Thưa quý vị và các bạn. Cây đa, bến nước, mái đình là những hình ảnh luôn khiến mỗi người sinh ra và lớn lên ở vùng đồng bằng Bắc Bộ cảm thấy thân thương và gần gũi. Đình làng là mái nhà chung của cả cộng đồng, từng gắn bó khăng khít và chứng kiến mọi buồn vui trong đời sống của con người. Ngôi đình không chỉ là hình ảnh của quê hương, mà còn là niềm tự hào của mỗi người, bởi đó là công trình kiến trúc thể hiện sự tài hoa, khéo léo của những người thợ chạm khắc. Một ngôi đình khang trang, uy nghi thể hiện đời sống vật chất và tinh thần thịnh vượng của cả ngôi làng. Mời quý vị và các bạn cùng chiêm ngưỡng những nghệ thuật chạm khắc dân gian tinh xảo của Đình làng trong bài viết ngày hôm nay của Mành rèm tre trúc che nắng Ngọc Dương.
Đình làng Giẽ Thượng
Đơn giản hay cầu kỳ, đó là nơi tổ chức hội hè, lễ tết hay các sinh hoạt chung của cả làng. Và đó cũng là nơi gắn kết mọi người trong làng với nhau. Mái đình là nét văn hóa Làng truyền thống của người Việt. Làng trù phú thì xây đình to, kiên cố, trạm khắc tinh xảo, còn làng nghèo thì cũng được xây dựng đơn giản hơn xong vẫn đặc trưng cho tâm hồn và cốt cách văn hóa của mỗi làng.
Chức năng của Đình làng xưa là chức năng hành chính, những hương ước, luật lệ, những quyết định trọng đại về các vấn đề của Làng được tổ chức trong các cuộc họp dưới Mái đình.
Đình làng còn có chức năng tôn giáo, Đình là nơi thờ Thành hoàng làng, có thể là những trung thần, nghĩa sĩ có công với đất nước, hay còn gọi là Nhân thần, hoặc các vị Tiên thần trong truyền thuyết. Đình của những Làng nghề truyền thống ngoài việc thờ thành hoàng làng, còn có thể thờ Tổ nghề, là người có công mang nghề và phát triển nghề truyền thống cho dân làng.
Đình làng quê Việt Nam
Ngoài ra, Đình làng còn là nơi tụ họp những hội hè, đình đám, nơi diễn ra các trò chơi dân gian, các hoạt động văn hóa, văn nghệ của Làng. Chính vì vậy, mà ngay từ sân đình đã sinh ra nhiều loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc như Chèo sân đình, Hát cửa đình.
Theo tiến sĩ Vũ Ngọc Mai – Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian thì Đình làng ngoài là nơi sinh hoạt cộng đồng, là nơi thực hiện các hoạt động hàng ngày, hành chính, làng xã, cũng như là địa điểm chuyển giao tư tưởng của nhà nước phong kiến tới tận Hương thôn. Thì đồng thời, Đình làng còn là nơi thực hành các chức năng tâm linh của làng xã. Vì thế, tất cả mọi nguồn lực, tiềm lực, tài năng, tâm hồn, trí tuệ của người dân làng Việt dồn cả vào nơi Đình.
Vì thế, Đình không chỉ đẹp, to, bề thế, mà Đình còn phải được đặt đúng hướng, đúng tọa độ, đúng phong thủy, bởi vì đình trở thành hạt nhân nơi tụ khí, tụ linh, nơi mang lại sinh khí cho cả làng.
Với vai trò quan trọng và sự đa chức năng như vậy, Đình làng được người dân chung tay, chung sức làm nên một diện mạo đẹp đẽ, thể hiện bằng các mảng trạm khắc đầy tính nghệ thuật, chính vì thế, Đình làng trở thành nơi lưu giữ các tác phẩm điêu khắc quý giá, phản ánh hiện thực xã hội đương thời. Điêu khắc cũng tồn tại ở chùa, đền, các kiến trúc tôn giáo khác. Nhưng không ở đâu lại được biểu hiện rõ nét như ở Đình Làng.
Các tác phẩm điêu khắc bộc lộ tất cả những gì người nông dân yêu thích, mong ước và trông chờ. Đây là nguồn tài liệu cho nhiều ngành khoa học, nghệ thuật nghiên cứu sau này.
Đình làng xưa
Trong cuốn tìm hiểu lịch sử kiến trúc Việt Nam của Ngô Huy Quỳnh có nói, Nếu như kiến trúc phản ánh một giai đoạn phát triển của kỹ thuật xây dựng, thì trang trí kiến trúc lại phản ánh sâu sắc tư tưởng xã hội, và trình độ thẩm mỹ của thời đại đó. Tuy nhiên, những đặc trưng của từng thời đại không phải là sự tách biệt độc lập, mà là sự kế thừa nguồn mạch của dân tộc trong suốt dòng chảy lịch sử.
