Bước nhảy vọt chưa từng thấy lên 38,5 độ C ở Nam Cực là điềm báo về thảm họa xảy ra với con người và hệ sinh thái lục địa.
Vào ngày 18/3/2022, các nhà khoa học ở trạm nghiên cứu Concordia trên cao nguyên phía Đông Nam Cực đã ghi nhận sự kiện đáng chú ý: nhiệt độ nhảy vọt lên 38,5 độ C - mức cao nhất từng được đo tại một trung tâm khí tượng trên Trái Đất và có thể xem là kỷ lục thế giới.
Mức nhiệt gây sửng sốt ở nơi lạnh nhất thế giới đã khiến các nhà nghiên cứu vùng cực phải vật lộn để tìm từ ngữ mô tả nó, theo The Guardian.
"Nó đơn giản là đáng kinh ngạc. Ở nhiệt độ dưới 0 độ C, bước nhảy vọt lớn như vậy có thể chấp nhận được. Song, nếu chúng ta có mức tăng 40 độ C ở Anh như bây giờ thì điều đó sẽ khiến nhiệt độ một ngày mùa xuân vượt ngưỡng 50 độ C và gây tử vong", giáo sư Michael Meredith, nhà khoa học lãnh đạo tại British Antarctic Survey, bày tỏ.
Tương tự, giáo sư Martin Siegert chuyên nghiên cứu sông băng của Đại học Exeter (Anh) cũng phải thốt lên: "Không ai nghĩ rằng một điều như thế này có thể xảy ra. Đó là điều bất thường và là mối quan tâm thực sự. Nói cách khác, chúng ta đang phải đối mặt với sự kiện chưa có tiền lệ".
Nam Cực "đầu hàng"
Theo các nhà khoa học, những cơn gió hướng về địa cực - trước đây ít xâm nhập vào bầu khí quyển phía trên Nam Cực - hiện mang theo ngày càng nhiều không khí ấm, ẩm từ các vĩ độ thấp hơn (bao gồm Australia) rồi tiến sâu vào lục địa. Điều này gây nên "đợt nắng nóng" dữ dội tấn công Concordia, song lý do không khí nóng có thể xâm nhập không phận của lục địa vẫn chưa rõ ràng.
Tuy nhiên, các nhà khoa học phát hiện rằng sự gia tăng nhiệt độ không phải sự kiện đơn lẻ. Hai năm qua, họ đã "ngập" trong lượng báo cáo ngày càng tăng về khí tượng bất thường ở Nam Cực. Chẳng hạn, một khối lượng lớn sông băng giáp với dải băng phía Tây Nam Cực tan chảy và sụp đổ xuống đại dương, trong khi mức độ băng biển trôi nổi trên đại dương xung quanh lục địa đã giảm đáng kể.
Chim cánh cụt trên một tảng băng nhỏ ở Nam Cực. Ảnh: Irish Times/David Merrion.
Những sự kiện trên đã làm dấy lên lo ngại rằng Nam Cực, từng là nơi lạnh lẽo đến mức không dễ bị ảnh hưởng bởi tác động ban đầu của sự nóng lên toàn cầu, giờ đây phải "đầu hàng" trước nồng độ khí nhà kính không ngừng thải ra khí quyển.
Những mối nguy hiểm này đã được nhấn mạnh bởi một nhóm các nhà khoa học, dẫn đầu là Will Hobbs của Đại học Tasmania (Australia), trong bài báo trên Journal of Climate vào tuần trước.
Sau khi kiểm tra những thay đổi gần đây về độ bao phủ băng biển ở Nam Cực, nhóm kết luận đã có "sự chuyển đổi quan trọng đột ngột" trong khí hậu của lục địa, có thể gây hậu quả cho cả hệ sinh thái Nam Cực lẫn khí hậu toàn cầu.
"Mức băng biển Nam Cực cực thấp đã khiến các nhà nghiên cứu kết luận như vậy và chúng tôi đã tìm thấy nhiều bằng chứng cho sự thay đổi sang một trạng thái băng biển mới", Hobbs nói.
Giáo sư Michael Meredith bổ sung: "Độ bao phủ băng biển ở Nam Cực thực sự tăng nhẹ vào cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI. Tuy nhiên, vào giữa thập kỷ trước, nó đã giảm không phanh. Đó là điềm báo về vùng đất mới với hệ thống khí hậu Nam Cực, và có thể rất rắc rối cho khu vực và phần còn lại của hành tinh".
Nam Cực đang "bắt kịp" Bắc Cực - nơi chịu tác động của sự nóng lên toàn cầu với trải nghiệm dữ dội nhất hành tinh. "Bắc Cực nóng lên với tốc độ gấp 4 lần phần còn lại của hành tinh. Nhưng Nam Cực đã bắt đầu theo kịp khi ấm lên nhanh gấp đôi so với hành tinh nói chung", giáo sư Martin Siegert nói.
Lý do chính khiến Bắc Cực và Nam Cực chịu tác động không cân xứng từ sự nóng lên toàn cầu là các đại dương trên Trái Đất đang mất lớp băng biển ở các cực của chúng. Vùng nước tối từng nằm dưới lớp băng dần bị phơi bày và bức xạ mặt trời không còn phản xạ trở lại không gian. Thay vào đó, nó đang bị biển hấp thụ, làm nóng thêm các đại dương ở đó.
"Về cơ bản, đó là một vòng luẩn quẩn của đại dương ấm lên và băng biển tan chảy, mặc dù nguyên nhân gốc rễ liên quan đến nhân loại và việc tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch, sản xuất khí nhà kính. Chúng ta phải chịu trách nhiệm cho toàn bộ chuyện này", Meredith nói.
