Nói sao cho tới?


PN - Họ ở sát vách nhà tôi. Ngày nào cũng vậy, sáng sớm, anh lái chiếc xe tải chất đầy rau củ lấy từ các nhà vườn ngoại ô, chở chị đến một chợ nhỏ ở trung tâm thành phố bán, đến chiều tối lại chở chị về.


Chỉ xuất hiện chóng vánh trong hai thời điểm nhập nhoạng mỗi ngày, nhưng anh đã ghi dấu trong mắt xóm giềng hình ảnh một người chồng “không bao giờ để vợ cực nhọc”. Bao nhiêu thứ cần mang vác, kể cả những thứ nhỏ nhặt, nhẹ tênh, anh tất bật làm hết. Buổi sáng, chị thong thả khoác chiếc áo, rồi vừa đưa tay buộc lại mớ tóc, vừa bước ra xe. Buổi chiều, bước xuống xe, chị thu gom nào nón, nào áo rồi đi thẳng vô nhà. Những hôm chị nấn ná đứng lại chờ chồng thu dọn rổ rá, anh đều xua tay “đuổi” vợ vào trong mà đôi mắt thì đầy khích lệ, tình tứ. Xóm giềng hiếm khi có dịp trò chuyện cùng anh chị. Bởi, xong việc, là họ theo nhau vào nhà.


Vậy mà, khi đã ngoài 50 tuổi, họ lại vùng thoát ra khỏi mái nhà. Những sớm, chiều chỉ còn mình chị loay hoay, lủi thủi với trăm việc nặng nhẹ. Về đến nhà, chị để mặc bếp núc cho con gái, con dâu; bỏ sang hàng xóm; lẩn tránh cái tổ ấm im lìm, lạnh lẽo. Anh bán chiếc xe tải rồi thường xuyên kiếm chuyện ra ngoài, bắt bạn với những người trước đây chỉ quen biết hời hợt để tụ tập rượu trà. Nhà có vợ thì không có chồng; hễ chị về thì anh đi, đến giờ chị đi thì anh về. Để tránh chị, anh bỏ luôn cái chợ cùng công việc đã gắn bó hơn nửa đời người.


Mà, ngày nào cũng thế, tầm 6g chiều, khi anh vừa chào ba tôi ra về sau cuộc trà dư tửu hậu, chị lại kiếm cớ sang nhà, tìm gặp má tôi. Câu chuyện của chị bao giờ cũng lòng vòng theo những buổi chợ, hôm nay bán nhanh hay chậm, giá rau ráng, bầu bí xuống lên thế nào. Thỉnh thoảng, khi đề tài chợ búa đang xôm, chị lại thừa cơ lái chuyện từ chợ vô nhà, gượng gạo hỏi má: “Nãy uống trà, ảnh có nhắc chi con không thím?”.


Má tôi hiểu chuyện, những hôm sau, hễ thấy chị qua liền hỏi ngay vô đề tài chính. “Nó thế nào rồi? Đã nói năng gì chưa?”. Chị toàn lắc đầu: “Ở với nhau 30 năm, không nghĩ có ngày chẳng nói nổi với nhau lời nào”. Nhiều lúc cám cảnh, má tôi lỡ lời: “Phải lúc thì không chịu nói, giờ người xa lắc lơ rồi, nói sao cho tới đây?”.


Quả thực, lúc hay tin anh dan díu với cô chủ hàng nước đầu cổng chợ, chị một mực đòi ly hôn, đoạn tuyệt, không cho anh cơ hội phân trần. Khẳng định mình chưa đi quá giới hạn, chỉ dừng lại ở mức bạn bè thân thiết với người ta, nhưng anh hoàn toàn vô vọng trong nỗ lực đối thoại cùng vợ. Anh xin lỗi, bắt chuyện trăm ngàn lần, chị đều gạt phăng đi, một mực khẳng định anh “dối trá, hèn hạ, phản trắc”.


Mỗi buổi chợ sớm, mặc kệ anh tất tả bày biện, bán mua, chị làm như người không quen biết. Những lúc đông khách, lỡ quờ quạng đụng phải người anh, chị chẳng ngại ngần thẳng tay hất anh ra xa, mặc kệ ánh mắt ngỡ ngàng của bao người. Để “bài trừ” chồng, chị thuê hẳn một tài xế kiêm khuân vác, nhưng ngay hôm đầu tiên đến làm, thấy anh nhiệt tình “giành việc”, anh tài xế mới cũng ngại ngần... xin lui.


