Với một quỹ có nguồn thu khoảng 7 tỷ USD mỗi năm, lấy từ 26% tổng quỹ lương toàn xã hội, người dân có quyền được biết cụ thể và chi tiết mọi hoạt động của nó.



Thử tưởng tượng bạn nhận được một lời đề nghị rằng: “Anh hãy gửi tiền để tôi đầu tư, nhưng anh không được phép biết tôi sẽ quản lý khoản tiền của anh như thế nào, chi tiêu ra sao, và có đảm bảo an toàn hay không. Tôi cũng không dám chắc là sẽ đủ tiền để trả lại anh sau vài chục năm nữa khi đáo hạn, vì các chuyên gia dự báo quỹ của tôi sẽ thâm hụt sau 6 năm nữa và có nguy cơ bị vỡ”.


Liệu có ai muốn tham gia cuộc chơi chỉ mang thiệt vào thân như thế?


Đáng tiếc, đó là câu chuyện về bảo hiểm xã hội (BHXH) ở Việt Nam, vốn đang gây ra nhiều tranh cãi khi hôm nay, ngày 1/1/2016, Luật BHXH sửa đổi chính thức có hiệu lực.


Ai là chủ nhân?



Theo luật mới, trong tổng tỷ lệ 26% đóng vào quỹ BHXH, người lao động đóng 8%, còn lại 18% do người sử dụng lao động đóng, dựa trên mức lương thực nhận và phụ cấp (thay vì chỉ tính trên lương như trước đây). Như vậy với quy định này, trên thực tế cả doanh nghiệp và người lao động sẽ phải đóng góp nhiều hơn so với trước.


Thời gian đóng BHXH cũng sẽ tăng thêm 5 năm (tăng từ 25 năm lên 30 năm đối với lao động nữ và từ 30 năm lên 35 năm đối với lao động nam).


Những quy định trên, tất nhiên sẽ khiến cho các doanh nghiệp “không vui”, bởi bất kỳ sự đóng góp nào sẽ khiến cho họ phải chịu thêm gánh nặng chi phí. Tuy nhiên, nghịch lý là rất nhiều người lao động, đối tượng thụ hưởng chính trong chính sách BHXH, lại tỏ ra không đồng tình.


Và điều đó không phải là không có lý do.




Người lao động, đối tượng thụ hưởng chính trong chính sách BHXH, lại tỏ ra không đồng tình với quy định mới, được xem là có lợi hơn cho họ.


Với một quỹ có nguồn thu khoảng 7 tỷ USD mỗi năm, lấy từ 26% tổng quỹ lương toàn xã hội, người dân có quyền lo ngại khi luôn được thông báo rằng quỹ đang chịu nhiều sức ép, có nguy cơ bị âm hay thậm chí là vỡ quỹ, nhưng lại không tiếp cận được các thông tin.


BHXH, đặc biệt là bảo hiểm hưu trí, không phải là thuế hay phí phải nộp, mà là khoản tiền nhà nước giữ hộ cho công dân dành cho tuổi già. Khoản này thuộc sở hữu của người lao động, và nghiễm nhiên với tư cách chủ đầu tư, họ có quyền tiếp cận thông tin có liên quan.


Hàng triệu người đóng bảo hiểm cần được báo cáo về tình hình “kho báu” của mình một cách có hệ thống và liên tục, cụ thể là có báo cáo tài chính được kiểm toán, cập nhật hoạt động đầu tư, được quyền bầu ban đại diện cho quyền lợi của mình ở hội đồng quản trị quỹ.


Thêm vào đó, họ cũng có quyền được cử đại diện tham gia đại hội cổ đông hàng năm hoặc các đại hội bất thường liên quan đến hoạt động của quỹ.


Nói cách khác, quỹ BHXH phải được vận hành một cách minh bạch, công khai, có cơ cấu tài chính chặt chẽ như một công ty lên sàn chứng khoán. Đó là cách làm được thực hiện ở hầu hết các quốc gia theo mô hình nhà nước phúc lợi như Nhật Bản hay Na Uy.



