Các thầy cô giáo tiểu học đang bị áp lực về nhận xét học sinh và mất nhiều thời gian cho việc ghi lời phê trong sổ học bạ, sổ liên lạc, sổ theo dõi chất lượng…



Năm học 2014-2015, thực hiện thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường tiểu học trên cả nước phải thay đổi cách đánh giá học sinh thường xuyên. Thay vì dùng điểm số, giáo viên sẽ ghi nhận xét về sự tiến bộ của từng em. Tuy nhiên, việc này đang gây áp lực với không ít thầy cô.



Một cô giáo tiểu học ở quận Bình Tân chia sẻ, các trường đều có quy định là lời nhận xét phải tinh tế, tránh làm tổn thương các em và không được lặp lại… "Vì thế giáo viên phải mất thời gian rất nhiều và nhiều lúc lời phê không phản ánh đúng năng lực của học sinh. Phê tốt thì thành ra xáo rỗng mà phê xấu sẽ làm tổn hại các em”, giáo viên này nói.



Với giáo viên chủ nhiệm, do nắm bắt rõ từng học sinh nên dù sao cũng dễ ghi nhận xét. Với giáo viên bộ môn sẽ vất vả hơn vì phải dạy nhiều lớp, một lớp 30-40 học sinh, không nhớ hết điểm mạnh, điểm yếu của từng em để mà phê khi không còn điểm số. Do đó, nhiều thầy cô bộ môn đành nhận xét chung chung.




Việc thay điểm số bằng lời phê khiến giáo viên tiểu học băn khoăn. Ảnh: Nguyễn Duy


Khi còn đánh giá bằng điểm số, giáo viên căn cứ vào điểm trung bình để đánh giá học sinh nào được học lực loại giỏi, tiên tiến, trung bình… Còn áp dụng theo thông tư 30, giáo viên chủ nhiệm phải tổ chức cho học sinh góp ý, đánh giá bản thân và các bạn trong lớp. Sau đó, giáo viên lập danh sách đề nghị khen thưởng rồi họp với hội đồng khen thưởng của trường để xét. Các danh hiệu học sinh khá, giỏi trước đây được thay thế bằng học sinh phát triển toàn diện, hoặc chỉ đạt thành tích học tập, chỉ đạt thành tích phong trào...



Việc thay đổi cách đánh giá học sinh cũng khiến phụ huynh không yên tâm. Bà Lương Thị Kim Sen (quận 7) cho biết, cách đánh giá bằng nhận xét khiến học sinh không biết mình đang ở đâu để phấn đấu.



“Không có điểm, tôi không biết con mình học ở mức nào để kèm cặp. Cô giáo cứ phê học sinh cần cố gắng hơn nhưng không biết con tôi cố gắng hơn để đạt loại trung bình hay đạt khá, giỏi. Ngoài ra, giáo viên cứ nhận xét chung chung khiến tôi không biết đâu là ưu, khuyết điểm của con để uốn nắn. Việc nhận xét này quá cảm tính và phụ thuộc vào cái tâm của giáo viên chủ nhiệm”, phụ huynh này nói.



Một giáo viên của trường tiểu học ở quận Tân Phú cũng cho rằng, các em tiểu học còn quá nhỏ để hiểu được ý nghĩa của lời phê. Không còn điểm số, không còn sợ ba mẹ la vì điểm kém nên nhiều em ít có sự cố gắng trong học tập.



Hiện các Phòng Giáo dục và Đào tạo ở TP HCM thực hiện việc sơ kết học kỳ 2 và báo cáo về việc tròn một năm thực hiện Thông tư 30. Lãnh đạo các phòng giáo dục đều cho rằng, việc thay chấm điểm bằng nhận xét đã không mang lại hiệu quả như mong đợi.



Ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng Phòng Giáo dục quận 6 khẳng định tinh thần của thông tư 30 là rất tốt vì nhiều nền giáo dục ở các nước đã thực hiện đánh giá bằng nhận xét. Thế nhưng, sĩ số các lớp học hiện nay của chúng ta quá đông, khoảng 40 em một lớp nên giáo viên chủ nhiệm rất cực.



Đại diện phòng Giáo dục các quận Bình Tân, Thủ Đức, 3, 11… cũng cho rằng, việc áp dụng thông tư 30 sẽ hợp lý hơn khi có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ cơ sở vật chất, sách giáo khoa, phương pháp dạy học, kỹ năng tự học… Sắp tới, các Phòng Giáo dục sẽ nghe trường báo cáo tình hình thực hiện thông tư 30 để biết giáo viên có khó khăn gì và tháo gỡ.



http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/giao-vien-roi-vi-loi-phe-thay-diem-so-3221457.html