Nơi sưởi ấm tình yêu của mẹ






Họ đã bước qua nỗi đau, mất mát, mặc cảm, tủi hờn, đã gượng dậy, bằng niềm tin, nghị lực. Từ những người "hộ khẩu một nơi, người ở một nơi", nay họ đã về làm công dân phường Hòa Minh, TP Ðà Nẵng. Rồi hạnh phúc cũng tới, ngập tràn trong những căn nhà nhỏ, với bữa cơm gia đình đầm ấm, mẹ con tíu tít chuyện trò, và những nụ cười con trẻ rạng ngời...



Không mấy ai tưởng tượng được đến một ngày, những căn hộ trị giá trên dưới nửa tỷ đồng kia lại được dành cho họ, những phụ nữ đơn thân, bất hạnh, khi mà tiền công lao động hằng ngày của họ cùng lắm chỉ đủ mua rau, cá.


Có nhà ở khu chung cư mới trên đường Kinh Dương Vương, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Ðà Nẵng, với họ, đó là giấc mơ xa xỉ, nhưng nay đã thành hiện thực. Nếu tính theo giá thị trường hiện nay, mỗi căn hộ của các chị được cấp có giá ít nhất từ ba trăm đến năm trăm triệu đồng. Bốn khu nhà A, B, C, D, những căn hộ sáng sạch, tươm tất và ấm cúng, chính là nơi ươm mầm hạnh phúc.


Như cách nói mộc mạc của Bí thư chi bộ Hòa Phú 5A, phường Hòa Minh Phạm Trung Khảm thì các chị là những phụ nữ bất hạnh. Có người lận đận tới nỗi, có người ba đứa con thì của ba đời chồng. Có người một chị, một em tật nguyền từ nhỏ, dìu dắt nhau, tựa vào nhau mà sống, đến nay tuổi cũng đã ngoài sáu mươi. Hôm nay tin được cấp căn hộ mới, mẹ con tui em nhau khóc! Tui biết đã được cứu sống thêm lần nữa! Có nhà, có hộ khẩu rồi, còn mong gì hơn?". Chị Diệp Thị Bích Ngọc xúc động nhớ lại ngày được nhận nhà mới đầu năm 2012.


Năm 2007, từ khảo sát cuộc sống của nhiều chị em phụ nữ "đơn thân, nghèo tận cùng", Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh TP Ðà Nẵng đã nảy ra sáng kiến xin đất thành phố, rồi vận động, quyên góp tiền từ các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp để xây dựng một khu nhà liền kề dành cho phụ nữ đơn thân tại phường Hòa Minh. Ðây cũng là khu nhà liền kề duy nhất, đầu tiên của Ðà Nẵng và có lẽ là của cả nước, dành riêng cho phụ nữ nghèo, đơn thân. 126 chị được cấp căn hộ nhà liền kề, được nhập khẩu vào phường Hòa Minh. Họ đã chạm tới giấc mơ có nhà ở, không phải đi thuê, mướn nhà... Nhưng đến năm 2009, cơn bão số 9 - bão Két-sa-na đổ bộ vào miền trung tàn phá Ðà Nẵng và phá hỏng hầu như toàn bộ khu nhà này. Không để một chủ trương nhân văn "trôi xuống biển", năm 2010, TP Ðà Nẵng chủ trương xây dựng tám khu chung cư mới, mỗi khu có 36 căn hộ, dành cho người nghèo, đặc biệt ưu tiên phụ nữ đơn thân, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Một lần nữa, mục tiêu "có nhà ở" của Ðà Nẵng trong chương trình "Thành phố ba có" lại thắp lên cơ hội cho các chị ổn định cuộc sống.


144 gia đình là 144 cảnh đời khác nhau, trong đó có bốn gia đình chính sách. Họ chỉ chung một điểm: là phụ nữ đơn thân, nghèo. Có chị hiện sống một mình. Chị đã lên chức bà ngoại, bà nội. Mỗi người mỗi cảnh, nhưng tôi thấy niềm tin đã nhen lên trong mắt họ khi được bắt đầu lại, vui sống tiếp, vì con, vì cháu.


