Cựu Thống đốc đồng tính Jim McGreevey: Cuối chiều tự thú
Gần 10 năm trước, một chính khách trẻ tuổi đầy triển vọng, luôn khao khát "trèo cao" để khẳng định bản thân đã buộc phải chấp nhận một cú ngã đau đớn và đầy cay đắng. Với một lời tự thú đầy nghiệt ngã "Tôi là một người Mỹ đồng tính", sự nghiệp của Jim McGreevey, khi ấy là Thống đốc bang New Jersey bỗng dưng đứt đoạn khi những bê bối tình ái động trời được tiết lộ. Chính trường chối bỏ ông như hình phạt dành cho một kẻ mắc phải căn bệnh thế kỷ, còn người dân bang New Jersey cảm nhận một sự sỉ nhục chưa từng thấy trong lịch sử.
Từ bỏ vị trí thống đốc đã gần chục năm, Jim giờ đây sống khép kín và dè dặt hơn ngày trước, khác xa hình ảnh một chính khách trẻ năng động, thông minh và đầy quyết đoán. Khi những dư chấn đã lắng theo thời gian, Jim McGreevey đã mở lòng bằng cuốn tự truyện "The Confession" (Sự thú nhận), và đặc biệt cuộc phỏng vấn với nhà báo Lloyd Grove trên tờ Daily Beats ngày 18/1/2013 vừa qua đã hé lộ một cách nhìn gai góc đầy đau đớn về cuộc đời đồng tính kín đáo của một người đàn ông có vợ và đang ở đỉnh cao trong chính quyền Mỹ.
Những mâu thuẫn còn giấu kín
Năm 2004, Jim McGreevey khi đó còn là Thống đốc bang New Jersey đã tuyên bố từ chức sau khi thừa nhận ông là người đồng tính và có quan hệ với phụ tá nam Teddy Pedersen nhiều năm. Pedersen thường xuyên ngủ cùng phòng khách sạn với vợ chồng nhà Jim trong những chuyến công tác xa nhà. Mối quan hệ này vẫn tiếp tục sau khi Jim McGreevey và Dina Matos kết hôn năm 2000 nhưng đã chấm dứt khi ông Jim đắc cử chức Thống đốc New Jersey năm 2001.
Thú nhận của Jim từng được coi là lời tiết lộ chân thực và dũng cảm nhất từ trước tới nay trong giới chính trị gia tại Mỹ. Thế nhưng, nó chẳng khác nào "một quả bom nguyên tử" phát nổ ở New Jersey. Thực ra, quyết định từ chức nhằm tránh một vụ tống tiền liên quan tới chuyện tình của Jim. Cựu thống đốc tiếp tục có quan hệ bí mật với Golan Cipel, một điệp viên được Cơ quan Tình báo hải ngoại Israel (Mossad) cài vào bộ máy chính quyền bang New Jersey nhằm trả thù Jim vì ông thường xuyên mạnh tay với các hành động kỳ thị sắc tộc và tôn giáo của người Israel đối với người Hồi giáo.
Cipel đã đòi bồi thường số tiền lên tới 50 triệu USD nhằm đổi lấy việc không công khai các thông tin bất lợi cho Jim. Cipel cho rằng chính Jim đã xúi giục anh ta công khai đồng tính, hứa hẹn một cuộc sống "trong mơ" bằng một đám cưới và nhiều lần bị chính cựu Thống đốc lạm dụng tình dục.
Trách nhiệm đạo đức khiến ông cảm thấy tội lỗi và xấu hổ khi đã quan hệ với một người đàn ông khác, xâm phạm đến cuộc sống gia đình vốn đang hạnh phúc. "Điều đó thật sai trái. Điều đó thật ngu xuẩn. Điều đó là không thể bào chữa được. Vì điều đó tôi xin được vợ tôi tha thứ và bỏ qua". Ở tuổi 56, Jim McGreevey đã có hai đời vợ và là cha của hai cô con gái. Tại một cuộc họp báo, khi nói về tình yêu và nghị lực, về sự tôn trọng đối với hai người vợ, ông thừa nhận: "Từ khi còn học ở đại học cho đến nay, tôi đã nhận ra một tình cảm khác lạ - một thứ cảm giác khiến tôi tách khỏi cảm giác với những người con gái".