Sự phát triển của điêu khắc, kiến trúc đình làng là do nhu cầu phát triển và hoàn thiện của đời sống văn hóa làng xã Việt Nam, hình thái kiến trúc đình làng, đời sống của ngôi đình là miếng đất làm nảy sinh nền điêu khắc của Đình làng với một tính chất riêng biệt trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam
Nhìn một cách khái quát, nghệ thuật điêu khắc Đình làng ở Đồng bằng Bắc bộ phát triển ở những bước đầu tiên ở thế kỷ 16, đạt dấu ấn rực rỡ đỉnh cao ở thế kỷ 17, chững lại và chín muồn ở thế kỷ 18 và thoái trào ở thế kỷ 19. Có thể nói giá trị nhiều mặt mà điêu khắc Đình làng để lại tập trung ở di sản điều khắc Đình làng ở thế kỷ 16 và 17. Điêu khắc đình làng ở hai thế kỷ này đại diện điển hình nhất cho toàn bộ nghệ thuật điêu khắc ở đồng bằng Bắc Bộ.
Điêu khắc đình làng có tính thẩm mỹ cao, người thợ làm Đình chẳng những phải thành thạo việc dựng đình, mà còn phải có kỹ năng điêu khắc điêu luyện để tô điểm cho ngôi đình thêm đẹp, do đó điêu khắc ở đây gắn liền với kiến trúc, Hầu như trong các thành phần của Kiến trúc Đình làng, đều được các nghệ nhân xưa điêu khắc thành những hình mẫu có giá trị nghệ thuật cao thu hút sự chú ý của mọi người lúc ghé thăm đình.
Qua những nét chạm khắc tinh xảo, Nghệ nhân dân gian đã khéo léo thổi hồn vào những khúc gỗ, tảng đá vô tri, khiến chúng không còn đơn thuần là đồ vật, mà đã trở thành những sứ giả của lịch sử. Những bản sắc ấy là những tài liệu không chữ quý giá phản ánh quá trình giao thoa và tiếp biến các giá trị trong mọi mặt của đời sống, từ kinh tế, chính trị cho đến văn hóa, tín ngưỡng và tôn giáo của người Việt xưa.
Người xưa chạm, khảm các kèo, xà và các vách ngăn của Đình một cách hoành tráng và tinh xảo. Mỗi đòn, kèo của Đình là một bức họa nổi đủ mọi đề tài, hoa văn với sự tự do khá mới mẻ. Do vậy, đề tài trong trạm khắc Đình làng cực kỳ đa dạng và phong phú.
Nét văn hóa đình làng xưa
Nếu trong thời kỳ nho giáo lên ngôi, các đề tài bị bó hẹp trong những chuẩn mực phong kiến của Tứ linh, Tứ quý, của bầu rượu, túi thơ khá xa lạ với người nông dân thì cũng có giai đoạn các hình ảnh quen thuộc của đời sống nông thôn lại đi vào điêu khắc một cách tự nhiên, hồn hậu và đẹp đến kỳ lạ.
Những ngôi đình từ thế kỷ thứ 16 cho đến thể kỷ 17, điêu khắc trang trí đình làng mang đậm tính chất nghệ thuật dân gian. Những nhà điêu khắc vô danh xuất thân từ nông dân, đã đưa vào Đình làng những hình ảnh gần gũi với cuộc sống thực, hay là cả với giấc mơ của họ với một phong cách hết sức độc đáo và một tâm hồn hết sức sôi nổi.
Ngoài kiến trúc đặc trưng của Đình làng, thì những hình khối, đường nét được thể hiện trong các mảng chạm khắc, ta dễ dàng bắt gặp cả một thế giới sống động của hoa lá cây cỏ, của những con vật thân quen như Voi, hổ, lợn, hài hòa đan xen cho những bóng dáng của những con vật cao quý như Rồng phượng uyển chuyển, mềm mại. Các linh vật uy nghi quyền thế ấy khi xuất hiện trong điêu khắc đều được giản dị hóa trở thành Rồng mẹ rồng con quân quýt, bầy phượng múa hát bay lượn và sớm hòa hợp với muôn loài.
