Trong số bệnh nhân rubella vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương gần đây có không ít thai phụ. Có những chị bác sĩ phải tư vấn bỏ thai.
Có đến 20 - 40 ca sốt phát ban vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) khám và điều trị mỗi ngày trong những ngày gần đây, chủ yếu là nhiễm rubella, trong đó có nhiều phụ nữ mang thai. Thạc sĩ Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng, cho biết từ tháng 1 đến nay có 30 bệnh nhân là mang thai ba tháng trở lại, có người mới 5 - 6 tuần.
Đang nằm điều trị ở khoa Virus - Ký sinh trùng (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), chị Hoàng Thị L., 24 tuổi, Sóc Sơn, Hà Nội, đang vô cùng sợ hãi cho số phận của đứa con trong bụng, đứa con đầu lòng của vợ chồng chị, mới hoài thai được 1 4 tuần. Khi nổi ban cách đây vài ngày, L. được cả nhà giục đi khám ngay vì trước đó người chị gái cũng đã nhiễm bệnh này, và gia đình cũng biết bệnh rất nguy hiểm cho thai nhi.
Rubella chỉ nguy hiểm đối với thai phụ và nên tiêm phòng trước khi mang thai ít nhất là ba tháng (ảnh Gettyimages)
Cùng phòng bệnh với chị L. còn có 4- 5 thai phụ nhiễm rubella khác, phần lớn đều mang thai ba tháng trở xuống. Bác sĩ Lâm cho biết, với những trường hợp này, nguy cơ dị tật bẩm sinh cho đứa trẻ là 80% như thiếu chi, hở hàm ếch... Vì vậy, các trường hợp thai dưới ba tháng hoặc chớm tròn ba tháng đều được tư vấn bỏ thai.
Bởi vậy, các bác sĩ đều rất ái ngại khi gặp những bệnh nhân rubella đang mang bầu, nhất là những chị hiếm muộn, khó khăn lắm mới đậu thai được, thậm chí phải nhờ thụ tinh nhân tạo nhưng không may nhiễm rubella trong những tuần đầu của thai kỳ.
Không tiếp xúc với bệnh nhân vẫn có thể lây
Bác sĩ Lâm cho biết, rubella rất dễ lây qua tiếp xúc thông thường theo đường hô hấp, như khi nói chuyện, bắt tay nhau, và lây với tốc độ rất nhanh. Rất nhiều người không tiếp xúc với bệnh nhân mà chỉ thở không khí ở môi trường bệnh nhân từng hiện diện cũng lây bệnh. Vì thế, nếu không cẩn thận, thai phụ rất dễ nhiễm rubella.
Cũng vì bệnh lây lan nhanh mà ở thời điểm này, rất nhiều học sinh, sinh viên ở Hà Nội cũng mắc bệnh, thậm chí có những trường hợp phải nhập viện điều trị do biến chứng nặng. Đang ở Nghệ An, anh Nguyễn Đình Trung phải ra Hà Nội để chăm con gái, đang học đại học ở đây, hiện điều trị nội trú tại khoa Virus - Ký sinh trùng vì bệnh rubella. Cô gái này bị phát ban rất dày, ban mọc cả ở mắt và lưỡi.
Còn chị Nguyễn Thị Hòa, có con học trường Tiểu học Võ Thị Sáu, Hà Nội khi xin phép cô giáo cho con nghỉ học vì mắc bệnh này mới biết trng lớp, trong trường cũng đã có một số cháu bị sốt và phát ban, phải nghỉ.
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, cho biết bệnh nhân rubella đang xuất hiện rải rác ở nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố nhưng không thống kê được chính xác do phần lớn ca bệnh là lành tính, bệnh nhân tự cách ly, theo dõi tại nhà, chỉ những ca có bệnh cảnh nặng mới đến bệnh viện. Ông Cảm khuyến cáo thêm, rubella chỉ nguy hiểm đối với thai phụ và nên tiêm phòng trước khi mang thai ít nhất là ba tháng. Giá tiêm vaccine phòng sởi - quai bị - rubella là 130.000 - 150.000 đồng một mũi.
Các chuyên gia khuyên, để phòng bệnh, nếu không thật cần thiết thì không nên đến những nơi có nhiều người phát bệnh rubella. Người có bệnh nên đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc và ra nơi công cộng, che miệng khi ho hay hắt hơi rồi vệ sinh tay cẩn thận. Để phân biệt rubella với sởi, cần lưu ý bệnh rubella thường có ban mọc toàn thân, ít khi sốt cao, sau 5 - 7 ngày, ban bay đi không để lại vết thâm, bệnh nhân hiếm khi viêm long đường hô hấp.
Trong khi đó, bệnh sởi thường có viêm long đường hô hấp (ho, hắt hơi, chảy mũi, mắt kèm nhèm), sốt cao từ 38,5 độ C trở lên. Ban mọc từ sau tai và mặt rồi lan xuống cánh tay, ngực, bụng, thân mình, khi lan xuống chân thì ban ở mặt bắt đầu bay (khoảng ngày thứ ba). Sau 5 - 7 ngày, ban bay hết nhưng vết thâm thì hàng tháng mới hết.