Không dám sinh con vì lương thấp


- “Nếu sinh con ra trong lúc nghèo khó này sẽ làm khổ con, không được nuôi dưỡng ăn học đàng hoàng. Rồi cả đời mình lẫn đời con đều trở nên nheo nhóc, khổ sở. Vợ chồng tôi dù thèm khát một đứa trẻ nhưng đành cố nín nhịn, đợi tích cóp được ít vốn đã rồi mới dám nghĩ đến chuyện này”.


>> Làm Nhà nước 23 năm, hưởng lương... 2 triệu


Cuộc sống khó khăn và bấp bênh đã khiến những công chức trẻ đang nhận mức lương còm từ cơ quan Nhà nước e dè trước chuyện lập gia đình, thậm chí lập gia đình rồi cũng chưa dám sinh con ngay vì sợ đuối sức.



Đắn đo lấy vợ, sinh con



Làm công chức đã 10 năm kể từ ngày ra trường, đến nay anh Quang (là chuyên viên phụ trách công nghệ thông tin tại một Bộ) vẫn chưa dám lập gia đình vì lương quá bèo bọt.



Qua 3 lần tăng bậc lương và cũng qua 3-4 lần tăng lương tối thiểu, hiện tại lương anh Quang mới nhúc nhích vượt lên 2,5 triệu đồng/tháng. Cộng thêm các loại phụ cấp (ăn trưa, v..v…) và tiền thu thập thêm mỗi tháng không quá 200 ngàn đồng, tổng “ngân sách” cá nhân của anh là 2,8 triệu đồng/tháng.



Cuộc sống khó khăn và bấp bênh đã khiến những công chức trẻ đang nhận mức lương còm từ cơ quan Nhà nước e dè trước chuyện lập gia đình, thậm chí lập gia đình rồi cũng chưa dám sinh con ngay vì sợ đuối sức - Ảnh minh họa: Nguồn Internet


Mỗi tháng, tổng chi tối thiểu của anh Quang (ở mức tiết kiệm nhất có thể) là 1,8-1,9 triệu/tháng. Phần còn lại (chưa tới 1 triệu đồng) được dành cho việc phòng thân, cưới hỏi hoặc việc đột xuất khác (đột xuất nhưng cũng rất thường xuyên!). Bố mẹ anh Quang cũng là cán bộ Nhà nước về hưu, hàng tháng vẫn phải chu cấp thêm cho con như thời đi học.



Anh Quang sau nhiều lần bị giục giã chuyện vợ con đã không dám về nhà nhiều. Anh rơi vào tình cảnh khá oái oăm: Nếu giải thích chưa muốn lập gia đình vì lương thấp không đủ sống thì anh Quang ái ngại, vì anh cũng được ăn học đàng hoàng, nay phải than thở chuyện cơm áo ở cái tuổi 30 thì anh không muốn. Nhưng nếu bỏ ra làm ngoài thì bố mẹ anh nhất quyết phản đối.



“Vì khi xin vào đây đã phải vất vả, tốn kém khá nhiều. Hai ông bà luôn có một niềm tự hào với gia đình, dòng tộc và hàng xóm láng giềng khi con cái là Đảng viên, là cán bộ Nhà nước. Nhưng ông bà sống ở nông thôn thuần túy, không thể hiểu hết những khó khăn đối với một người có thu nhập thấp, nhưng lại phải sống ở nơi đắt đỏ nhất nước”, anh Quang băn khoăn.



Bạn thân của anh Quang hiện đang công tác tại một tạp chí chuyên ngành, ngoài lương và phụ cấp khoảng gần 3 triệu thì anh này cũng không có thêm một nguồn thu nào khác. Cả 2 đều đang lâm vào tình cảnh giống nhau khi chưa dám lập gia đình dù tuổi đã chạm/vượt ngưỡng 30.



“Tôi còn chưa tự nuôi nổi mình thì không thể lo thêm cho người khác. Vì thế, dù cũng đã nghĩ đến chuyện lập gia đình rồi nhưng lần nào nghĩ xong tôi cũng chỉ biết thở dài”, anh Quang chia sẻ.



Cơ quan anh Quang là một Bộ lớn, vì thế có nhiều công chức trẻ đi học TS ở nước ngoài về lương cũng không cao hơn anh là bao. Rất may đối tượng đó phần nhiều đều đã có nhà cửa đàng hoàng, kinh tế gia đình khá giả nên việc hôn nhân mới “xuôi chèo mát mái”!



Dẫu vậy, anh Quang biết không thể đợi đến khi lương cao, đủ sống mới lấy được vợ, vì nếu đợi như vậy thì có thể anh sẽ không lập được gia đình. Cũng đã có những công chức năng động, tự tìm được “lối thoát”, anh Quang cho biết ở tuổi 32, anh cũng đang “lần mò” để tự tìm ra lối thoát cho mình.



