Nguồn: http://songmoi.vn/xa-hoi-thoi-su/nhieu-ho-gia-dinh-tai-ha-noi-bong-dung-bi-dong-tien-dien-gap-doi



Nhiều hộ gia đình tại Hà Nội bỗng dưng bị đóng tiền điện gấp đôi



22/06/2013 - 06:18


Ngày 18/6, sau khi phát hiện thông báo giá tiền điện tại văn phòng chênh lệch giữa tháng 5 và tháng 6 tăng gấp đôi dù điện sử dụng ít đi, anh Nguyễn Tuấn Linh đã làm đơn khiếu nại lên điện lực Ba Đình. Kết quả, đơn vị này thừa nhận ghi sai số điện. Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp duy nhất tại quận Ba Đình bị ghi sai số điện. Trong tuần vừa qua, một loạt hộ gia đình cũng phản ánh tình trạng tương tự cho thấy, sự “ghi nhầm”, cố tình “tăng giá điện”, dù chưa được phép, của ngành điện có tính hệ thống chứ không chỉ là một vài cá nhân chịu “rủi ro”.




Nhân viên điện lực ghi số điện. Ảnh: Ts




Anh Linh cho biết, sau khi gửi đơn khiếu nại phản ánh tình trạng chỉ số điện trong 10 ngày kể từ 8/6-18/6 đã nhảy lên gần gấp đôi so với cùng kỳ tháng 5 một cách bất thường, đội trưởng đội quản lý điện khu vực phường Trần Phú thuộc chi nhánh điện Ba Đình đã điện thoại thừa nhận “có thể do nhân viên ghi nhầm số điện” và “xin được trừ vào tháng sau” (và tất nhiên, số tiền đền bù sẽ không đúng với thực tế của giá lũy tiến).





So sánh thông báo chỉ số điện 3 pha tại văn phòng của anh Linh trong 10 ngày đầu tháng 6 đã tăng gấp đôi so với tháng 5..



Ngày 19/6, sau khi so sánh chỉ số trên hóa đơn và thực tế của công tơ điện, đại diện công ty Điện lực Ba Đình đã thừa nhận, trường hợp của anh Linh là do đội quản lý phường “có ghi nhầm lẫn” và cam kết trừ các chỉ số chênh lệch do ghi sai vào tháng 7. “Không chỉ tiền điện văn phòng bị ghi khống lên, mà ở nhà hóa đơn điện tháng 4 chỉ 700.000 đồng nhưng sang tháng 5 đã là 1,2 triệu đồng”, anh Linh cung cấp thêm thông tin.



Một trường hợp tương tự, nhà chị Hương thuộc quận Ba Đình cũng phản ánh, tiền điện đã bị nhảy vọt từ 339.0000 đồng (tháng 4) lên 606.0000 đồng (tháng 5).




Biên bản làm việc tại Cty Điện lực Ba Đình Ảnh: Nhân vật cung cấp



Thông tin về tình trạng này được anh Linh cảnh báo cho bạn bè và ngay lập tức đã có gần 10 người tại khu trung tâm Hà Nội xác nhận là tiền trong hóa đơn điện tăng hầu như tăng gần gấp đôi, từ tháng 4 đến tháng 5. Hầu hết mọi người đều không chú ý vì cho rằng những ngày nắng nóng nên sử dụng điều hòa, quạt nhiều hơn. Tuy nhiên, ngay cả với gia đình đi du lịch dài ngày, hoặc sử dụng thiết bị điện tương đương nhưng giá tiền điện vẫn tăng vọt.



Nghe bạn bè phản ánh, anh Trung, ngụ tại đường Kim Mã, quận Ba Đình, cũng thắc thỏm chờ hóa đơn tiền điện nhà mình tháng này xem sao. Kết quả, chỉ số điện nhà anh tháng này cũng tăng hơn gấp đôi, cụ thể tháng trước có 418 kw phải nộp 865.179 đồng ( với chỉ số chịu giá cao nhất là 18 số), tháng này vọt lên 875 kw, (chỉ số chịu giá cao nhất là 475 ) dẫn đến tổng số tiền là 2.024.908 đồng, tăng gấp 2,34 lần.



Theo anh Trung đánh giá: “Rất có thể là do điện lực định đón đầu tăng giá điện. Họ tính là tháng 6 sẽ được phép tăng giá nên chủ động ghi chỉ số tháng trước ít đi để dồn số điện cho tháng sau, ăn vào chênh lệch giá, đặc biệt là sự chênh lệch do mức giá lũy tiến. Nhưng giá điện không được tăng nên chuyện mới vỡ lở và ngành đành khỏa lấp bằng cách thừa nhận “ghi sai”. Anh Trung cũng cho biết thêm, khi đi hỏi các hộ gia đình quanh khu vực nhà anh, mọi người đều phản ánh tình trạng tương tự và đang rất bức xúc.



Tình trạng tiền điện tăng “khó hiểu” không chỉ đang diễn ra tại Hà Nội. Theo Tuổi trẻ, ngày 14/6, phó giám đốc Công ty Điện lực Cà Mau cũng đã phải thừa tình trạng một loạt các hộ dân ở tuyến đường Nguyễn Đình Thi và Tô Hiến Thành (P.5, TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau) có giá điện tăng bất thường trong tháng 4 là do “nhân viên ghi chỉ số đồng hồ điện không chính xác.” Trong khi dân vẫn đang thấp thỏm trước nguy cơ giá điện tăng, nay lại phải đối mặt với hiện tượng “sai sót cá nhân” của ngành điện lực diễn ra trên diện rộng và có tính hệ thống, liên tục trong những tháng vừa qua. Chỉ đến khi bị dân phát giác, thì lời giải thích của ngành điện lại là “ghi nhầm số điện” cùng giải pháp” trừ vào tháng sau”. Giờ đây, mọi sai sót trong quản lý đều có thể truy nguồn vào “lỗi đánh máy”, “lỗi ghi nhầm”… thế là xong chuyện?!



Bên cạnh đó, việc tiền nước của các hộ gia đình từ Bắc chí Nam cũng bị tăng vọt một cách khó hiểu khiến người dân ngày càng ngao ngán cung cách phục vụ của hai “ông lớn” độc quyền này. Cho dù có xảy ra sự cố, khiếu nại ra sao thì kiểu gì phần đúng cũng thuộc về họ, bởi có ý kiến à, không đóng tiền chứ gì, thế thì… cắt luôn điện, nước, khỏi khiếu nại lằng nhằng. “Cái lý có chân” của ngành điện, nước nó là như thế.




Thiết Sơn