Trong khi chờ giải pháp chống ngập hoành tráng, nên chăng trang bị mỗi nhà một lu nước để hứng nước mưa, chống ngập?
Hàng nghìn hộ dân vật vã sống 'treo' 20 năm ở nơi ô nhiễm nhất TP.HCM
Phó giáo sư, tiến sĩ Phan Thị Hồng Xuân - Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Dân tộc học - Nhân học TP.HCM - đã đề xuất với UBND TP.HCM sáng kiến trang bị lu nước để chống ngập.
Bà nêu đề xuất này tại phiên thảo luận về chống ngập tại kỳ họp thứ 15, HĐND khóa IX, chiều 12/7.
Đại biểu Phan Thị Hồng Xuân cho rằng, nên trang bị mỗi nhà một lu nước để chống ngập cho TP.HCM khi các công trình lớn chưa hoàn thành.
Theo đại biểu Phan Thị Hồng Xuân, nếu thử nhìn ở góc độ khoa học xã hội và nhân văn, có thể tìm ra sáng kiến chống ngập đơn giản, thay vì chờ các giải pháp chống ngập hiện nay.
Bà nói: “Mỗi nhà ở nông thôn, trước sân có lu nước rất to để đựng nước, trong đó có tính năng lưu trữ nước mưa. Nên chăng, cần suy nghĩ về biện pháp này bên cạnh các giải pháp chống ngập bằng công trình. Đây là ứng dụng từ giá trị văn hóa bản địa. Có thể trang bị cho mỗi nhà một lu nước to để hứng nước mưa”.
Sau ý kiến của đại biểu này, hội trường vang lên nhiều tiếng xôn xao.
Dù vậy, sau đó, khi phát biểu về công tác chống ngập của TP.HCM trong thời gian qua, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cũng không đả động gì đến sáng kiến này.
Kỳ họp thứ 15 Hội đồng nhân dân TP.HCM
Nhiều đại biểu HĐND khác cũng thử góp ý về giải pháp chống ngập cho TP.HCM.
Đại biểu Nguyễn Văn Đạt đề nghị, trong khi chờ các dự án chống ngập lớn đi vào hoạt động, TP.HCM nên rà soát 2.900 tuyến kênh rạch để nạo vét, khơi thông.
Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm đề nghị, cần mạnh tay hơn trong xử lý các trường hợp xây nhà lấn chiếm kênh rạch.
Ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TP.HCM - trả lời các đại biểu HĐND TP.HCM.
Trả lời ý kiến của các đại biểu HĐND, ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TP.HCM - thừa nhận, chống ngập là bài toán nan giải của TP.HCM.
Theo ông, một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng nan giải này là tốc độ đô thị hóa nhanh, cứ 5 năm lại tăng 1 triệu dân.
“Đất trống để thoát nước trở thành đất đô thị, mưa xuống không có chỗ thấm nên tạo áp lực mạnh vào đường ống”.
Tuy vậy, ông cho rằng trong 3 năm gần đây, ông cảm thấy: “Ngập thì có ngập nhưng không ngập dai dẳng, ngập triền miên. Dân có phản ánh ngập nhưng không gay gắt như các năm trước”.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm - nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM.
Phát biểu tại phiên thảo luận, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM - cho rằng, chính quyền thành phố còn lạc quan quá khi đánh giá về công tác chống ngập: “Báo cáo của HĐND phải chỉ ra trách nhiệm cụ thể khi giải quyết tình trạng ngập của TP.HCM. Phải chỉ ra trách nhiệm thuộc về ai, về cơ quan nào. Đã đến lúc chúng ta không nên né tránh nữa. Nhìn kết quả báo cáo thì rất dễ hài lòng nhưng phải phải nhìn thực tế, xem dân có hài lòng, có giảm sự phiền phức cho dân hay không”.