Trong khi đó, có những công chức đã mạnh dạn hơn anh Quang khi quyết định lập gia đình. Nhưng cưới xong, cặp vợ chồng không dám sinh con vì sợ nuôi không nổi. Lý do là tổng lương của cả vợ lẫn chồng chỉ được chưa tới 4 triệu/tháng, lại phải ở nhà thuê đắt đỏ giữa Hà Nội.



“Nếu sinh con ra trong lúc nghèo khó này sẽ làm khổ con, không được nuôi dưỡng ăn học đàng hoàng. Rồi cả đời mình lẫn đời con đều trở nên nheo nhóc, khổ sở. Vợ chồng tôi dù thèm khát một đứa trẻ nhưng đành cố nín nhịn, đợi tích cóp được ít vốn đã rồi mới dám nghĩ đến chuyện này”, chia sẻ của một thành viên trên diễn đàn trực tuyến về câu chuyện lương công chức.



Kìm con uống sữa, chọn trường giá rẻ



2 vợ chồng cùng làm công chức và không có ai làm “sếp”, gia đình 2 bên lại không có điều kiện về kinh tế để có thể giúp đỡ nên vợ chồng anh Kiên (làm việc tại một nhà xuất bản) chật vật tự xoay bằng nhiều cách khác nhau.



“Tôi không nhìn thấy tương lai của mình. Về quê cũng không ổn vì không có việc gì làm. Còn ở lại thành phố đắt đỏ này, quả thật là một thách thức lớn đối với cả 2 vợ chồng" - Ảnh minh họa: Nguồn Internet.


Con đã 14 tháng nhưng anh Kiên không dám gửi ở trường tốt, vì học phí, tiền ăn uống đắt đỏ (dù biết tiền nào của nấy). 2 vợ chồng anh đã gửi con ở một nhà trẻ tư nhân gần nhà (và nhiều hộ gia đình đi thuê xung quanh cũng đang làm như anh). Tại nhà trẻ này, mỗi tháng anh chỉ mất tối đa khoảng 400 ngàn và người trông có thể giữ trẻ muộn hơn giờ hành chính.



Kể đến chuyện ăn uống của con là anh Kiên xót nhất: “Cháu còn nhỏ và mẹ phải cai sữa để đi làm nên ăn hoàn toàn sữa ngoài. Tôi cũng không dám mua sữa đắt, sữa ngoại (giá lên tới 400, 500 ngàn đồng/hộp) dù con đang tuổi ăn khỏe. Nhiều khi phải kìm con uống sữa bằng cách cho ăn nhiều bột, nhiều cháo lên để bù vào”.



Duy trì tình trạng này, vợ chồng anh Kiên không dám nghĩ đến chuyện sinh đứa thứ 2. Nhìn tình cảnh của mình, anh Kiên cảm thấy bất an và khá bi đát.



Lương thấp, vợ chồng anh phải đi thuê nhà. Anh muốn có cơ hội khác để bỏ việc Nhà nước ra làm bên ngoài thì cũng phải đầu tư cho việc học thêm (về chuyên môn lẫn ngoại ngữ). Có như vậy mới có thể hy vọng đồng lương sẽ cải thiện đáng kể. Nhưng không có tiền thì không học được. cái vòng luẩn quẩn đó khiến anh Kiên lâm vào cảnh bế tắc. Hơn nữa, làm lâu trong Nhà nước, anh Kiên đã mắc chứng “ì ạch” khó chữa.



“Tôi không nhìn thấy tương lai của mình. Về quê cũng không ổn vì không có việc gì làm. Còn ở lại thành phố đắt đỏ này, quả thật là một thách thức lớn đối với cả 2 vợ chồng. Bây giờ chúng tôi đang sống đúng kiểu “được đến đâu xâu đến đấy”, thậm chí, chưa được cái gì đã xâu trước mất rồi. Tôi hầu như không dám mơ về chuyện mua nhà, mua đất và chắc sẽ ở kiếp nhà thuê thế này nhiều nhiều năm nữa”, anh Kiên bộc bạch.



Cũng vì lý do trên mà anh Kiên cũng không tính toán gì nhiều cho tương lai. Mỗi khi có điện thoại ở quê gọi xuống hay bạn bè cũ gọi điện đi hội họp là anh Kiên “giật thót” mình.



“Cái sự túng thiếu nó làm mình trở nên tự ti, mặc cảm”, anh nói.



Cẩm Quyên


http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/4696/khong-dam-sinh-con-vi-luong-thap.html