http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/hai-duong-muon-tru-so-nguy-nga-dan-con-ngheo-ma-3103705/



Hải Dương muốn trụ sở nguy nga: Dân còn nghèo mà...




Đất nước còn nghèo mà lại xây trụ sở quá tráng lệ, đặt sư tử đá, voi đá là chưa cần thiết, là biểu hiện xa dân.



Trụ sở UBND TP.HCM sẽ có sân bay trực thăng


Hải Dương muốn trụ sở nguy nga:Đừng tiêu tiền dân tùy tiện!


Ông Lê Đình Khanh - Phó Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội Hải Dương thẳng thắn nói về chủ trương xây dựng khu hành chính tập trung khoảng 2.060 tỉ đồng của tỉnh.



Xây trụ sở hành chính của tỉnh là phong trào không chỉ Hải Dương mà nhiều tỉnh thành trên cả nước đã thực hiện. Ông Khanh cho biết, đây là chủ trương đã được thông qua nhưng phải tính toán, phù hợp, tiết kiệm, tránh lãng phí.



Nhìn từ thực tế, có những việc rất lãng phí như xây biểu tượng song không thể bình luận được hay những công trình công cộng to lớn, hoành tráng và coi đó là biểu tượng, linh hồn của địa phương nhưng không để làm gì.










Trụ sở làm việc và hội trường Tỉnh ủy Hậu Giang hoành tráng



Ông Khanh lấy ví dụ trường hợp của Hải Dương từng xây dựng bảo tàng rất lớn giữa thành phố, mức đầu tư lên tới mấy chục tỉ, việc này ông không đồng tình. Khi đất nước còn nghèo, dân còn lo làm ăn, không có thời gian đọc sách.... xây một công trình quá hoành tráng trong khi không có người ra vào là không cần thiết. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ của những người làm văn hóa hoặc khoa học, khi cho rằng đó là nơi cất giữ những giá trị văn hóa của dân tộc có lẽ họ rất cần.



Trở lại việc xây khu hành chính tập trung thì sao? Những năm trước, Hải Dương đã từng xây dựng một trụ sở để dồn tất cả các cơ quan ngoài chính quyền song chỉ được một thời gian đã phải tách ra... cứ nhập vào lại tách ra rất lãng phí.



Ý tưởng xây trung tâm hành chính của tỉnh để tập trung các cơ quan quản lý nhà nước của Hải Dương, việc này theo ông Khanh phải có sự tính toán kỹ, cho làm từng giai đoạn. Tập trung lại sẽ có những cơ quan thích tự do nhưng cũng có người nói đi lại thuận tiện, đỡ mất thời gian tìm kiếm.



Tuy nhiên, phân tích cái được và cái mất ông Khanh cho rằng, Hải Dương phải rút kinh nghiệm từ các địa phương đi trước, chưa chắc tách ra đã lãng phí nhưng cũng chưa chắc gộp vào đã tiết kiệm. Cái này tùy thuộc vào tính toán, quy mô của từng địa phương.



"Quan điểm của tôi là phải cân nhắc có lợi mới làm và làm từng giai đoạn. Ở nhà tầng cũng chưa hẳn đã hay, một nhà cấp bốn cũng chưa chắc đã tốt", ông Khanh nói.



Vấn đề quan trọng, theo ông Khanh là xã hội ngày càng phát huy dân chủ, cơ quan quản lý là để phục vụ dân do đó phải có một cách tiếp cận gần gũi, thuận tiện.



"Không phải trụ sở to dân sẽ sợ, nhưng tâm lý của dân nếu đất nước còn nghèo mà lại xây trụ sở quá tráng lệ, đặt sư tử đá, voi đá là chưa cần thiết, nó là biểu hiện xa dân. To cao, hoành tráng trong bối cảnh, điều kiện chưa cho phép là chưa cần thiết, quan trọng là thái độ, cách đối xử khi tiếp đón người dân, niềm nở, xóa bỏ khoảng cách đó mới là quan trọng" - ông Khanh thẳng thắn.



Khu hành chính Hải Dương được đề xuất rộng 19,15 héc ta, tại khu đô thị mới phía đông thành phố Hải Dương với tổng mức đầu tư khoảng 2.060 tỉ đồng.



Ông Hoàng Mai Khương - Chánh văn phòng UBND tỉnh Hải Dương đánh giá quyết định xây dựng khu hành chính tập trung này là cần thiết. Nhất là trong tương lai, để đảm bảo nhu cầu quản lý hiện đại, dựa trên công nghệ thông tin việc xây trụ sở là yêu cầu cần phải làm.



"Mốt" xây trụ sở



Điểm qua 63 tỉnh thành trên cả nước, số trụ sở mới được xây mới hoặc đang trên dự án không hề nhỏ. Đây có phải trào lưu theo "mốt"?



