Đàn ông chạy chợ


PN - Không ngại thiên hạ chê bai đàn ông sức dài vai rộng lại đi làm công việc của phái nữ, họ vẫn cần mẫn với công việc buôn thúng bán bưng. Đằng sau công việc tưởng chừng nhẹ nhàng ấy là những câu chuyện đời cảm động.


Anh Tư cần mẫn với công việc bán cá ở chợ


Nỗi niềm buôn thúng bán bưng


Thấy có khách mua, anh Nguyễn Minh Tâm (51 tuổi, Hương lộ 2, P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân, TP.HCM) đeo bao tay vào trước khi gọt vỏ từng trái cóc chín. Nhìn mớ trái cây được cắt, gọt xếp ngay ngắn trong tủ kính xe đẩy, không ai biết những ngày đầu anh Tâm đã phải “đánh vật” với công việc tưởng chừng nhẹ nhàng này.


Trước đây, anh Tâm làm nghề hàn pô xe máy, tiền công bèo bọt, không đủ sống. “Vợ cậu bạn làm chung khuyên tôi sắm cái xe đẩy đi bán trái cây dạo. Mới tuần đầu tiên, tôi nản lắm. Không biết cách gọt khóm, cóc, ổi sao cho đẹp mắt. Khi thì cắt miếng to quá, lúc lại nhỏ quá, nhìn xấu, khách không thích". Hiếm khi đi chợ nên anh Tâm cũng không có kinh nghiệm chọn lựa trái cây. Anh thường xuyên mua phải trái sâu, hư ruột, không bán được, đành chịu lỗ.


Vốn tính hào phóng, lại chọn việc bán trái cây, đối tượng khách hàng toàn là nữ, anh Tâm nhiều phen chịu thiệt. Anh kể: “Hồi trước hay đẩy xe đến trước mấy khu công nghiệp bán nhưng giờ sợ luôn. Nói thật, mấy cô công nhân ùa ra, bám quanh xe, mua thì ít mà... ăn thử thì nhiều. Nói ra thì ngại mà im lặng riết ngày nào cũng lỗ vốn. Thôi thì bán cho khách vãng lai tuy ít nhưng lời đồng nào, chắc đồng đó”.


Từ muối ớt, muối tôm đến mắm ruốc để ăn kèm trái cây, anh Tâm đều tự tay làm. Cho chúng tôi nếm thử mắm ruốc, anh tự hào: “Nhìn vậy chứ làm món này không dễ à! Đi ra ngoài mua cũng được nhưng mỗi thứ mỗi sắm, nào là bịch bọc, cây tre, đá ướp… tiền lời đâu còn bao nhiêu”.


Ở tuổi bên kia dốc cuộc đời, anh Tâm vẫn lủi thủi đi về một mình với chiếc xe trái cây. Hỏi đến việc lập gia đình, anh ngậm ngùi: “Hơn 10 năm trước, tôi cũng có vợ cưới hỏi đàng hoàng. Nhưng lấy nhau về, cô ấy không chịu đi làm, suốt ngày cờ bạc, đề đóm, tôi nuôi được tám năm, chịu không nổi nên ly hôn. Tôi ở vậy tới giờ luôn. Buôn bán kiểu lượm bạc cắc như vầy, nghèo thấy mồ, ai thèm lấy”.


“Mua mực đi chị. Em bán rẻ cho”, giọng người đàn ông chen lẫn trong tiếng ồn ã người mua kẻ bán của khu chợ Bình Thới, Q.11, TP.HCM. Ngồi lẫn giữa những hàng rau, anh Nguyễn Văn Tư (40 tuổi, quê ở Quảng Ngãi) đã có sáu năm với nghề bán cá. Xuất thân là ngư dân, ngày còn ở quê, anh Tư xuôi ngược theo những chuyến tàu đánh bắt xa bờ. Nhưng bão đến, ghe tàu hư hỏng, thất thu, lại thường xuyên phải sống xa vợ con nên cuối cùng, anh đưa cả gia đình vào TP.HCM lập nghiệp. Ban đầu, anh Tư đi làm phụ hồ nhưng thu nhập ít ỏi, bấp bênh.


Khi nghe người quen rủ đi bán cá, anh vui vẻ nhận lời. Những ngày anh mới ra chợ, vợ anh thấp thỏm lo lắng. Sợ chồng không quen cảnh buôn bán xô bồ nên cả hai người cùng bán chung một chỗ. Khi quen việc, vợ chồng anh Tư chia ra, mỗi người bán một chợ. Anh Tư bộc bạch: “Nhìn quanh toàn là phụ nữ, cũng mắc cỡ lắm nhưng bán riết thành ra quen. Nghĩ lại mình kiếm tiền bằng sức lao động chân chính thì sao phải ngại”.


