nạn khác có thể xảy ra khi đeo trang sức như bạn bè hoặc kẻ xấu giật cướp đồ, trẻ ngậm, cắn đồ trang sức dễ nuốt vào gây dị vật đường thở, trang sức không đảm bảo, có chất gây hại cho sức khỏe…
Trang sức làm bằng bạc tương đối an toàn, nhưng cũng cần kiểm tra các góc cạnh sắc nhọn. Tốt nhất, nên chọn trang sức trơn, thiết kế đơn giản. Vệ sinh thường xuyên để tránh chất bẩn tích tụ trên trang sức, ngăn mầm bệnh phát triển.