Rơm rớm nước mắt nhìn ra cánh đồng muối giờ trắng xóa một màu nước sau cơn bão cuối mùa khô, diêm dân Trần Công Khanh trút cơn hờn dỗi vào tôi đứng bên: “Tiêu hết rồi, còn hỏi gì nữa nhà báo ơi!”.


Đắng lòng diêm dân


Là Đội trưởng Đội 7, HTX Diêm Điền, xã Điền Hải, huyện Đông Hải (Bạc Liêu) anh Khanh hơn ai hết biết rất rõ nỗi khổ của trên 170 xã viên của HTX bị tổn thất liên tiếp do mưa trái mùa rồi nối tiếp cơn bão số 1. Như sợ tôi phiền lòng, anh phân bua: “Đầu vụ, muối vừa kết tinh thì trời mưa. Công sức anh em bỏ ra coi như tiêu tan.


Nỗi lo thời tiết cùng thông tin nhập muối luôn đè nặng trên đôi vai diêm dân Bạc Liêu.



Giữa tháng 3 mới thu hoạch được vài đợt thì bị mưa như trút nước. Kế tiếp lại hứng chịu cơn bão giữa mùa khô. Hỏi anh làm sao mà bình tĩnh cho được”. Nước kết tinh thành muối. Nước làm muối trở lại với... nước. Cái điệp khúc nước – muối ấy nó đau xót như nước muối rắc vào vết thương lòng của diêm dân huyện Đông Hải.


Ông Nguyễn Thanh Tâm - xã viên HTX - nói như than: “Hôm trước nắng như đổ lửa, chúng tôi cào muối mà mát trong bụng bởi đây là đợt đầu tiên sau những cơn mưa nhẹ đầu vụ. Vậy mà hôm nay cánh đồng trắng xóa một màu nước”. Ông trời dường như không thương kẻ khó. Vụ muối năm 2012 muộn hơn 2 tháng so với mọi năm do thời tiết bất thường.


Cuối tháng 2, đầu tháng 3 những cần xé muối đầu tiên được diêm dân vác chất lên tu. Ai cũng hy vọng mùa muối muộn sẽ có giá đủ bù đắp những lần “muối chìm” trong mưa. Nhưng diêm dân khốn khổ lại bị một “trận mưa khác”: Bộ Công Thương cho nhập muối, 53.000 tấn đợt đầu! “Trận mưa ăn theo” lập tức ập đến: Thương lái yêu sách giá giảm! Giá muối tụt xuống 100 đồng/kg, hiện chỉ còn 700 đồng/kg muối đen và 1.000 đồng/kg muối trắng!


Liên tiếp từ ngày 23 - 25.3, tại các địa phương ven biển phía nam mưa như trút nước. Những cơn mưa trái mùa cay nghiệt làm những hạt muối vừa mới kết tinh tan thành nước. Cánh đồng muối Diêm Điền mênh mông là nước, là gió. Những con sóng nhấp nhô đập vào bờ ranh như những nhát dao cứa vào lòng diêm dân.


Ông Nguyễn Văn Đẳng - xã Diêm Điền, sản xuất hơn 2ha muối vừa mới thu được trên 300 giạ vẫn chưa đủ tiền chi phí đầu tư, nay mưa đã cướp đi thành quả lao động tưởng chừng như đã đến hiên nhà - than: “Tôi có 7 công đất làm muối, đi vay hết 5 triệu đồng để đầu tư hồi trước tết.


Sau tết, trời mưa hoài nên chẳng thu được gì lại phải vay tiếp 3 triệu nữa. Đầu tháng 3 mới thu được 700kg muối, chưa bán được gì nay trời lại mưa làm tiêu tan hết. Hiện tại không biết lấy đâu ra 7 triệu đồng để trả cho người ta”. Những cơn mưa trái mùa đã nhấn chìm hàng trăm hécta muối của diêm dân.


