UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định về việc thành lập Tổ công tác của thành phố để nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.

Nghiên cứu, hoàn thiện quy định về tiêu chí chọn chủ đầu tư

Theo đó, Tổ công tác gồm 25 thành viên, do Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong là Tổ trưởng.

Hà Nội có động thái mới với các khu chung cư xuống cấp cần cải tạo, di dời ảnh 1

Nhiệm vụ lần này của Tổ công tác là nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về tiêu chí để lựa chọn chủ đầu tư, cơ chế chính sách cụ thể thuộc thẩm quyền của thành phố về cải tạo, xây dựng nhà chung cư theo quy định của Nghị định số 69 của Chính phủ về cải tạo chung cư cũ và các quy định khác có liên quan.

Trước đó, theo Kế hoạch 335 về việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội đợt 1, thành phố sẽ triển khai cải tạo, xây dựng lại 6 khu chung cư nguy hiểm cấp D, trong đó quận Ba Đình có Khu tập thể Giảng Võ (Nhà C8 ở cấp D); Khu tập thể Thành Công (Nhà G6A ở cấp D); Khu tập thể Ngọc Khánh (Nhà A ở cấp D); Khu tập thể Bộ Tư pháp (2 đơn nguyên đầu hồi ở cấp D). Quận Đống Đa có Nhà 51 Huỳnh Thúc Kháng.

Do đó TP yêu cầu UBND quận Ba Đình, UBND quận Đống Đa có trách nhiệm di dời dân khỏi các tòa nhà này trong Quý I/2022.

Trong quá trình triển khai dự án, thành phố dự kiến sử dụng các quỹ nhà ở tái định cư khoảng 4.433 căn hộ. Thành phố cũng có kế hoạch xây dựng các khu định cư mới tại các khu di dân Đền Lừ 3 (Hoàng Mai), khu Đông Hội (Đông Anh)...

Theo đại diện UBND quận Ba Đình thì 4 khu chung cư cấp độ D thành phố yêu cầu di dời người dân đã di chuyển cách đây khá lâu. Trong đó tập thể Bộ Tư pháp chỉ còn 2 hộ chưa di dời ở đơn nguyên 1, 3; nhà 148-150 Sơn Tây còn 3 hộ chưa đồng ý; Nhà C8 Giảng Võ ở đơn nguyên 3 có 18 hộ chưa di dời; nhà G6A Thành Công (đơn nguyên 1, 2) còn 28 hộ. Sau khi có quyết định phê duyệt phương án hỗ trợ tái định cư, quận sẽ tiến hành triển khai ngay các biện pháp để di dời người dân.

Còn đối với chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng (phường Láng Hạ, quận Đống Đa) gồm 2 đơn nguyên, đại diện UBND phường Láng Hạ cho biết đơn nguyên A còn 40 hộ dân chưa di dời, trong khi đơn nguyên B đã di dời gần hết, chỉ còn lại 3 hộ dân đã nhận nhà tạm cư, hiện đang ở lại để thuận tiện cho việc đi học của con cái.

Khó khăn trong việc di dời

Theo thống kê, hiện tại trên địa bàn TP Hà Nội có khoảng 1.579 nhà chung cư cũ được xây dựng từ năm 1960-1994 và trước năm 1954, hầu hết đã hết niên hạn sử dụng, trong đó có nhiều nhà chung cư cũ xuống cấp. Trong đó có không ít nhà chung cư, tập thể cũ nằm ở vị trí đắc địa, view hồ, ở giữa trung tâm TP.

Hà Nội có động thái mới với các khu chung cư xuống cấp cần cải tạo, di dời ảnh 2

Từ năm 2005 - 2014, TP đã hoàn thành cải tạo xây dựng lại 19 dự án và 14 dự án đang triển khai. Tuy nhiên, kể từ năm 2014, sau khi Luật ở nhà 2014, Nghị định 100/2015 được ban hành và có hiệu lực thi hành đến nay, thì không có dự án mới nào được bổ sung thêm, tiến độ thực hiện chậm, kém hiệu quả. Do đó mà sau 20 năm, Hà Nội mới chỉ có 1% chung cư cũ được cải tạo, sửa chữa trên tổng số hơn 1500 chung cư, nhà tập thể cũ của TP.

Tuy nhiên, quá trình di dời người dân ở các chung cư đang gặp phải khó khăn, do một số hộ dân không đồng ý với việc này. Trong đó, ông Lê Nguyên Thống, đại diện tòa nhà A, B tập thể Ngọc Khánh kiến nghị: “Từ khi thành phố có chủ trương cải tạo, xây mới nhà tập thể xuống cấp chúng tôi ai ai cũng đồng ý, ủng hộ và mong thực hiện. Nhưng để đảm bảo tiến độ cải tạo, xây mới và đảm bảo việc tái định cư cho cư dân, chúng tôi đề xuất chủ đầu tư phải kí quỹ nhằm đảm bảo tiến độ quy định theo thời gian để cư dân tái định cư và tránh việc mua đi bán lại công trình”.

UBND TP Hà Nội cho biết, đối với từng dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ cụ thể, theo tình hình thực tế triển khai, dự kiến sẽ mua lại các quỹ nhà ở thương mại, sử dụng quỹ nhà ở xã hội để tạo lập quỹ nhà ở tạm thời theo quy định. Về nguồn vốn, dự kiến huy động từ 3 nguồn, gồm vốn xã hội hoá (với trường hợp chủ sở hữu nhà chung cư thỏa thuận với doanh nghiệp bất động sản lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư); nguồn vốn đầu tư công; nguồn vốn vay từ Quỹ đầu tư phát triển thành phố cho các chủ đầu tư vay để triển khai...

Trường hợp nhà nước trực tiếp thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư và đầu tư xây dựng quỹ nhà tạm cư, nhu cầu vốn đầu tư công khoảng 65.360 tỷ đồng, gồm: Khoảng 60.500 tỷ đồng để thực hiện đầu tư xây dựng dự án cải tạo, xây dựng lại 4 khu chung cư có nhà nguy hiểm cấp D (Thành Công, Giảng Võ, Ngọc Khánh, Bộ Tư pháp). Khoảng 4.860 tỷ đồng để xây dựng 5 dự án tạm cư tại quận Hoàng Mai, quận Tây Hồ, huyện Đông Anh.

Tiền Phong