Tuyên bố “không bao giờ nói chuyện với chồng nữa”, chị đem những câu chữ ứ đọng ấy rêu rao với dâu con trong mọi bữa cơm. Những chuyện đồn thổi chưa rõ thực hư cứ láy đi láy lại, anh phải chủ động tránh giờ cơm để các con được yên ổn. Có đêm thức trắng nghĩ suy, anh lại tìm vào phòng vợ, quỳ sụp dưới chân giường, xin vợ tha thứ. Đáp lại, chị hét toáng lên những tội danh “nhơ bẩn”, xé toạc không gian riêng tư vợ chồng, tạt gáo nước lạnh vào thiện chí và tự trọng của anh.


Chị đâm đơn ra tòa ngay đợt giỗ ông ngoại tụi nhỏ. Mặc kệ lá đơn, anh vẫn ghé nhà mẹ vợ, tất bật tính toán, lo toan. Mọi chuyện yên lành cho đến lúc tàn tiệc, chị tập trung anh em trong nhà lại, tuyên bố “chấm hết” với chồng. Giữa lúc mọi người đang kể lể, luận tội mình, anh lầm lũi dắt xe ra đi.


Đến chiều, anh nhận được tin nhắn của vợ, báo anh “đến nhà nhân tình, gấp”. Linh cảm chẳng lành, lật đật chạy đến, anh bàng hoàng thấy chị đứng giữa vòng vây bảo vệ của người nhà mình, hả hê trước người đàn bà cô thế, rũ rượi. Người hiếu kỳ đứng chật kín lối vào, nhưng chẳng ai buồn cứu giúp “con đàn bà giật chồng”. Nhác thấy anh, chị càng hả hê, cất giọng mỉa mai: “Sao? Xót lắm hả? Chết chung cũng cam lòng, phải không?”. Kể chuyện với ba tôi trong cơn ngà ngật say, đến chỗ ấy, anh nghẹn ngào mấy lượt mới nói thêm được: “Từ khi xảy ra chuyện rồi “khóa khẩu”, đó là lời đầu tiên cổ nói với con. Nhưng lúc đó, chính con đã quyết định, đó sẽ là những lời cuối cùng”.


Đến lượt mình, anh đoạn tuyệt theo cách khắc kỷ, lạnh lùng. Sau cái lần “quậy” nhà tình địch, nghe hàng xóm khuyên giải, chị cũng nhiều phần e ngại. Những màn kể tội trong bữa cơm không còn, bởi anh chẳng còn dự phần vào bữa ăn nào có chị. Anh cũng không còn tới lui, gợi chuyện để chị còn dịp xua tay, giãy nảy. Rảnh rang, trống trải trong căn nhà không có anh, điểm lại mấy mươi năm vợ chồng, chị toàn thấy những hình ảnh tình tứ, cần mẫn của chồng, lòng chẳng mảy may oán hờn, giận dỗi. Càng nghĩ, lòng chị càng dịu dàng, mọi chua ngoa, cay nghiệt đi đâu mất hết. Chị cố lục lại những lời giải thích rời rạc, đứt quãng của chồng trong suốt thời gian dài từ ngày xảy ra chuyện, lòng thầm ước ao một lần được nghe anh phân trần trọn vẹn, để tẩy xóa hết cái khoảng cách đang dài ra mỗi ngày.


Rồi, chị cũng được toại nguyện trong ngày họ cùng đối mặt nhau, trước tòa. Kể xong những khúc mắc, oan khiên của mình, người đàn ông không ký tên trong lá đơn xin đơn phương ly hôn của vợ lại một mực đòi ly hôn. Anh nêu lý do: tình cảm và sự tôn trọng đều không còn, khó lòng sống tiếp. Chị biết rõ lòng mình, nhưng chẳng nói nổi thành lời trước sự cương quyết lạnh lùng của anh. Cả sau này, trong thời gian hòa giải, vẫn ở cùng một nhà, chị cũng bất lực, tuyệt vọng trong mọi nỗ lực đối thoại cùng chồng.


Cứ thế, anh tâm sự với ba má tôi, chị lại sang gợi chuyện để được nghe lại lời chồng mình, anh đến lúc này, chị sang lúc kia - y như cái cách họ đã lỗi nhịp nhau trong cuộc đối thoại này, để bây giờ phải giao tiếp với nhau theo một vòng tròn đứt nối hoài chẳng đến được với nhau. Những lời không thể nói được lúc chị cố thủ trong vùng im lặng của mình, giờ má tôi lại đem ra khuyên anh, rằng: “người tội lỗi nhất vẫn còn lời đáng nghe, huống gì người đó lại vợ/chồng mình...”. Nhưng chính má cũng biết, vấn đề ở anh không còn là ngoảnh mặt hay lắng nghe, vấn đề là sau trăm ngàn lần vô vọng, trong anh, lời đã kiệt cùng. Cũng giống như cái logic mà má vẫn hay lỡ lời với chị, rằng: “Người đã xa lắc lơ rồi, nói sao cho tới?”.


THANH TÂN


http://phunuonline.com.vn/tinh-yeu-hon-nhan/to-am/noi-sao-cho-toi/a137095.html