Nhiều diêm dân nuôi hy vọng “sau cơn mưa trời lại nắng”, nhưng trước sự “đỏng đảnh” của thời tiết làm cho họ tiêu tan niềm hy vọng. Đó là cơn bão số 1 đến từ rất sớm trong năm 2012. Do ảnh hưởng của cơn bão số 1, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đều có mưa. Những cơn mưa dầm thật sự cuốn sạch hy vọng của 3.600 hộ diêm dân tại đây cho một mùa muối đầy bất trắc.


Ông Nguyễn Văn Út - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở NNPTNT Bạc Liêu - cho biết: “Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có 2.800ha muối bị thiệt hại 100%, ước tính có đến gần 30.000 tấn muối của diêm mất trắng. Chịu nhiều thiệt hại nhất là huyện Đông Hải, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hoàn Bình”.


Thăng trầm nghề muối



Nghề làm muối tại Bạc Liêu đã hình thành trên 100 năm nay. Lúc trước, muối được xem là nghề truyền thống của người dân ven biển. Thời Pháp thuộc, muối được xem là nghề quốc cấm. Chính hạt muối Bạc Liêu vô tình làm giàu cho những quan chức sở tại lúc bấy giờ, trong đó có ông hội đồng Trần Trinh Trạch - thân sinh của công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy. Theo tài liệu còn lưu, ông hội đồng Trần Trinh Trạch là người sở hữu nhiều diện tích muối nhất Nam Kỳ với trên 10.000ha.


Sau năm 1975, Bạc Liêu vẫn còn trên 15.000ha sản xuất muối dưới dạng HTX nông nghiệp. Giai đoạn những năm 1980, sản xuất muối vẫn được xem là nghề truyền thống và do Sở Công nghiệp quản lý. Từ 1997, Sở NNPTNT tiếp quản hoạt động sản xuất muối. Và trớ trêu là khi đất làm muối được giao cho hộ gia đình, tất cả diện tích đất sản xuất đều không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông Nguyễn Văn Út cho biết: “ Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho diêm dân rất chậm. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc đầu tư cho diêm dân và diêm dân rất khó tiếp cận với vốn vay”.


Do ảnh hưởng của thời tiết, nghề làm muối tại Bạc Liêu giảm dần từ 6 tháng xuống còn 4 tháng trong năm. Tận dụng diện tích không sản xuất muối được vào mùa mưa, diêm dân lên bờ bao muôi cá, nuôi tôm trên đất sản xuất muối. Mô hình muối – tôm, muối – cá kèo được hình thành. Theo TS Nguyễn Xuân Khoa - Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư - khuyến nông tỉnh Bạc Liêu - mô hình sản xuất muối kết hợp cho thu nhập trung bình 50 - 60 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, mức thu này không bền vững, cả đối với sản xuất muối và nuôi tôm, chính vì vậy hầu hết diêm dân đều có cuộc sống khó khăn.


Các nhà khoa học đang tìm một mô hình bền vững cho nghề muối tại Bạc Liêu, trong khi đó dường như các nhà quy hoạch lại đi những bước ngược lại. Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chính thức của Bạc Liêu đến năm 2015 tầm nhìn 2020 chỉ giữ ổn định diện tích sản xuất muối ở mức 2.500ha, nghĩa là giảm so với hiện tại đến 800ha.


Lý giải về điều này, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu cho rằng, nghề làm muối Bạc Liêu luôn gặp nhiều khó khăn. Sản lượng muối Bạc Liêu hằng năm lên đến trên 200.000 tấn, trong khi chưa chủ động được đầu ra nên quy hoạch lại theo hướng giảm diện tích nhưng đảm bảo được sản lượng.