Khách hàng và bạn hàng đều là phụ nữ nên anh Tư cũng phải khéo léo trong cách ứng xử. Anh bộc bạch: “Thường cá, mực tôi chỉ nói một giá nhưng nhiều người vẫn không tin, trả lên trả xuống. Tôi không bớt thì họ cằn nhằn nói đàn ông gì mà kẹo, khó khăn. Nghe họ nói như tát nước vào mặt cũng buồn lắm. Ai nói gì cũng chỉ biết cười trừ hay pha trò vài câu dí dỏm cho qua chuyện để bán được hàng. Buôn thúng bán bưng khổ vậy đó…”.


Anh Thuận với gánh rau nặng trĩu


Trụ cột vững chãi


Trên vỉa hè đường Hàn Hải Nguyên (P.8, Q.11, TP.HCM), anh Trần Văn Hải (52 tuổi) người nhỏ thó, đen nhẻm lúi húi cột lại những đòn bánh tét lên chiếc xe đạp. Khi thấy có khách mua, anh ân cần cắt bánh cho khách. Nhìn chiếc xe đạp treo toòng teng vài chục đòn bánh tét, không ai nghĩ anh Hải nuôi hai cậu con trai học đại học.


Từ xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, mỗi ngày anh Hải đón xe đò lên thành phố bán bánh dạo. Bắt đầu công việc từ 14g, anh Hải đạp xe gần 50 cây số quanh các con đường thuộc các Q.11, Tân Bình, Bình Tân đến tận 20g mới ra bến xe miền Tây đón xe về. Nhắc đến công việc hiện tại, anh vui vẻ kể: “Tôi bán bánh 28 năm rồi. Vợ gói bánh, buổi tối về tôi cũng tranh thủ phụ bả. Làm bánh không cực nhưng đi bán cực quá. Nhất là những ngày mưa gió, kẹt xe, ngập nước. Có lần, bánh dư nhiều, đem về lỗ chết nên nước ngập hơn nửa bánh xe đạp cũng ráng đi bán. Bữa đó về, đổ bệnh luôn”.


Nhắc đến con, gương mặt anh Hải dãn ra, nở nụ cười hạnh phúc. Vợ chồng anh có hai trai, một gái. Người con gái lớn làm nghề thêu. Cậu con trai thứ hai học năm cuối Đại học Ngân hàng, còn cậu con trai út học năm hai Đại học Bách khoa TP.HCM. Khi chúng tôi hỏi đến tên hai cậu con trai, anh Hải từ chối khéo: “Thôi đừng viết tên tụi nhỏ lên báo. Lỡ bạn bè biết cha của mình đi bán bánh dạo, tụi nó mắc cỡ, tội nghiệp lắm”. Kể về cô con gái đầu gần 30 tuổi vẫn chưa lập gia đình, anh Hải xúc động: “Thấy hai em trai còn đi học, cháu làm được nhiêu tiền đều gom góp phụ ba mẹ nuôi em nên chưa chịu lấy chồng”. Với anh, niềm hạnh phúc đơn giản là mỗi ngày đều bán hết bánh để có tiền cho con ăn học.


Anh Hải từ Bến Tre lên thành phố bán bánh tét dạo


Tại khu chợ rau muống (ấp 7, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM, anh Nguyễn Văn Thuận xếp từng bó rau muống. Một vài người quen đến lấy hàng. Từ Thái Nguyên xa xôi, anh Thuận cùng vợ vào TP.HCM bươn chải đủ nghề, từ phụ hồ, bán trái cây dạo đến chạy xe ôm… Một người anh thuê đất trồng rau muống khấm khá, rủ vợ chồng anh Thuận về làm cùng. Họ ký hợp đồng với chủ, thuê năm công đất trong ba năm để trồng rau muống. Tự làm từ khâu trồng cho đến cắt bán.


Bình quân mỗi bó rau muống (khoảng 3kg) bán được 12.000đ. Sau khi cắt đủ 40 bó, anh Thuận xếp cẩn thận lên đôi quang gánh. Anh cho biết: “Nhìn vậy chứ nặng lắm. Đàn ông mới gánh được chứ phụ nữ sao làm nổi. Tôi không bao giờ để vợ gánh rau, lỡ cong vẹo cột sống thì lại khổ”. Cũng theo anh Thuận, rau muống nếu cắt từ sớm sẽ bị héo nên người trồng thường phải cắt từ chiều đến đêm. Mỗi lượt thường chỉ cắt từ 50-100 bó, cắt xong là gánh ra chợ giao ngay. Sau đó lại về cắt đợt mới, có hôm khách mua thêm, vợ chồng anh phải cắt đến tận 22g mới kịp. Bao nhiêu tiền lời bán được từ gánh rau, anh Thuận giao hết cho vợ để gửi về quê nuôi hai con.


Mỗi ngày dạo quanh các con đường, các khu chợ ở thành phố, có rất nhiều người đàn ông tảo tần với công việc buôn bán lặt vặt vốn được xem là của phụ nữ. Với họ, niềm hạnh phúc lớn lao chỉ là sau một ngày vất vả với những gánh rau, con cá, họ có được đồng ra đồng vào để lo cho cuộc sống gia đình.


Nguyễn Nga


http://phunuonline.com.vn/tinh-yeu-hon-nhan/goc-dan-ong/dan-ong-chay-cho/a131793.html