Chỉ làm việc cách nhà 20km nhưng mấy ngày gần đây Thơm chỉ ước khoảng cách đó tăng lên 200, 2000km để không phải về nhà. Bởi vì chị sợ những câu hỏi: Bao giờ lấy chồng? Bao giờ được ăn kẹo?...
Vuốt tóc mái để lộ ra khuôn mặt ưa nhìn, Thơm (sinh năm 1979, Hoài Đức, Hà Nội) cất giọng bất cần: "Năm ngoái, năm kia rồi đến cả 10 năm về trước, ai nhìn thấy cái mặt tôi đều hỏi đã có nguời yêu chưa. Họ cứ làm như trên cái mặt tôi dán chữ này vậy. Dù biết họ chỉ hỏi thăm, chúc Tết song vẫn cứ thấy khó chịu".
Đúng là với một cô gái đã "quá lứa lỡ thì", lại từng bị hủy hôn thì những lời hỏi thăm trên không khác nào xát muối vào lòng. Thơm khẳng định chị rất lận đận đường tình, từng yêu vài người nhưng không đến được với ai. Giáp Tết năm ngoái, chị đã chuẩn bị mọi thứ cho lễ cưới nhưng vào phút cuối lại bị nhà trai hủy hôn.
"Người đó kém tôi một tuổi, quen nhau qua mai mối. Yêu nhau được một thời gian, tôi nói đến chuyện cưới xin thì người đó bảo tôi có con rồi cưới. Nhưng lúc tôi mang thai chẳng may bị sẩy, họ trở mặt không cưới nữa", giọng Thơm trĩu xuống.
Đau khổ, tổn thương lại sợ nhìn thấy ánh mắt thương hại của mọi người, Thơm mới chọn cách ra đi cho khuây khỏa. Dù vậy, cứ nghĩ đến Tết về nhà, tụ họp đông đủ anh em trong gia đình, lòng chị lại dấy lên nỗi sợ hãi.
Thơm cho biết kể từ sau khi đám cưới của chị tan thành mây khói, anh chị em trong gia đình đều hằn học, to tiếng với chị. Bố mẹ không còn lòng tin và thường xuyên nói bóng gió. Hơn hết, người thân tự đặt cho mình nhiệm vụ kiếm chồng gấp cho chị.
"Mọi người đều xem tôi như cái gai nhất định phải nhổ, cố tìm bằng được đối tượng mai mối cho tôi. Chưa Tết mà mọi người đã nháo nhác gọi điện giục về rồi ra cái hạn chốt: 'Đám này được đó. Ra năm là phải cưới luôn', dù tôi chưa biết họ là ai với ai'", Thơm lắc đầu chán nản.
Tết đôi khi là thời điểm ám ảnh của những người cô đơn. Ảnh: Thestar.com.
Với chị Nga (36 tuổi, làm PR) thì đêm giao thừa là thời gian buồn nhất trong năm. Những ngày lễ Tết không khác nào địa ngục. Chị nói: "Ngày Tết không buồn cũng không vui, không cô quạnh nhưng lại rất cô đơn".
Chị Nga cho biết, 4 năm từ cái ngày chồng đi theo người phụ nữ khác, đêm giao thừa nào chị cũng ôm con giấu đi những giọt nước mắt. "Tim tôi rụng rời khi nghe tiếng chuông đầu năm mới, chân tay tê dại, đầu ong lên khi từng tràng pháo nở hoa. Trong lúc người người hạnh phúc nhất thì tôi thu lu một mình trong góc thấm thía nỗi cô đơn. Một tiếng cười giòn tan lúc ấy là quá xa xỉ mà tôi dù có làm việc cật lực cả năm cũng không mua được cho con", chị Nga xúc động.
Có lẽ vì quá đau khổ mà chị trở nên ích kỷ khi nói rằng ghen ghét với tất cả những mái ấm khác. Dù vào ngày này hai mẹ con chị đã về nhà ngoại ăn Tết hay đưa con đi xem phim, công viên nhưng chỉ cần nhìn thấy cảnh vợ chồng, con cái người khác nắm tay nhau trên phố hay một đôi uyên ương nào đó nhìn nhau đắm đuối thì nỗi buồn trong chị lại dấy lên. "Tôi chỉ biết ngẩn ngơ, rất khao khát nhưng một khi con tim đã đau thì đâu còn dám mở", chị giãi bày.
Chị Nga tiết lộ chị từng tự hào vì có một người chồng biết kiếm tiền lại yêu chiều vợ con. Nhưng rồi vào những ngày giáp Tết cách đây 4 năm chị bàng hoàng phát hiện chồng có người phụ nữ khác. "Cái chính chuyên vợ chồng trong tôi bị xúc phạm, tôi ghê tởm con người đã ăn ngủ với mình cùng đêm. Vì lẽ đó mà ly hôn diễn ra nhanh chóng, để rồi giờ đây tôi có ôm hận cũng không được nữa", chị hối tiếc nói.