Sẽ chưa hết... đắng



Cách đây hơn 10 năm, Bạc Liêu đã tính toán chuyện nâng cao chất lượng hạt muối. Đó là dự án nâng cao cánh đồng muối huyện Đông Hải. Lúc đầu dự án thuộc Bộ NNPTNT, rồi sau đó bàn giao cho TCty Lương thực Miền Bắc. Dự án có tổng mức đầu tư 31 tỉ đồng tại xã Long Điền Tây, nay là xã Điền Hải với quy mô trên 1.000ha.


Sau nhiều năm triển khai, dự án dừng lại ở việc xây dựng 2 trạm bơm nước rồi bỏ hoang và đào kênh thủy lợi trong điều kiện chưa ăn thông ra kênh rạch bên ngoài nên đã cạn từ rất lâu. Ông Nguyễn Trường Hận - Trưởng phòng NNPTNT huyện Đông Hải - phân trần: “Dự án của bộ, địa phương không được tham gia. Tuy nhiên, ngay từ đầu chúng tôi đã có ý kiến việc xây dựng hai trạm bơm trong điều kiện không có đường thủy lợi là lãng phí, nhưng không được chấp nhận. Hiện nay dự án này gần như không phát huy tác dụng”.


Ông Nguyễn Văn Đàng - Chủ tịch UBND xã Điền Hải, nơi có dự án - cho biết: “Theo những người làm dự án, có đến trên 500 hộ dân làm muối được hưởng lợi. Nhưng từ khi triển khai (năm 2000) đến nay vẫn chưa phát huy tác dụng, trong khi người dân có đất trong dự án không được sang bán, làm giấy chủ quyền. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho địa phương”. Diêm dân và chính quyền địa phương đợi chờ trong vô vọng. Họ hoài nghi về tính khả thi của dự án là điều có thật.


Nhằm xây dựng thương hiệu cho hạt muối Bạc Liêu, Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh đã điều tra, tiến tới xây dựng chỉ dẫn địa lý. Cuối năm 2010, muối Bạc Liêu chính thức được cấp chỉ dẫn địa lý – một bước quan trọng để tiến tới xây dựng thương hiệu. Và cũng từ đó đến nay, chưa ai đứng ra hướng dẫn diêm dân làm thương hiệu. Mà kể cả có thương hiệu như “Công ty muối iốt Bạc Liêu”, thì việc tiêu thụ muối cũng không dễ dàng. Nhà máy sản xuất muối tinh chất lượng cao đặt tại Bạc Liêu có công suất 10.000 tấn/năm, nhưng mua nguyên liệu cầm chừng do đầu ra khó khăn.


Kể cũng lạ, Bạc Liêu có diện tích muối lớn nhất cả nước - kể cả diện tích, sản lượng và không thiếu tôm. Song sản phẩm muối tôm nức tiếng cả nước thuộc về tỉnh Tây Ninh. Các cơ sở sản xuất muối tôm thuộc huyện Trảng Bàng, Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh xuống tận Bạc Liêu mua muối, mua tôm về làm muối tôm bán khắp cả nước. Bạc Liêu thì không. Sự trớ trêu này khiến cho diêm dân Bạc Liêu thêm đắng lòng.


Dự báo một mùa muối 2012 đầy khó khăn, bất trắc đã thành sự thực. Cơn bão cuối mùa khô đã làm diêm dân giật mình. Họ sẽ còn tiếp tục đối mặt với khó khăn khi công tác dự báo sản lượng muối liên tiếp mắc sai lầm. Có ai dám cam đoan rằng Bộ Công Thương sẽ không cho nhập muối trong khi muối trong nước còn đầy đồng.


Người ta đổ cho diêm dân chậm đổi mới, làm muối theo kiểu truyền thống, chất lượng thấp, nhưng có ai hiểu rằng một thời gian rất dài nghề làm muối được khuyến khích là “nghề truyền thống”. Mà đã là truyền thống thì phải giữ. Sự đổ lỗi này xem ra còn đắng hơn cả những hạt muối trên đồng mặn.



Nhật Hồ



http://laodong.com.vn/Tin-Tuc/Muoi-oi/80635