(Dân trí) - Dù Bộ Y tế quyết định giữ lịch tiêm chủng viêm gan B sơ sinh cho trẻ, tức là trẻ tiêm mũi vắc xin viêm gan B đầu tiên trong vòng 24 giờ sau sinh, nhưng nhiều phụ huynh đã từ chối tiêm mũi vắc xin này.Từ chối tiêm vì sợ tai biến



Vừa sinh con tại BV Phụ sản Hà Nội, chị Nguyễn Thúy Nga (Từ Liêm, Hà Nội) từ chối mũi vắc xin viêm gan B sơ sinh cho con. “Trước lúc sinh, mình đã nói với cả bác sĩ, y tá, người nhà, không đồng ý cho con tiêm mũi vắc xin này. Nếu bệnh viện cố tình tiêm cho bé, bé có vấn đề gì bệnh viện sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”, chị Nga nói.



Theo người nhà chị Nga, trước khi chị sinh con mấy ngày thì xảy ra vụ việc 3 trẻ sơ sinh tại Quảng Trị tử vong chỉ sau ít phút được tiêm vắc xin viêm gan B. Vì thế, ngay khi hôm vào bệnh viện làm thủ tục sinh, kết quả xét nghiệm HbsAg âm tính, chị Nga đã quyết định sẽ không vội tiêm mũi vắc xin viêm gan B sơ sinh cho con.



“Mình không phải là một chuyên gia y tế, nhưng đọc kỹ đường lây truyền của vi rút viêm gan B mà các nhà chuyên gia phân tích, mình tự tin, con mình không có khả năng bị lây viêm gan B qua tiếp xúc, chăm sóc bởi cả bà nội, ngoại và người thân thiết bên gia đình không ai bị viêm gan B. Vì thế, mình sẽ chờ để con được tiêm mũi vắc xin tổng hợp (trong đó có vắc xin viêm gan B. Hiện giờ con nhỏ quá, tiêm nhỡ có vấn đề gì ân hận cả đời”), chị Nga chia sẻ.



Một sản phụ khác giấu tên cho biết, sau khi sinh con, chị nhờ một bác sĩ quen ở khoa sơ sinh để tư vấn, có nên cho con tiêm vắc xin viêm gan B hay không, bác sĩ này cũng khuyên chị đợi vài ngày sau, vì mẹ có HbsAg âm tính thì không đáng ngại. Tại bệnh viện, thường các bà mẹ mang HbsAg dương tính mới được khuyên tiêm ngay vắc xin cho con trong vòng 24 giờ sau sinh.



Tại BV Phụ sản Trung ương, TS.BS Vũ Bá Quyết, Phó giám đốc cho biết, bệnh viện tiếp tục triển khai tiêm theo quyết định của Bộ Y tế. Mỗi năm, bệnh viện Phụ sản Trung ương tiêm khoảng 20 nghìn liều vắc xin viêm gan B cho trẻ trong vòng 24 giờ sau sinh và đều an toàn, không có tai biến gì.



Ở thời điểm này, ngay sau khi xảy ra 3 ca tử vong ở trẻ sơ sinh vì tiêm vắc xin viêm gan B, nhiều bà mẹ “chờn” không muốn cho con tiêm, nhưng được các bác sĩ tư vấn, giải thích, phần lớn các mẹ đều đồng ý tiêm vắc xin cho con. Bệnh viện cũng không có vắc xin thuộc hai lô phải đình chỉ trên toàn quốc do liên quan đến 3 ca tử vong tại Quảng Trị sau tiêm vắc xin viêm gan B.




Không tiêm là phạm luật!





Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, cho biết: “Thực hiện theo đúng chỉ đạo của Bộ Y tế, Hà Nội vẫn tiếp tục tiến hành tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh cho trẻ, chỉ tạm thời dừng vắc xin thuộc lô đã tiêm cho 3 trẻ sơ sinh tại Quảng Trị”. Trước đó, khi xảy ra sự việc, Hà Nội cũng tạm dừng tiêm vắc xin này để chờ kết luận chỉ đạo của Bộ Y tế.