Mở cửa căn hộ 502, Khu nhà B, bà Nguyễn Thị Luận, 60 tuổi, cười hiền sau một ngày làm lụng vất vả. Ðôi bàn tay chai sần của bà đã nói hộ nghị lực bươn chải, một nách nuôi con. Vừa làm "cha", vừa làm mẹ, ký ức tràn về làm bà rơi nước mắt. Những tháng năm khốn khó nhất bắt đầu khi người chồng không may mắc bạo bệnh, mất năm 1992. Không nghề nghiệp, ai kêu gì làm đó, hết việc, bà đi nhặt ve chai. Khó khăn chất chồng khiến bà nhiều lần ngã quỵ, song các con phải nghỉ học khiến bà đau xót nhất. Nhưng cơm chưa ấm bụng, nói chi cắp sách tới trường. Nỗi khổ lại đeo bám khi người con gái thứ hai mới lập gia đình chưa đầy năm thì chồng mất. Ở cái tuổi có thể nghỉ ngơi, bà lại còng lưng nuôi cháu.


Thực hiện chủ trương "có nhà ở" của TP Ðà Nẵng, toàn thành phố hiện có gần 250 phụ nữ đơn thân, bất hạnh được cấp căn hộ chung cư. Năm 2013, các cấp hội phụ nữ TP Ðà Nẵng đã vận động hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho 585 hộ với tổng kinh phí gần hai tỷ đồng, trao phương tiện sinh kế và vật dụng gia đình tặng 749 phụ nữ nghèo với kinh phí hơn 1 tỷ đồng...


"Cả đời tôi chỉ mong có được chỗ trú chân không sợ lũ, sợ bão. Về đây tôi cứ như mơ! Cầu trời đừng bắt đau ốm. Còn khỏe tôi còn gánh ve chai, dọn quán cà-phê cóc, kiếm tiền phụ con để các cháu được đến trường, không khổ như đời bà, đời mẹ". - Bà Nguyễn Thị Luận, một phụ nữ đơn thân được nhận căn hộ dành cho người nghèo.


Dưới mái nhà không có đàn ông, mọi thứ đều bấp bênh, mong manh. Chồng bỏ khi các con còn rất nhỏ, một mình nuôi con, vậy mà chị Hương chẳng bao giờ đầu hàng số phận. Vượt cạn một mình đã chẳng dễ dàng, một thân tự nuôi dạy con khôn lớn càng chồng chất khó nhọc, việc nào cũng phải cắn răng, nuốt tủi để cho qua miệng lưỡi người đời. "Lắm lúc đau như cứa ruột chỉ vì một ánh mắt, một câu bâng quơ, nhưng đành nuốt nước mắt, vì tương lai sắp nhỏ", giọng chị Hương nghèn nghẹn. Chị Hương đã giành được niềm vui lớn khi bây giờ, hai con chị, một đã tốt nghiệp Trường đại học Bách khoa Ðà Nẵng, một đang học cao đẳng năm thứ hai!


Tôi gặp mẹ con chị Nguyễn Thị Thảo ngay góc quán nhỏ bán bún trước Khu nhà A. Lần "đò" đầu dang dở, muốn tìm một bờ vai vững chãi để cậy nhờ lúc khó khăn, chị đi thêm bước nữa. Hạnh phúc ngỡ vẹn toàn khi anh chị có hai đứa con, một trai một gái. Nhưng bất hạnh ập đến. Con trai chưa đầy hai tuổi thì chồng chị mất vì đuối nước. Ðang sống ở nhà chồng, không chịu được sự gièm pha, tiếng bấc tiếng chì, chị dứt áo đưa bọn trẻ đi thuê trọ. Gồng gánh một mình, rồi lận đận cũng qua, người phụ nữ nhỏ nhắn đã bớt phần nào lo lắng vì các con hiểu, thương mẹ và vượt khó, học giỏi...


Cuối chiều khách bắt đầu đông, cả hai mẹ con tất bật xoay hàng họ. Huỳnh Thị Hoài Thương, cô con gái lớn luôn chân luôn tay nướng thịt, làm rau cho mẹ. Là chị cả, hiện Thương đang làm y tá tại Bệnh viện Sản -Nhi Ðà Nẵng, sau giờ làm việc, cô lại tranh thủ đi chợ, giúp mẹ dọn quán rồi bảo ban các em học bài. Em gái kế Thương hiện đang học lớp 10 Trường THPT Phan Châu Trinh, cậu em út học lớp 4.


