Đời sống



Hà Nội sau 0 giờ



24/06/2010 17:00


Rất nhiều người vẫn ngồi chơi trước đài phun nước sau 12 giờ đêm - Ảnh: T.T.H


Không đông đúc, hào nhoáng như ban ngày, Hà Nội về đêm có một nét rất riêng...


Đêm bên hồ Gươm...


Vừa gọi 4 cốc trà đá và một đĩa hạt hướng dương với “tổng thiệt hại” lên đến 23.000 đồng, chúng tôi đã được một cô bán bánh khúc mời mọc. Chỉ mua 4 chiếc cho 4 người khi bụng đã đoi đói, nhưng cô hàng bánh dẻo mồm nhất định nhét thêm một chiếc nữa.


Bánh khúc của cô nhỏ xíu giá rất “hữu nghị” chỉ 5.000 đồng một chiếc. Những hàng hóa bán rong về đêm thường như vậy, không lấy gì làm ngon lành, nhưng là cơ hội kiếm sống cho một số người trong cuộc mưu sinh lúc đa số mọi người đã yên giấc.


Cách chúng tôi khoảng 3m là 2 chiếc xích lô đang đậu bên hè phố Lê Thái Tổ. Người đạp xích lô đang ngồi nghỉ. Bên kia đường là những người bán thuốc lá bật đèn sáng trưng, họ chờ đợi người mua thuốc lá giúp cho sự tỉnh táo về đêm.


Từ đâu bỗng nườm nượp một nhóm thanh niên phóng xe lên vỉa hè. Họ râm ran bàn tán về việc “cơ động” đang chặn ở bên đường Đinh Tiên Hoàng nên cuộc đua phải tạm dừng lại.


Trong lúc đó, một người đàn ông chừng 50 tuổi từ phía Hàng Bông phóng đến trên một chiếc xe đạp cũ, ông ta lượn quanh đài vòi phun nước với tốc độ rất nhanh và điều khiển cho chân chống quệt xuống mặt đường xoèn xoẹt, lửa tóe ra loang loáng.


Mọi người trầm trồ khen bằng thứ ngôn ngữ vỉa hè kiểu “ghê thật, già mà còn sành điệu thế”, “lão này điên thật rồi” khiến ông càng thêm cao hứng và tiếp tục vòng tua. Sau khoảng 10 lần lượn - vòng - tóe - lửa, dường như ông cảm thấy chóng mặt nên từ từ đạp về phía Hàng Đào.


Không phải chỉ những đối tượng đi “bão” hay những người có công việc phải làm muộn mới đi đêm. Trung, một bạn trẻ đang học tại Đại học Điện lực cho biết: “Ở ký túc bọn mình hay mất điện nên nóng lắm, ra đây ngồi cho mát, khi nào buồn ngủ thì về”.


Ngay bên cạnh chỗ chúng tôi ngồi là hai cặp tình nhân trẻ đang tâm sự. Có lẽ sự ồn ào và ô nhiễm ban ngày khiến cho sự thơ mộng và lãng mạn của tình yêu bị giảm bớt, và họ tìm đến hồ Gươm vào buổi đêm để tìm lại điều đó. Bên hồ Gươm buổi đêm, không thiếu những đôi như thế.


Cũng có những người ra đây hóng mát, trò chuyện, "chém gió", thể hiện mình là dân “ăn chơi”, “anh chị”. Quần áo họ bận đều rất “mốt”, không ít cô gái cố tình khoe hình xăm trên người, và những chiếc xe họ đi phải là SH hay LX, có người đi cả ôtô.


Cũng có một số người đến hồ Gươm chỉ để thỏa trí tò mò như... chúng tôi. Bạn Ánh, một sinh viên năm nhất Đại học Công đoàn cho biết: “Mọi người bảo hồ Gươm đêm tấp nập lắm. Mình không tin nên đi cùng bọn bạn ra ngoài này. Công nhận là thú vị ngoài sức tưởng tượng!”.


Một số người đến hồ Gươm ban đêm đã thành thói quen, không đi thấy... nhớ. “Mình rất thích không khí Hà Nội buổi đêm. Giờ này ở nhà mình cũng khó ngủ, ra đây hóng mát thích hơn”, anh An ở phố Hàng Trống chia sẻ.


Những người ngủ phố



Người ngủ trên hè phố Đinh Tiên Hoàng lúc 4 giờ sáng ngày 23.6 - Ảnh L.Q.Phổ


65 tuổi, quê Hà Nam, ông Niên đã ngủ ở công viên, hè phố Hà Nội 16 năm nay. Ông bảo muỗi, gió sương tí nhưng ngủ hè cũng có nhiều điều thú vị lắm.