Vậy thì tại sao ông lại lập gia đình với phụ nữ, và không chỉ một lần? Có lẽ Jim muốn che đậy tình cảm thật và muốn sống cuộc sống như bao người "bình thường" khác. Ông không muốn bị xã hội nhìn bằng con mắt khác thường về vấn đề giới tính. Ông muốn có một đời sống gia đình vợ - chồng, hoặc ít ra là ông không thoát khỏi quan niệm truyền thống rằng gia đình và hạnh phúc gia đình là của một nam và một nữ. Ông muốn bảo đảm con đường công danh và sự nghiệp chính trị với niềm tin sâu sắc vào Công giáo rằng thành công không có chỗ cho những kẻ "không bình thường".
Với bản thân, ông đã không thoát khỏi những ràng buộc quá chặt chẽ và đau đớn của xã hội. Ông không thắng nổi chính nỗi sợ sệt trước những dị nghị của dư luận, chẳng có nổi một chút dũng khí nào để sống bằng con người thật. Cuộc đời Jim là một hành trình dài đấu tranh và vật lộn, lấy đau đớn về thể xác để che đậy một khao khát đau đớn trong tâm hồn. Jim McGreevey, dù thừa nhận có tình cảm với người cùng giới, lại không chấp nhận hôn nhân đồng tính.
Năm 2002, khi những người đồng tính tại bang New Jersey thúc đẩy vấn đề hôn nhân đồng tính, Jim đã trả lời rằng "Luật bang New Jersey đã được xây dựng, không thể bị phá bỏ. Bất kỳ nỗ lực thay đổi nào đều có tác động bất lợi, và khiến chính người dân phải hoang mang, xã hội rối loạn".
Động cơ thật sự của phát biểu này thì chỉ mình Jim biết. Có thể ông chưa từng trải nghiệm một tình yêu đồng giới chân thật, để có thể biết đến khát khao của thế giới thứ ba đối với hôn nhân. Có thể là ông đã có vợ con và xem hôn nhân đồng giới nằm ngoài quan tâm của cá nhân. Và cũng có thể đó là bước đi chiến lược đối với vấn đề này vào năm đầu nắm quyền của ông, bằng sự che đậy khéo léo cho một tương lai chính trị tốt đẹp.
Jim McGreevey tuân thủ những quy định của bang, nhưng bề sâu của vấn đề chính là việc ông đang chịu sự chi phối mạnh mẽ của các định kiến xã hội, sợ hãi núp mình trong bóng tối để tìm tới một cuộc sống yên bình. Dù có lẩn tránh, sống hoàn toàn bằng trách nhiệm và đúng mực với đời sống gia đình, vẫn không tránh khỏi có lúc Jim trở về đời sống tình cảm thật. Jim được người vợ đứng bên cạnh, cầm lấy tay ông khi công khai sự thật. Sự ủng hộ tinh thần đó trước sự việc "động trời" cho thấy sự ủng hộ to lớn của người vợ "tay ấp má kề", vẫn hết lòng tin tưởng người chồng. Thế nhưng, vẫn đến lúc Jim chẳng thể kìm nén cảm xúc với Cipel, dẫn tới một kết thúc đổ vỡ đau thương của gia đình cựu thống đốc này.
Từ trái sang: Jim McGreevey, Teddy Pedersen và Dina Matos.
Trở thành tu sĩ để được giải thoát?
Jim McGreevey viết tự truyện "The Confession", bày tỏ một cách nhìn gai góc về cuộc đời đồng tính kín đáo nhưng là một người đàn ông có vợ và đang ở đỉnh cao quyền lực. Lương tâm Jim cắn rứt vì phải che đậy khuynh hướng giới tính trong quá trình ông đạt được những chức vị cao qua những cuộc tuyển cử - từ một Hạ nghị sĩ cho đến thống đốc của một trong những tiểu bang quyền lực nhất liên bang. Ông dựng lên "một bức tường thép xung quanh đạo đức và bản năng tình dục", mà ông sau này gọi là cơ ngơi của một chính khách thành đạt.
Cuốn tự truyện "The Confession" hé lộ nhiều thông tin về chuyện đời của cựu thống đốc Jim.
