Loài tôm hùm “bất tử” giúp kéo dài tuổi thọ con người


7:15, 08/10/2013

















Nhà sinh học Simon Watt.





































Mặc dù tôm hùm vẫn có thể chết do bệnh hay thương tổn, song chúng rất hãnh diện vì có thể né tránh được sự nghiệt ngã của thời gian khiến chúng trở nên "bất tử về mặt sinh học". Các nhà nghiên cứu đang cố gắng xác định xem yếu tố gì khiến cho tôm hùm "trẻ mãi không già". Họ tin rằng, một enzyme gọi là "telomerase" giúp trẻ hóa các tế bào một cách vô hạn định.


Cơ chế này hiệu quả đến mức tôm hùm sống được đến 60 hay 70 năm mà vẫn sinh sản và mạnh khỏe như các loài khác. Nếu có thể sao chép enzyme này để sử dụng cho con người, thì điều đó có thể dẫn đến sự khám phá phương cách để ngăn chặn hoàn toàn tiến trình lão hóa.


Đối với giới khoa học, loài tôm hùm đang nắm giữ bí mật của cuộc sống trường thọ, mạnh khỏe hay thậm chí có thể nói là gần như "bất tử". Trong khi con người mắc phải nhiều chứng bệnh như viêm khớp, mất trí nhớ v.v… do tuổi tác thì tôm hùm dường như được miễn dịch hoàn toàn với sự tàn phá của thời gian sau mỗi lần thay vỏ mới. Tôm hùm có đặc điểm là các tế bào của nó không bị tàn phá tuổi tác.


Nếu nắm rõ được cơ chế "bất tử hóa về mặt sinh học" của tôm hùm, các nhà khoa học hy vọng sẽ giải mã được vấn đề tuổi tác tác động đến con người như thế nào và từ đó tìm ra những phương pháp điều trị mới cho các bệnh như là ung thư, thậm chí có thể kéo dài thêm tuổi thọ cho con người.


Tại sự kiện Festival Khoa học Anh (BSF) diễn ra tại thành phố Newcastle, nhà sinh học Simon Watt nhận định: "Dĩ nhiên, tôm hùm vẫn phải chết, bệnh tật, bị thương tổn hay bị xử lý trong... nhà bếp. Song, không giống như con người - chúng không bị giết chết do chính cơ chế bên trong cơ thể của chúng!".


Theo khoa học phần lớn các tế bào người chỉ có thể tự sao chép 50 đến 60 lần trước khi chúng chết hẳn. Lý do của cái chết "được báo trước" này nằm trong các nhiễm sắc thể của chúng ta. Đoạn cuối của mỗi nhiễm sắc thể được bảo vệ bằng một mỏm gọi là telomere. Có thể hiểu telomere tương tự như phần nhựa bịt đầu sợi dây buộc giày để tránh bị xé tưa ra. Và, mỗi lần tế bào phân chia thì đoạn telomere sẽ bị ngắn đi một ít. Cuối cùng - sau 50 lần phân bào hay hơn số đó - telomere sẽ trở nên quá ngắn không thể bảo vệ được toàn bộ nhiễm sắc thể và thế là cái chết của tế bào xuất hiện!


Tiến trình này cũng diễn ra tương tự ở hầu hết mọi loài - từ ếch, dê, cho đến ngựa vằn và chim ruồi. Nhưng, điều đáng ngạc nhiên là ở loài tôm hùm, mọi chuyện diễn ra khác hẳn! Cụ thể là loài này sản xuất đủ lượng enzyme gọi là telomerase giúp thay mới các mỏm ADN bảo vệ và từ đó ngăn ngừa tế bào chết đi.









Tôm hùm khổng lồ được cho là sống đến hơn 100 năm.