Vì tổn thương sâu sắc trên mà ngần ấy năm trôi qua chị vẫn chưa lấy lại được sự vui vẻ như xưa. Tết này, chị Nga dự định sẽ "đổi gió" cho hai mẹ con. "Tôi đã đặt vé máy bay đi du lịch với hội độc thân. Địa điểm là Sài Gòn cho nắng ấm", chị Nga cố mỉm cười.
Tưởng đâu cô đơn ngày Tết chỉ có ở phụ nữ nhưng nhiều anh thuộc phái mày râu cũng phải chịu áp lực này. Cường (32 tuổi kĩ sư xây dựng, quê Bắc Ninh) cao to, nam tính nói rằng mọi năm anh khao khát về Tết nhưng năm nay thì ngược lại, anh sợ.
Cường kể, anh thực sự hiểu cảm giác cô đơn trong ngày Tết từ năm ngoái, khi anh về quê và được tận mắt chứng kiến những bạn bè cùng trang lứa với mình đã có con bồng, con bế.
"Tôi giật mình như người vừa ngủ mơ tỉnh giấc khi thấy tất cả đám bạn tôi đã yên bề gia thất và tôi thì lại đang đi chơi với mấy cậu choai choai. Đi đâu cũng phải bám đuôi bọn nó nhưng khi nói chuyện thì thấy mình lạc lõng vô cùng", Cường kể.
Chàng kĩ sư này tiếp, bước vào nhà là bị giục "Cưới vợ đi", ra khỏi nhà cũng bị nói câu đó. Đám bạn gái thì nửa đùa, nửa thật "Kiểu này Cường phải đi kiểm tra lại giới tính". Một cậu bạn thân vỗ vai tỏ vẻ cảm thông "Tôi hỏi thật súng ống của ông có làm việc được không, ngắn hay dài, chạy được bao lâu thì hết"...
Theo Cường, anh không hề thấy cô đơn hay tủi thân vì không có bạn gái mà chỉ thấy tiếc nuối vì lý do này mà những ngày Tết trở nên phiền phức và thấy mình lạc lõng khi đi chơi với lớp đàn em kém hơn cả chục tuổi.
"Ở quê tôi họ cứ làm như chuyện vợ con là nhu cầu cần là có không bằng mà cứ thấy tôi ló mặt ra là hỏi. Ngay cả câu chúc trong mâm rượu đầu xuân cũng là chúc sang năm có người yêu mới tức chứ. Tôi đang dự định năm nay sẽ dẫn một cô bạn về nhà giả làm bạn gái, hoặc có thể nghĩ ra vài kế gì đó để mọi người hết hỏi thăm ví như trốn biệt trong nhà", Cường kết lại.
Theo chuyên gia tâm lý Văn Thanh Sĩ - Tổng đài 1088, hiện nay tỷ lệ người độc thân rất cao có thể là do chính họ lựa chọn cách sống này hoặc có thể là do một lý do nào đó mà họ chưa có được hạnh phúc cho mình.
"Bình thường vì gánh nặng cơm áo gạo tiền có thể người độc thân sẽ ít cảm thấy bị cô đơn, tủi thân. Nhưng Tết đến, mùa sum vầy cũng về, đâu đâu cũng có cảnh gia đình hạnh phúc bên nhau. Chính cái không gian, thời gian này làm người độc thân cô đơn hơn bao giờ hết. Và những câu hỏi thăm, chúc tụng về gia đình, vợ con vô tình như xát muối vào tim họ", chuyên gia Văn Thanh Sĩ phân tích.
Theo ông Sĩ, vào những dịp lễ, Tết, người độc thân không nên giam mình trong 4 bức tường mà hãy ra bên ngoài, hòa mình vào đám đông cùng vui vẻ với những người chung hoàn cảnh với mình để vơi đi nỗi buồn.
Thêm vào đó, số đông chúng ta hãy tế nhị hơn khi giao tiếp với người cô đơn. Đừng nên tách bạch người đã có gia đình với người độc thân bởi đôi khi người có gia đình còn đang chịu sự tủi thân, cô đơn gấp bội. "Vẫn biết rằng ngày Tết chúng ta gặp nhau không thể thiếu những lời hỏi thăm, chúc tụng nhưng cũng cần chú ý lựa từng đối tượng để có lời chúc hay thăm hỏi hợp lý, tránh đụng vào nỗi đau của người đó", nhà tâm lý khuyên.