Đánh ghen cũng phải… đúng luật


TTO - Đành rằng “ghen tuông thì cũng người ta thường tình”, nhưng nếu quá tay làm ảnh hưởng đến danh dự, sức khỏe, tài sản... của người khác thì chính mình có thể gặp nhiều rắc rối với pháp luật.


Tại xã Ea Bông, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk có một vụ đánh ghen được ghi nhận là “đình đám” xảy ra giữa năm 2016. Chưa rõ người bị đánh ghen nhận lãnh hậu quả thế nào, nhưng những người đi đánh ghen đang lo ngại bị truy cứu tội cố ý gây thương tích.


Theo thông tin ban đầu, khi đang lái xe đi làm, anh C. nhận được tin vợ đang “vụng trộm” với anh K. ở một căn nhà hoang.


Anh C. đã cùng với hai anh trai đến tận nơi và thấy đôi nam nữ trong tình trạng không mảnh vải che thân.


Khi ấy, anh C. và người thân đã xông vào khống chế, kéo anh K. ra ngoài đường cho mọi người cùng chứng kiến.


Anh K. vùng vẫy bỏ chạy rồi hai bên giằng co, vật lộn nhau, một số người dân đã lao vào đánh anh K...


Công an viên xã phải xịt hơi cay giải tán đám đông, sau đó lập biên bản vụ việc, lấy lời khai nhân chứng.


Cũng theo anh C., sau vụ trên, vợ anh chuyển đến nơi khác ở. Gia đình anh đã theo dõi và lần nữa bắt quả tang có việc tằng tịu ở phòng trọ.


Rút kinh nghiệm của lần ồn ào trước, anh báo công an phường đến lập biên bản, quay được clip, nhưng đến giờ cơ quan công an ở địa phương vẫn chưa có ý kiến xử lý.


Trong khi đó ở vụ nhà hoang, từ tố giác của anh K., công an huyện đã khởi tố vụ án cố ý gây thương tích. Do chưa xác định được ai đã đánh anh K. nên cơ quan điều tra chưa khởi tố bị can.


Theo các chuyên gia pháp lý, nếu muốn dằn mặt, yêu cầu “tình địch” chấm dứt làm người thứ ba, những người có “máu Hoạn Thư” cần bình tĩnh, sáng suốt xử lý để không gây ra thiệt hại cho người khác và phải chịu các trách nhiệm có liên quan.


Nên nhớ hành vi đánh người gây thương tích hay lột quần, xé áo..., xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của đối phương có thể phạm vào các tội cố ý gây thương tích hay tội làm nhục người khác.


Theo một cán bộ thừa phát lại, khi biết vợ/chồng ngoại tình và muốn thu thập bằng chứng để có căn cứ xin ly hôn, người chồng/vợ có thể yêu cầu thừa phát lại lập vi bằng về việc này.


Tất nhiên, thừa phát lại không được phép xông vào phòng riêng lập vi bằng nếu anh nọ, chị kia đang “tò tí” với nhau.


Thay vào đó, thừa phát lại có thể lập vi bằng ghi nhận khách quan thời điểm đó có việc đó trong một thời gian nào đó. Tòa án sẽ căn cứ vào vi bằng và căn cứ vào nhiều tình tiết khác để xét xử.


Dính tội vì đánh ghen



Mới đây, Công an TP Vinh (tỉnh Nghệ An) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà T. (xã Nghi Kim, TP Vinh) cùng ba thanh niên về tội làm nhục người khác và cướp tài sản.


Nghi ngờ chồng “tòm tem” với người giúp việc nhà trẻ tuổi, bị can thuê người đến đánh đập, cắt tóc, lột quần áo, quay clip.


Những người được thuê đã đến phòng cắt tóc, quay và chụp ảnh, đồng thời còn giật lấy 2 điện thoại của nạn nhân.


THÀNH NGUYÊN


http://tuoitre.vn/tin/phap-luat/20170410/danh-ghen-cung-phai-dung-luat/1295118.html