Em thấy cái quy định này cũng khoai phết nhẩy?


VH- Để tăng cường việc quản lý sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn, UBND tỉnh Quảng Bình đã có Quyết định số 03/2010/QĐ-UBND quy định quản lý các phương tiện nói trên.


Tuy nhiên, sau khi quy định trên được triển khai thì gây nhiều băn khoăn cho nhiều người, đặc biệt là những người hành nghề lái xe ôm. Và điều quan trọng hơn, quy định trên có nhiều điểm khó khả thi.


“Ngăn sông, cấm chợ” người lái xe ôm?


Quy định trên do UBND tỉnh Quảng Bình ban hành dựa trên tờ trình số 1173/TTr-SGTVT ngày 24.12.2009 của Giám đốc Sở Giao thông vận tải. Tại Chương II, điều 3 về điều kiện của người điều khiển phương tiện thì những người điều khiển xe thô sơ, xe gắn máy, mô tô hai bánh, mô tô ba bánh và các loại xe tương tự khi hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa ngoài việc phải chấp hành các quy định theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 còn phải mặc áo có biển hiệu và trang phục riêng, phải có hộ khẩu thường trú hoặc giấy tạm trú tại địa phương và phải được UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú chấp thuận.


Quy định còn chi tiết hóa đến trang phục áo của người lái xe ôm như chất liệu vải, màu: Do cá nhân, tổ chức, đơn vị tự chọn thống nhất cho tất cả người điều khiển trong tổ chức, đơn vị và đăng ký màu áo với Phòng Công thương hoặc Quản lý đô thị thuộc UBND huyện, TP. Và áo phải có cổ, phải có túi trước có nắp. UBND các huyện, TP quản lý màu áo của các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh theo lựa chọn của từng tổ chức, cá nhân trên nguyên tắc ở cùng một địa bàn không được cùng màu và không trùng màu áo của các cơ quan chức năng Nhà nước (!).


Còn về phạm vi hoạt động vận chuyển quy định tại điều 6, đối với xe thô sơ và các xe tương tự chỉ được phép hoạt động trong phạm vi huyện, TP nơi đăng ký quản lý; xe gắn máy, mô tô hai bánh, mô tô ba bánh và các loại xe tương tự được phép hoạt động đến huyện, TP liền kề với nơi đăng ký quản lý và phải chấp hành quy định của UBND các huyện, TP về phạm vi, tuyến đường, thời gian hoạt động và các điểm đỗ xe, đón trả khách và hàng hóa để bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại địa phương. Ngoài ra, các xe được nêu hoạt động trên địa bàn nào phải tuân theo quy định của huyện, TP đó.


Đối tượng lái xe ôm và hành nghề vận chuyển xe thô sơ đại đa số là những người nghèo. Anh Hoàng Văn Sồi, hành nghề xe ôm ở bến xe Ba Đồn (Quảng Trạch) cho biết: “Không biết quy định đó đã được thực hiện hay chưa nhưng không được đi đến huyện, TP thứ ba là không thực tế. Vì khách đón xe ôm ở Ba Đồn ban đêm, nhà họ ở TP Đồng Hới thì chẳng lẽ chúng tôi chỉ chở họ đến huyện Bố Trạch rồi thả để họ tìm đón xe ôm của người Bố Trạch đi tiếp hay sao?”. Anh Sồi nói thêm: “Lẽ nào chúng tôi chỉ được chở khách đi hai huyện Tuyên Hóa và Bố Trạch thôi sao, còn các huyện khác như Đồng Hới, Quảng Ninh, Minh Hóa... khách có nhu cầu, chúng tôi không được chở?”. Theo tìm hiểu của phóng viên thì rất nhiều người đang chạy xe ôm bức xúc và nêu thắc mắc: “Vì lý do gì mà xe ôm không thể đi tiếp đến huyện, TP thứ ba được?”.


Ngoài vấn đề trên, việc đặt ra quy định cụ thể về thời gian hoạt động của xe ôm, xe chở hàng là chưa phù hợp. “Chúng tôi phải kiếm sống bất cứ giờ nào khi có khách gọi và cần đi hoặc cần chở hàng. Nửa đêm hay một hai giờ sáng mà có khách chúng tôi cũng sẵn sàng đi vì miếng cơm manh áo. Nếu quy định thời gian như vậy là chúng tôi chết đói ngay”, anh Nguyễn Xuân Cường - lái xe ôm ở ngã tư Quảng Thọ (Quảng Trạch) cho biết.


Dân chưa đồng tình


Nhiều người bày tỏ nghi ngại về quy định đã nêu của tỉnh. Một luật sư ở Đoàn luật sư Quảng Bình cho biết, người hành nghề tuân thủ Luật Giao thông đường bộ để bảo đảm an toàn cho khách, hay chở hàng đi được đến nơi thì họ có thể đi đến bất cứ nơi đâu, không nên quy định như vậy.


Anh Sồi cho biết: “Lâu nay tai nạn giao thông nghiêm trọng xẩy ra trên đường quốc lộ rất ít khi đội ngũ lái xe ôm gây ra, chúng tôi phải giữ gìn an toàn tính mạng của mình và khách hàng và hơn nữa chiếc xe là “cần câu cơm” nuôi sống cả gia đình, sao có thể xem thường nó được”.


Ông Phan Văn Thanh, Trưởng phòng Công thương huyện Quảng Trạch cho biết, quy định của tỉnh đã ban hành nhưng sự thật là rất khó thực hiện, ví như may đồng phục cho lái xe ôm cũng không đơn giản chút nào vì đội ngũ xe ôm rất đa dạng, người thì vào tổ tự quản nhưng có người không. Còn chuyện phạt xe ôm đến huyện thứ ba thì không thể làm được. Giả sử khi đi đến huyện thứ ba họ không mang đồng phục, làm sao biết xe ôm mà bắt phạt?


Theo một lãnh đạo Sở GT-VT Quảng Bình thì quy định việc chỉ đi đến huyện liền kề là để bảo đảm an toàn giao thông và hạn chế xe đi lại trên quốc lộ 1A, vì đã có ôtô, xe buýt tham gia vận chuyển hành khách rồi. Còn về điểm trả khách và hàng hóa không quy định chặt chẽ mà chỉ nhấn mạnh đến điểm đỗ đón khách.


Được biết, quy định trên được UBND tỉnh Quảng Bình ban hành ngày 8.3.2010 và có hiệu lực sau đó 10 ngày, tuy nhiên theo tìm hiểu của chúng tôi thì đến nay có rất nhiều địa phương chưa thực hiện được.


Phạm Phú Thép


http://www.baovanhoa.vn/chinhtrixahoi/26517.vho