Ðầu năm 2012, chị Thảo được thành phố cấp căn hộ mới. Ngày dời nhà từ căn hộ liền kề phụ nữ đơn thân về đây, chị bảo "đời như sáng thêm vạn lần". Căn hộ mới rộng hơn 50 m2 ngăn nắp, ấm cúng, có tủ lạnh, ti-vi sau bao chắt bóp, tần tảo. "Ai cũng có nỗi khổ riêng, nhưng không thể cứ trông chờ sự giúp đỡ của người khác. Ðược cấp nhà với tiền thuê hằng tháng vài trăm nghìn, chị em chúng tôi tu chí làm ăn, san sẻ buồn vui, vượt qua mặc cảm", chị Thảo tâm sự.


Với phụ nữ đơn thân, đau khổ, tủi buồn và mặc cảm, là những cảm giác luôn đeo đẳng. Nhiều chị bị dị tật bẩm sinh từ nhỏ, lớn lên trong ghẻ lạnh người đời, rồi cũng như cây sau mưa, họ vẫn tìm thấy ánh nắng mặt trời mà hướng tới. Nơi này, có không ít chị tự nguyện xin một đứa con để nương tựa lúc xế chiều. Cũng có chị được cưới hỏi đàng hoàng, nhưng khi sinh con ra bị dị tật bẩm sinh thì chồng bội bạc. Nỗi đau cứ đầy thêm, nước mắt lại hằng đêm ướt gối. Nhưng rồi tình mẫu tử đã vực các chị dậy thoát khỏi cái bóng cô đơn đè nặng.


Những đứa con ra đời, mang những cái tên đầy hy vọng như Ðức, Thương, Bình, An, Thắng... Ở đây, nhiều chị có con bị dị tật bẩm sinh, bị phơi nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin như chị Cầm, chị Huệ. "Ðứa con là nơi bắt đầu cuộc đời thứ hai của người mẹ. Dẫu nó có tật nguyền thì vẫn là hòn máu mang nặng đẻ đau. Còn lo cho cháu được ngày nào là chị gượng vui ngày đó!" - chị Dương Thị Huệ, ở căn hộ 102, Khu nhà C, vừa chăm sóc cháu Dương Bình An, vừa tâm sự.


Bị bại não, động kinh ngay khi mới lọt lòng mẹ, chín tuổi mà An bé tẹo, chỉ nặng 10 kg. Không biết nói, chân tóp teo, chỉ có đôi mắt là rất sáng. Dường như, đôi mắt An chứa đựng tất cả niềm an ủi và hy vọng còn lại của chị Huệ. Về nhà mới, mẹ con chị được cấp căn hộ dưới tầng 1, để thuận tiện đưa con đi viện mỗi khi An đột ngột lên cơn co giật. Ngày trước, mỗi khi có người kêu làm thuê, làm mướn, chị Huệ đành bỏ An vào chiếc cũi gỗ, khóa nhà lại. Ði làm lấy công mà ruột gan để ở nhà, thương con tật nguyền, bé bỏng côi cút phải tự xoay xỏa từ trứng nước. Bây giờ, sức khỏe kém, An lại thường xuyên lên cơn sốt, nên chị Huệ đành ở nhà, làm đồ ăn chay bỏ mối bán ở các chợ, rau cháo lần hồi. Chị nhẩm tính, "đời mình khổ, nhưng miễn sao trời còn thương, người còn thương, tối lửa tắt đèn có chị em chòm xóm đỡ đần thì mẹ con chị vẫn còn hy vọng bước tiếp".


Cuối chiều, khi hơi ấm mùa xuân đang len vào từng ô cửa nhỏ, tôi nhìn lên những căn hộ đã sáng đèn. Trong đó, những cuộc đời mới đang hồi sinh, dù cuộc sống còn bao khó khăn, vất vả. Bà Nguyễn Thị Vân Lan, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh TP Ðà Nẵng nhận xét: "Cho đi hạnh phúc cũng tức là nhận lại. Ðối với chị em phụ nữ đơn thân, bất hạnh, sự giúp đỡ của thành phố rất kịp thời, đúng đắn. Khi cộng đồng cùng chia sẻ, các chị bớt đơn độc. Có nhà ở ổn định, các chị tự vun vén tổ ấm vì các con, yêu thương chính mình để vượt qua tất cả".



BÀI VÀ ẢNH: NGUYỄN THỊ ANH ÐÀO