Trước thực tế, hiện nhiều bà mẹ vì quá lo lắng đã từ chối tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh cho con, một chuyên gia vắc xin tại Hà Nội cho biết,
tiêm chủng để phòng bệnh là bắt buộc. “Về mặt nhà nước, Bộ Y tế đã quyết định yêu cầu tất cả các cơ sở có phòng đẻ phải thực hành tiêm viêm gan B mũi một trong 24 giờ đầu sau sinh. Theo luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, việc triển khai tiêm vắc xin viêm gan B là bắt buộc, tiêm chủng mở rộng là bắt buộc nhằm khống chế dịch bệnh và bảo vệ cộng đồng. Vì thế, không tiêm là vi phạm luật”, chuyên gia này nói.



Tuy nhiên tại Việt Nam, hiện chưa có cơ chế nhắc nhở, phạt như thế nào đối với những trường hợp từ chối tiêm mà mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu được lợi ích bảo vệ sức khỏe của tiêm phòng.



PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi (BV BẠch Mai) chia sẻ: “Là người làm trong lĩnh vực nhi khoa, sơ sinh trong nhiều năm, tôi thấy, việc tiêm phòng viêm gan B cho trẻ em sơ sinh là cần thiết. Tuy nhiên, khi mình ra chiến lược để tiêm trong vòng 24 giờ đầu sau sinh hay phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố”.



Theo phân tích của TS Dũng, trẻ em sơ sinh rất khó để đánh giá sức khỏe các bé, có rất nhiều em bé tiền sử sơ sinh khỏe mạnh, mẹ khỏe mạnh, sau đẻ 6 - 7 giờ sau vẫn khỏe nhưng ngay sau đó đã có thể diễn biến bệnh. Nếu không phát hiện để loại trừ, tiêm vắc xin sẽ tăng rủi ro cho trẻ do trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý sẵn có.



“Việc chúng ta tiêm ngay trong vòng 24 giờ đầu sau sinh thì chúng ta phải có được một quy trình tốt. Dứt khoát phải có khám cho trẻ sơ sinh. Tại những cơ sở nào có khám sàng lọc tốt cho trẻ sơ sinh thì mới tiêm cho trẻ”, TS Dũng nói.



Theo GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ TƯ, người dân cần bình tĩnh trước thông tin về các ca tử vong sau tiêm chủng vắc xin viêm gan B vừa xảy ra tại Quảng Trị. Các chuyên gia đầu ngành của Bộ Y tế và các cơ quan chức năng đang nỗ lực để sớm có thể đưa ra những kết luận chính xác nhất dựa trên những bằng chứng khoa học cụ thể.



GS Hiển cho rằng, không có loại vắc-xin nào là tuyệt đối an toàn 100% nên vẫn có một tỷ lệ rất nhỏ có phản ứng nặng sau tiêm. Tiêm vắc xin là đưa vào cơ thể một kháng nguyên để kích thích cơ thể sản sinh miễn dịch chủ động để dự phòng bệnh, có thể xảy ra một số phản ứng nặng hoặc nhẹ.



“Những trường hợp phản ứng hay gặp thường là sốt nhẹ, sưng, đau; tỷ lệ phản ứng nặng, gây nguy hiểm cho tính mạng, phải nhập viện thường sau tiêm chủng rất thấp, ít xảy ra. Vì thế, các bà mẹ nên cho con đi tiêm phòng theo đúng lịch để bảo vệ tốt nhất trước các bệnh truyền nhiễm”, GS Hiển nói.


Nguồn :http://dantri.com.vn/suc-khoe/phu-huynh-e-ngai-khong-cho-con-tiem-vac-xin-viem-gan-b-sau-sinh-759186.htm