Đầu tiên phải kể đến là trụ sở hoành tráng của Bình Dương. UBND tỉnh Bình Dương đã xây tòa nhà hành chính cao 20 tầng, gồm hai tòa tháp, sẽ là nơi làm việc tập trung của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và hầu hết sở, ngành. Tổng mức đầu tư 2 tòa tháp hơn 1.400 tỉ đồng.



Còn Đà Nẵng xây sau Bình Dương thì có 34 tầng nổi (trong đó, khối đế có 4 tầng và khối tháp 30 tầng). Tổng mức đầu tư xây dựng công trình dự kiến 1.900 tỷ đồng.



Tại Đồng Nai, hiện đề xuất của đơn vị tư vấn, trung tâm hành chính mới của tỉnh Đồng Nai dự kiến được xây với quy mô 10-20 ha ở xã Tam Phước, TP Biên Hòa. Theo tính toán, tổng diện tích sàn xây dựng là 122.000 m2 với số vốn đầu tư dự kiến hơn 2.200 tỷ đồng.



Trong khi đó, theo đề xuất của Bắc Giang, dự án, trụ sở làm việc các đơn vị sự nghiệp của các sở, ngành gồm 1 khối nhà 12 tầng gồm: 10 tầng nổi, 1 tầng trệt, 1 tầng kỹ thuật áp mái với tổng diện tích sàn là 12.355m2, trong đó diện tích sàn tầng trệt là 1.575m2, tổng diện tích các sàn nổi là 10.780m2. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 119 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào năm 2015.







Hải Dương muốn trụ sở nguy nga:Đừng tiêu tiền dân tùy tiện!



Tại Lâm Đồng, trung tâm hành chính tỉnh đang được xây dựng trên diện tích 56.000m2 (trên diện tích đất 3,5ha) thuộc đường Trần Phú (thành phố Đà Lạt), tập trung toàn bộ sở - ngành tỉnh Lâm Đồng, dự kiến bàn giao quý I năm 2014. Tổng vốn đầu tư là 1.014 tỉ đồng, một phần ngân sách lấy từ việc bán và cho thuê 24 biệt thự, nhà phố ở Đà Lạt.



Tại Vũng Tàu, trung tâm hành chính - chính trị tỉnh rộng khoảng 2ha, tại phường Phước Trung (thành phố Bà Rịa), hoạt động từ tháng 4/2012, có mức tổng đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng, lấy từ ngân sách tỉnh. Một phần ngân sách sẽ thu lại khi tỉnh tiến hành bán đấu giá các khu đất trước đây dùng làm trụ sở các sở ngành tại thành phố Vũng Tàu.



Ở khu vực miền Tây, mặc dù là tỉnh mới được chia tách còn nhiều khó khăn, nhưng công trình trụ sở làm việc và hội trường Tỉnh ủy Hậu Giang tọa lạc tại P.4, TP Vị Thanh, công trình có tổng mức đầu tư xây dựng gần 300 tỉ đồng, tọa lạc trên khu đất rộng 3,3ha, với sức chứa trên 300 người được thiết kế rất hiện đại.



Trong đó TAND tỉnh Bến Tre sử dụng khu đất rộng tới 14.300m2, nhưng chỉ xây dựng một góc, chừa khoảng sân rộng như sân bóng đá. Năm 2013 tỉnh Bến Tre đã xây dựng tám trụ sở UBND xã với vốn đầu tư 19,2 tỉ đồng. Tính ra mỗi trụ sở chỉ hơn 2 tỉ đồng. Trong khi đó Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cho Bến Tre xây dựng 135 trụ sở UBND xã mới đến năm 2015, nhưng không thể làm được vì thiếu vốn.



Tại Cần Thơ, từ trước năm 2010, HĐND Cần Thơ đã thông qua nghị quyết đầu tư xây dựng nhà khách Thành ủy Cần Thơ đặt tại huyện Phong Điền trên diện tích 12,6ha lấy từ đất nông nghiệp thu hồi của trên 35 hộ dân, với tổng số vốn lên đến gần 1.000 tỉ đồng. Dự án chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn một gồm 12 hạng mục như: san lấp mặt bằng, cổng tường rào, khu biệt thự, khu hội họp... với tổng mức đầu tư từ ngân sách là 113,5 tỉ đồng.



Hiện UBND TP Cần Thơ đang bàn phương án xây dựng một khu hành chính tập trung, rộng khoảng 42ha tại khu vực đường Võ Văn Kiệt để tập trung các sở, ban ngành về một mối. Nguồn vốn dự kiến lấy từ đấu giá các trụ sở hiện tại.



Chạy đua với "trào lưu" này có còn rất nhiều địa phương khác cũng có chủ trương xây dựng khu hành chính tập trung như Vĩnh Long, Lào Cai...



Lam Lam