Song, tôm hùm không phải là sinh vật duy nhất có đặc điểm "bất tử về mặt sinh học" mà còn có loài trùn thân dẹt gọi là turbellaria. Cũng giống như một số siêu anh hùng trong truyện tranh, trùn có thể tái sinh hoàn toàn các phần thân thể bị mất của chúng! Ví dụ, thử cắt đôi thân trùn turbellaria thì nó sẽ biến thành hai con trùn khác nhau hoàn toàn khỏe mạnh! Giống như tôm hùm, trùn turbellaria sử dụng telomerase để bảo vệ ADN của chúng và ngăn ngừa cái chết của tế bào. Nhưng yếu tố cực kỳ quan trọng là đoạn thứ 5 trên thân của chúng được tạo thành bởi các tế bào gốc, tức loại tế bào chủ có thể biến thành bất cứ dạng mô nào.


Phần lớn các loài chỉ có một số rất nhỏ các tế bào gốc nằm ẩn trong cơ thể. Một số loài vật không chỉ chặn đứng được tiến trình lão hóa mà còn có thể quay ngược thời gian để trẻ lại! Khi Turritopsis nutricula - hay "sứa bất tử" - đạt đến tuổi trưởng thành, nó sẽ biến đổi cấu trúc các tế bào cơ thể và quay trở lại giai đoạn "vị thành niên", hay dạng non nớt về mặt sinh sản.


Để so sánh, con người khi chạm đến ngưỡng sinh nhật lần thứ 20 thì cơ thể sẽ "tự động" quay trở lại giai đoạn 8 tuổi một lần nữa! Không những vậy, loài sứa còn lặp đi lặp lại chu kỳ này một cách vô hạn định.









Loài trùn turbellaria cũng bất tử tương tự như tôm hùm.


Nhiều loài bất tử sinh sản vô tính, thế nên nhà sinh học Simon Watt tin rằng, cái chết có thể là cái giá phải trả đối với các loài sinh sản hữu tính, trong đó dĩ nhiên có con người chúng ta, bởi vì điều đó cho phép tiến trình tái tổ chức các gen diễn ra ở thế hệ tiếp theo. Nói khác đi, cái chết giúp cho thế hệ sau trở nên mạnh khỏe hơn, dẻo dai hơn, chống chọi với bệnh tật hiệu quả hơn thế hệ trước đó. Nhưng, nếu cái chết có lợi ích riêng thì sự thách thức cái chết của tôm hùm cũng sẽ giúp khoa học khám phá một điều gì đó quan trọng. Nghiên cứu telomerase sẽ dẫn đến việc tìm ra các phương thuốc mới chữa trị bệnh ung thư.


Một lý do khiến cho các tế bào ung thư phân chia không thể kiểm soát được là bởi vì chúng trở nên bất tử nhờ telomerase. Do đó, các loại thuốc khắc chế telomerase ở phần cơ thể nơi khối u ung thư phát triển đang được thử nghiệm lâm sàng. Ngoài ra, cũng có khả năng các nhà khoa học sẽ tìm ra cách sử dụng telomerase để ngăn chặn "cái chết được báo trước" của tế bào nhằm kéo dài thêm cuộc sống của con người. Hiện nay, các nhà nghiên cứu đang bắt đầu nghiên cứu các phương cách đưa telomerase trong tế bào người vào ống nghiệm.


Thế nhưng, sự can thiệp vào cái chết tế bào "được báo trước" có thể gặp nguy cơ. Hành động kéo dài thêm cuộc sống của các tế bào có thể khiến chúng tăng nguy cơ bị các tổn hại dạng khác. Tế bào càng phân chia thêm nhiều lần nữa thì nguy cơ đột biến gen nguy hiểm tiềm ẩn nơi tế bào mới sinh ra càng cao hơn nữa. Ngoài ra, còn có vấn đề khác liên quan đến cuộc sống con người. Phần lớn trong chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc kéo dài được tuổi thọ.


Nhưng, liệu chúng ta có cảm thấy hạnh phúc khi được sống đến 200 hay 300 năm? Lúc đó, con người sẽ giải quyết như thế nào khi mà người cao tuổi trở nên quá đông đúc trên hành tinh?


Duy Minh


http://antg.cand.com.vn/vi-VN/ktvhkh/2013/10/81729.cand