Tại Na Uy, mọi thông tin liên quan đến hoạt động của quỹ đều được cung cấp chi tiết và trình bày theo cách dễ hiểu nhất trêntrang web bảo hiểm xã hội. Quỹ hưu trí nước này hiện có số vốn đầu tư 191 tỷ NOK (22 tỷ USD), và nắm cổ phần của hầu hết các công ty lớn trên sàn chứng khoán của Na Uy.


Tất nhiên chúng ta không thể so sánh hệ thống đã vận hành hơn nửa thế kỷ với hệ thống được thành lập được 20 năm, trong điều kiện trình độ phát triển của hai quốc gia rất khác nhau.


Tuy vậy, đó không phải là lý do để không thực hiện những biện pháp minh bạch hoá thông tin để quỹ bảo hiểm xã hội hoạt động hiệu quả hơn. Đặc biệt là khi mức tiền đóng góp bảo hiểm xã hội bắt buộc ở Việt Nam cao nhất nhì Đông Nam Á.


Nếu tính gộp các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, phí Công đoàn,…mức phí đóng góp lên đến 35.5% lương của người lao động, gần bằng mức cao nhất ở Singapore (37%). Nhật Bản, quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng già hoá dân số, cũng chỉ có mức đóng góp cao nhất là gần 29%.



Mức đóng bảo hiểm xã hội ở một số nước Đông Nam Á (Nguồn: KPMG 2011 và tác giả tự thu thập)



Niềm tin chiến lược



Mua bảo hiểm là hình thức dự phòng rủi ro ở tương lai, với việc người mua có niềm tin lâu dài cho bên bán bảo hiểm rằng họ có đủ khả năng để chi trả cho rủi ro, bệnh tật, tuổi già,…về sau. Vì lý do đó, không ai mua bảo hiểm ở những nơi mà họ không tin tưởng, hoặc với mức đền bù mà họ cho rằng không tương thích với chi phí bỏ ra.


Xét trên hai khía cạnh trên, tôi không dám chắc sẽ có bao nhiêu phần trăm người lao động lựa chọn người bán là BHXH Việt Nam để đảm bảo cuộc sống lúc về già của mình. Ngoài những mập mờ về mặt tài chính như phân tích ở trên, với việc nền kinh tế còn chưa ổn định và tiền sử siêu lạm phát như ở Việt Nam, nhiều người sẵn sàng chấp nhận tự tích cóp dự phòng hơn là đi mua.


Đó cũng là lý do người lao động phản đối Điều 60 trong Luật BHXH mới, không cho phép nhận tiền BHXH một lần, dẫu rằng đó là một chính sách rất nhân văn để đảm bảo cuộc sống của họ ổn định hơn khi đến tuổi nghỉ hưu.


Mở rộng phạm vi tính mức đóng góp BHXH theo hướng tính theo lương thực tế là một chủ trương đúng đắn, tuy nhiên, cũng như mọi chủ trương khác, cần phải được thực thi một cách công bằng.


Theo Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, Quỹ BHXH bị hụt đến 91.000 tỷ đồng (4,05 tỷ USD) do tình trạng trốn đóng hay chiếm dụng của các doanh nghiệp và người lao động.


Khi chưa thể giải quyết bài toán minh bạch về hoạt động và đảm bảo thu được đúng và đủ mức đóng góp từ các đối tượng tham gia, việc nâng mức đóng góp thực tế quỹ BHXH sẽ chỉ tưởng thưởng cho gian dối và tạo ra bất công trong xã hội.


Khi chưa tạo được niềm tin rằng hệ thống đang hoạt động một cách công bằng, sẽ khó để thuyết phục người đóng BHXH việc họ phải chi thêm tiền là xác đáng.



http://news.zing.vn/Quy-bao-hiem-xa-hoi-Ai-la-chu-nhan-post615055.html