Ảnh minh họa


Chị H.L - 33 tuổi, sinh con được 1 tuần đã bị stress nặng, tâm lý luôn hồi hộp lo sợ những điều vẩn vơ, ăn không ngon, ngủ không yên.


Đến khi con chị bị vàng da phải vào viện điều trị thì chị như rơi vào trạng thái mất thăng bằng, sức khỏe suy kiệt dữ dội, rồi cuối cùng, dẫn đến điều vô cùng đáng tiếc: Chị qua đời do hội chứng "hậu sản" để lại đứa con thơ chưa dứt sữa.


Đừng xem thường


Đây là một trong những trường hợp dễ gặp, nhất là với những bà mẹ trẻ lần đầu sinh nở, phải đương đầu với những điều rắc rối từ gia đình, tài chính, rồi đứa con nhỏ cần phải được chăm sóc... Nhiều người mẹ trẻ sau khi "vượt cạn" thường rơi vào trạng thái thoắt vui, thoắt buồn hay lo âu, mệt mỏi, dễ xúc động, ăn không ngon, có cảm giác bồn chồn, mau nước mắt mà không rõ lý do. Y học gọi đó là chứng trầm cảm sau sinh.


Một trường hợp đau lòng nữa là một cô gái trẻ ở vùng nông thôn nghèo làm mẹ khi chưa đầy 18 tuổi, lỡ lầm với bạn trai đến có thai và bị bỏ rơi. Cô trở về gia đình sinh con trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Khi đứa con gái ra đời, bà mẹ trẻ rơi vào trạng thái bị trầm cảm nặng nề khi phải đối diện với nhiều khó khăn, rồi người mẹ ấy lại nảy sinh những ý nghĩ thật ghê gớm là giết đứa con bé bỏng mới chào đời của mình. Dù cho gia đình có sát sao trông chừng hai mẹ con cẩn thận thế nào thì cuối cùng người mẹ ấy cũng đã làm một việc thật kinh khủng là ép bầu vú mình vào mặt con cho đến chết trong lúc đang cho con bú. Một kết thúc quá đau lòng.


Trầm cảm sau sinh không chỉ tấn công các phụ nữ có trình độ thấp, kinh tế khó khăn, mà nó còn tấn công cả giới trí thức văn phòng. Chị N.L, 28 tuổi - nhân viên của một doanh nghiệp lớn - vừa sinh con trai đầu lòng đã bị rơi vào trạng thái trầm cảm triền miên khi con chị bị chứng trào ngược và thường quấy khóc, khiến chị căng thẳng thần kinh tột độ vì những lo lắng khi chăm sóc con, rồi chị ăn uống không ngon cộng với mất ngủ lâu ngày, chị ngày càng thấy mệt mỏi tột độ đến mức có ý định tự vẫn và chị không muốn nhìn mặt con, không muốn gần gũi chăm sóc đứa con mang nặng đẻ đau. Gia đình lập tức đưa chị đến bác sĩ điều trị, chăm sóc bé thay chị và lúc nào cũng "canh giữ" chị cẩn thận.



Nguyên nhân và cách điều trị



Nguyên nhân chính xác của chứng trầm cảm sau sinh vẫn chưa được xác định rõ. Nhiều giả thiết cho rằng sự thay đổi của vài loại nội tiết tố sinh dục trong khi mang thai và ngay sau khi sinh có thể góp phần gây nên tình trạng bệnh. Chứng trầm cảm sau sinh còn liên quan đến sự chuyển biến lượng hormone trong máu. Lúc cơ thể người mẹ mang thai và sau khi sinh, lượng hormone này liên tục lên xuống, chuẩn bị điều kiện cho sự chào đời của em bé và kích thích sữa chảy ra.


Bên cạnh đó, trầm cảm sau sinh một phần là do hệ quả của lối sống hiện đại. Mâu thuẫn gia đình, vấn đề tài chính, thiếu sự giúp đỡ của người thân, khó khăn trong việc chăm sóc bé.


Để điều trị, ngoài việc tìm đến bác sĩ, phối hợp thuốc chống trầm cảm và tâm lý liệu pháp, các thành viên trong gia đình cần tạo ra một bầu không khí vui tươi, chan hòa tình cảm, cùng nhau chăm chút cho bé mới chào đời để người mẹ cảm thấy yên tâm, không bị cảm giác tủi thân, lo lắng cho sức khỏe của bản thân và đứa con bé bỏng, dành thời gian để tập thể dục và hướng tinh thần nghĩ đến những điều tốt đẹp. Bên cạnh việc dùng thuốc thì điều quan trọng là phải duy trì chế độ dinh dưỡng tốt, ăn uống ngủ nghỉ đầy đủ, sử dụng vitamin B6 hoặc vitamin tổng hợp để có sức khỏe tốt.


BS Tuấn Anh (Bệnh viện Phụ sản trung ương)



http://laodong.com.vn/Khoa-hoc/Qua-doi-vi-tram-cam-sau-sinh-no/97782.bld