Hiệu ứng Domino
Nếu tất cả băng ở Nam Cực tan chảy, mực nước biển trên toàn cầu sẽ tăng lên hơn 60 m. Các hòn đảo và vùng ven biển - nơi có nhà cửa của phần lớn dân số thế giới - sẽ rơi vào cảnh ngập lụt.
Tuy nhiên, ngày tận thế khó có thể xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn. Dải băng ở Nam Cực bao phủ 14 triệu km2, gần bằng diện tích Mỹ và Mexico cộng lại, và chứa khoảng 30 triệu km3 băng - khoảng 60% nước ngọt của thế giới. Lớp phủ rộng lớn này che giấu một dãy núi cao gần bằng dãy Alps, vì vậy sẽ mất một thời gian rất dài để nó tan chảy hoàn toàn, các nhà khoa học cho biết.
Dẫu vậy, mối nguy hiểm thực sự là mực nước biển sẽ dâng đáng kể trong vài thập kỷ tới khi tảng băng và sông băng ở Tây Nam Cực tiếp tục thu hẹp. Nếu chúng biến mất hoàn toàn, mực nước biển sẽ dâng lên 5 m - đủ để gây thiệt hại cho các quần thể ven biển trên khắp thế giới. Thảm họa này xảy ra nhanh như thế nào rất khó để đánh giá.
Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu dự đoán mực nước biển có khả năng tăng từ 0,3 m đến 1,1 m vào cuối thế kỷ này. Trong quá khứ, những người phủ nhận biến đổi khí hậu cáo buộc các nhà khoa học phóng đại mối đe dọa của sự nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, bằng chứng ngày càng lộ rõ ở Nam Cực và các nơi khác trên thế giới - mốt đe dọa mà nhân loại đang phải đối mặt không nên bị đánh giá thấp.
Băng tan ở Nam Cực ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều loài sinh vật. Ảnh: Al Jazeera.
"Trong quá khứ, chúng tôi đã gặp vấn đề khi lấy dữ liệu thời tiết, hệ sinh thái ở Nam Cực bởi lục địa này xa xôi hơn phần còn lại của thế giới. Báo cáo của chúng tôi tương đối ngắn, nghĩa là các mô hình khí hậu do chúng tôi tạo ra đa phần dựa trên dữ liệu ít ỏi. Chúng không thể nắm bắt tất cả khía cạnh vật lý, hóa học và sinh học. Chúng có thể đưa ra những dự đoán mạch lạc nhưng không thể nắm bắt những thái cực mà chúng ta bắt đầu quan sát", các nhà khoa học cho biết.
Những tai ương mà Nam Cực phải đối mặt không đơn thuần là vấn đề của con người, mà còn là tác động sinh thái nghiêm trọng đe dọa lây lan qua chuỗi thức ăn.
Ví dụ, tảo biển phát triển bên dưới và xung quanh băng biển phía Tây Nam Cực đang dần biết mất khi trở thành thức ăn của nhuyễn thể - loài giáp xác biển nhỏ bé lại là con mồi của cá, chim cánh cụt... "Nếu nhuyễn thể biết mất sau tảo, chuỗi thực ăn sẽ bị gián đoạn", Giáo sư Kate Hendry tại British Antarctic Survey cho biết.
Chưa kể, tảo và nhuyễn thể là hai sinh vật đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu CO2. Khi tảo hấp thụ CO2, nhuyễn thể ăn tảo và bài tiết để CO2 chìm xuống đáy biển rồi ở lại đó. Số lượng tảo và nhuyễn thể giảm đồng nghĩa rằng CO2 sẽ ở gần mặt biển, từ đó dễ dàng trở lại khí quyển.
Như vậy, mọi thứ hoạt động theo kiểu "băng chuyền" và khi một "mắt xích" trục trặc, nỗ lực chống biến đổi khí hậu có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Giáo sư Kate Hendry nhận định đây là "một kịch bản đáng sợ" mà nhân loại đang phải đối mặt.
Chim cánh cụt hoàng đế dần biến mất trước sự biến đổi khí hậu và môi trường sống ở Nam Cực. Ảnh: Oceanwide.
Một nạn nhân khác của sự nóng lên đột ngột, thảm khốc đã bao trùm lục địa là "cư dân" mang tính biểu tượng: chim cánh cụt hoàng đế.
Năm ngoái, băng biển nơi mà chúng được sinh ra đã bắt đầu nứt vỡ trước khi chim cánh cụt con mọc lông chống thấm nước. Do vậy, chim cánh cụt hoàng đế đã ngừng sinh sản vì không muốn con non chết đuối hàng loạt.
Nhiều nhà nghiên cứu dự đoán hơn 90% chim cánh cụt sẽ bị "xóa sổ" vào cuối thế kỷ này, nếu xu hướng nóng lên toàn cầu tiếp tục với tốc độ thảm khốc hiện tại.
Với tất cả "kịch bản" trên, cuộc khủng hoảng khí hậu tại Nam Cực có những tác động lan rộng đến hơn 40 quốc gia trên thế giới. Họ đã ký kết giao thức môi trường của Hiệp ước Nam Cực để bảo vệ lục địa này khỏi một loạt các mối đe dọa khác nhau, với suy thoái môi trường sống là một trong những vấn đề quan trọng nhất.
Song, vấn đề chưa được giải quyết tận gốc và sẽ cần những cuộc họp đầy thách thức tại Liên Hợp Quốc trong những năm tới.
https://quanly.moitruongvadothi.vn/6/27489/Loi-canh-bao-soc-toi-toan-Trai-Dat.aspx
https://znews.vn/loi-canh-bao-soc-toi-toan-trai-dat-post1491979.html