Ngày ngày đi nhặt phế liệu khắp các đường phố Hà Nội, ông qua đêm ở công viên, vỉa hè ở bất cứ đâu khi đêm xuống. “Sáng ở Long Biên, chiều đã tận Hà Đông, đâu cũng là nhà, là giường, đời tôi đơn giản lắm”, ông nói.


Ông Chương Văn Minh, người Kim Động, Hưng Yên lại có một chỗ ngủ đêm gần như cố định ở công viên Lý Tự Trọng, đầu đường Thanh Niên, đồng thời là nơi ông mở hàng bơm vá xe.


Ban ngày người đông của khó nhưng tối đến, khi “đối thủ cạnh tranh” về hết, ông chăng biển ra làm. Để vừa làm vừa ngủ, vừa tránh muỗi Hồ Tây, sau khi bày đồ nghề sẵn sàng, ông mắc cái màn ra vỉa hè, thong dong chợp mắt. Nói là ngủ, nhưng hễ thấy tiếng người gọi bơm xe là ông bật dậy, làm ngay.


Gần chỗ ngủ của ông Minh, còn có hai cậu bé, đứa 14, đứa 12 tuổi. Cả hai mặt đều đen nhẻm, thân hình thì bủng beo. Tự nhận là anh vì hơn tuổi, Vi Văn Đức quê ở Lạng Sơn nói trước: “Nhà em nghèo khổ, hai năm trước em đã theo bọn hát rong nhảy tàu về Hà Nội làm nghề đánh giầy quanh Phủ Tây Hồ”.


Chú “em” Nguyễn Văn Đô có phần e thẹn hơn, khi chỉ nói mình sống bằng nghề ăn xin rồi lại chui tọt vào tấm chăn rách. Đức bảo, cái nghề của thằng Đô không “cao quý” như nghề của em, nó đi ăn xin. Ăn xin xấu hổ hơn đánh giày.


Đức và Đô gặp nhau khi hành nghề ở Phủ Tây Hồ, ban ngày mỗi đứa mỗi việc, tối đến chúng về đây, một chiếc chiếu tơi tả, một chiếc chăn rách là nơi hai đứa thả giấc sau một ngày mệt nhọc.


Đi trên đường phố Hà Nội ban đêm, rất dễ gặp cảnh những người từ quê lên kiếm sống ngủ vật vã bên đường. Cuộc sống ở quê dù yên ấm, nhưng nghèo, họ phải ra phố thị mưu sinh, mỗi con người là mỗi cảnh đời cần thông cảm.


Ông Niên có hai đứa con, một trai một gái. Đứa gái lấy chồng xa, đứa trai ở cùng thì coi bố như cái gai trong mắt. Buồn con, ông ra đi và gặp ở Hà Nội một người đồng hương, họ chỉ cho mối hàng phế liệu, giúp ông sống được qua ngày.


Cuộc đời của ông Chương Văn Minh cũng không kém phần bĩ cực. Đi bộ đội về, ông lấy vợ, ở với nhau được hơn mười năm, vợ ông bất ngờ ra đi sau một cơn bạo bệnh. Buồn chán, nên lo hậu sự xong xuôi, ông lôi chiếc xe đạp cũ của mình ra, quyết định lên Hà Nội để hằng ngày không phải nhìn căn nhà đầy kỷ niệm của hai vợ chồng nữa.


Ông Minh nói cũng đã từng xuống Long Biên thuê phòng ở trọ. Dù mỗi đêm chỉ 5.000 đồng, nhưng nơi đó là thế giới của đủ hạng người. Người lao động như ông có, bọn trộm cắp, đĩ điếm cũng có. Có lần ông bị chúng cuỗm sạch ít tiền tích góp, cả chiếc xe đạp hành nghề.


20 năm làm nghề bơm vá xe, từng ấy năm ông ngủ trên phố. Hỏi ông ngủ thế có sợ gì không, ông bảo, mình già rồi, người không sợ, chỉ sợ thời tiết, bệnh tật, có hôm trời bất chợt đổ mưa, y như rằng hôm sau phải bỏ làm vì cảm...


Đức và Đô, hai đứa trẻ đến từ miền núi phía bắc lại có những nỗi lòng riêng. Đô bảo, thương bố mẹ, thương em lắm, muốn gửi tiền về mà chưa có, những đồng tiền xin được mới chỉ đủ cho em sống qua ngày.


Đức khá hơn, nhưng cũng chẳng giúp được bố mẹ là bao. Nghe tôi hỏi về tương lai, Đô lại chui tọt vào chăn, không nói, còn Đức thì gọn lỏn: “Em muốn về nhà, muốn được ngủ với em trai em”.


Tào Thanh Huyền - Hồ Viết Thịnh


http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/201026/20100622210823.aspx