Khác với những kiến trúc tôn giáo khác, ngay ở những vị trí tôn nghiêm của Đình làng, ta cũng có thể bắt gặp hình tượng những đôi trai gái đùa ghẹo nhau hay đang tình tự, Đời sống con người được diễn tả rất sinh động, hình tượng con người đi vào điêu khắc đẹp đẽ và trang trọng. Cuộc sống nông thôn hiện ra chất phác với các công việc thường nhật như cày cấy, đốn củi hay vui tươi náo nức với những hoạt động hội hè, đình đám, từ kéo co, chèo thuyền, chọi gà, đấu vật cho đến múa hát.
Đình Liên hiệp
Đình Liên Hiệp – Phúc Thọ ở Thành phố Hà Nội là một ngôi đình đại diện cho nghệ thuật điêu khắc đình làng thế kỷ thứ 17, các nhân vật được thể hiện theo quan niệm tạo hình dân gian giàu chất tượng trưng và ước lệ, không cần giống thực, không cần quan tâm đến tỷ lệ cân đối miễn sao truyền được cái thần của nhân vật. Tuy nhiên toàn bộ tác phẩm lại là sự hài hòa cân đối, hợp lý về mặt bố cục , hình khối và đường nét. Ngay cả những đề tài mang tính chất chính thống như những con vật linh thiêng trong tứ linh, như rồng phượng cũng trở nên bình thường và gần gũi.
Điêu khắc đình Hạ Hiệp
Không chỉ phản ánh đời sống thường nhật, chạm khắc dân gian trong đình làng, còn thể hiện ước mơ về cuộc sống yên bình, hạnh phúc, đồng thời những hoạt cảnh sinh hoạt vui vẻ, xinh động ấy còn là minh chứng cho niềm tin yêu vào cuộc đời, tinh thần lạc quan dưới những ngày đời sống còn cơ cực. Những người nghệ sĩ nông dân đã sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật trong các bức chạm khắc của mình, mọi chi tiết đều lược bớt một cách đơn giản mà tập trung vào việc mô tả các hoạt động, các động tác của nhân vật như đánh cờ, múa, đua thuyền thể hiện cuộc sống bình yên và dân dã của người nông dân.
Đình Diềm BẮc Ninh
Đình Diềm ở Bắc Ninh là một ngôi đình cổ nổi tiếng được xây dựng vào năm 1692, nằm uy nghi trên một nền cao bó đá với quy mô lớn. Đình dựng theo kiểu chữ Công, tiên tế gồm 5 gian dài 17,5 m, rộng 14,9 m, phần đuôi gồ dài 6,8m, rộng 9m.
Từ xưa, Đình Diềm đã được dân gian xếp hạng vào loại nhất nhì trong vùng, đặc điểm chùa hướng tây, đình hướng Nam của vùng Kinh Bắc càng chứng tỏ chính chất nề nếp, cổ kính của làng Diềm. Điểm nổi bật của Đình Diềm là nghệ thuật kiến trúc và chạm khắc tinh tế và lộng lẫy. Cụ thể là bức cửa võng của Đình được các nghệ nhân dân gian xưa thể hiện vô cùng tinh xảo và cầu kỳ với tầng tầng lớp lớp các chi tiết hoa văn tạo nên một bức cửa Võng ân tượng chưa từng có Đình làng nào sánh được.
Kiến trúc đình diềm
Mỹ thuật Đình làng, là một chính thể bao gồm nhiều thành tố, phản ánh diễn trình lịch sử của mỹ thuật Việt Nam từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, Mỹ thuật đình làng đậm đặc bản sắc văn hóa Việt, thể hiện tâm hồn, tình cảm của người Việt qua mấy trăm năm lịch sử.
Nếu bạn quan tâm đến bài viết Cổng Làng quê Bắc Bộ, xin mời đón đọc bài viết Tại đây
Nghệ thuật chạm khắc đình làng là sự kết tinh muôn đời, muôn thuở của dân tộc Việt Nam chính là những chữ viết chân thực, là lời nhắn nhủ đầy tính triết mỹ của tổ tiên chúng ta để lại cho thế hệ mai sau.
Tổng kết lại, Nghệ thuật chạm khắc, điêu khắc, kiến trúc hội họa dân gian trong đình làng có đóng góp vô cùng to lớn vào nền văn hóa Việt Nam. Nó có sức nặng, và có sự thuyết phục về nghệ thuật sáng tạo góp phần vào nghệ thuật thế giới. Chính vì vậy, đình làng không chỉ là niềm tự hào của mỗi Làng, mà còn là niềm tự hào của Văn hóa Việt Nam
CÔNG TY SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI MÀNH RÈM TRE TRÚC CHE NẮNG NGỌC DƯƠNG
Địa chỉ: Vân Lũng – An Khánh – Hoài Đức – Hà Nội (Cạnh Thiên Đường Bảo Sơn)
Nguồn: Mành rèm che nắng Ngọc Dương