Khi viết về quan hệ với Cipel, Jim nói rằng nhân tình của ông làm cho ông mê đắm hơn quyền lực. Ông miêu tả nụ hôn đầu tiên với Cipel như là việc làm đầu tiên có ý nghĩa trong cuộc đời. Một người đồng tính nhưng phải sống "thẳng", Jim chán nản đi kiếm tìm tình yêu của riêng ông. Cuốn sách là những phút giây trải lòng đầy tủi nhục của một cựu thống đốc khi phải tìm cách thỏa mãn với những người vô danh trong các nhà sách ở New York hay New Yersey, thậm chí tại các bãi đỗ xe và khu vườn ở một giáo đường bỏ hoang.
Ông nói đã nghĩ đến việc từ bỏ nghiệp chính trị và công khai giới tính sau thất bại tại cuộc đua đầu tiên cho chức thống đốc vào năm 1997. "Tôi đang ở ngã ba đường. Nếu người khác có thể từ bỏ con đường này và trở thành chính mình thì tôi lại bị thôi thúc phải chạy đua đến chức thống đốc". Thời còn là chính khách, Jim McGreevey buộc phải thỏa hiệp với chính mình, đặc biệt khi phải làm thỏa mãn những nhà tài trợ cho chiến dịch tranh cử. "Chẳng thể nào lấy một số tiền lớn của người khác mà không làm cho họ một điều gì đặc biệt và lời hứa của cá nhân phải đáp trả...". Jim cố gắng để làm ra vẻ ngây thơ trước mọi sự đổi chác khó khăn, gọi đây là vũ điệu của những tay chơi chính trị không hề biết sợ.
Với Jim McGreevey, làm chính khách là tiến hành những cuộc đua chính trị bạc tỉ. Những thăng trầm, thỏa hiệp và ràng buộc khiến những cuộc đấu trên chính trường càng trở nên căng thẳng. Jim đã từng từ bỏ mọi thứ để chạy theo tiền, tham vọng và thiết lập những khối đồng minh với niềm tin họ sẽ trợ lực giúp ông. Cuộc đời vốn lắm chữ "ngờ", đồng minh của ông thực ra chẳng khác nào người dưng nước lã. Chỉ tới khi suy sụp Jim mới hiểu giá trị của gia đình và những người thân bên cạnh. Thế nhưng, gia đình cũng chẳng thể xoa dịu nỗi đau cho Jim McGreevey khi ông lần lượt mất đi những người thân yêu nhất sau hai lần ly hôn. "Cuộc sống vẫn tiếp diễn qua 9 năm, và tôi vẫn vậy", Jim từ chối trả lời ký giả về hành trình cuộc đời ông những năm sau khi từ chức.
Ai biết Jim cũng đều thừa nhận rằng con người này vốn đam mê chính trị và chẳng dễ dàng từ bỏ "thú vui tao nhã mà khắc nghiệt" ấy. Từ những năm 90, Jim đã theo đuổi chiếc ghế thống đốc bang, và rồi liên tiếp nắm giữ cương vị danh giá này cho tới khi buộc phải từ chức vì chuyện cá nhân. Jim kiệt sức, bị dư luận gào thét và đón nhận những lời lẽ chẳng mấy hay ho cho cái sự "giới tính bất thường" của ông.
Khao khát năm nào giờ đã tan biến, thay vào đó là những lời nói trống rỗng, buồn tẻ: "Tôi đã hoàn toàn thoát khỏi nghiệp chính trị, và tôi muốn mãi mãi rời xa những cám dỗ của địa vị, tiền bạc mà lòng tự trọng và tham vọng điên cuồng đã từng điều khiển bản thân tôi". Jim cũng chẳng hề mong đợi sẽ có một ứng viên đồng tính nào đó dám chạy đua vào hạ viện hay giành quyền làm thống đốc của bang nào đó.
Buổi họp báo truyền hình trực tiếp năm 2004 trở thành vết thương đau đớn nhất cuộc đời Jim, bởi lẽ chính giây phút ấy ông thừa nhận với toàn thể người dân Mỹ về con người thực của ông, với khao khát được sống thật và từ bỏ sự dối trá bấy lâu nay Jim đang cố che đậy. Jim suy sụp hoàn toàn, phải tìm tới thuốc an thần và trở thành con bệnh của một trung tâm cai nghiện thuốc phiện, luôn bị ám ảnh và dày vò bởi chứng suy nhược thần kinh.
Nỗi sợ Jim cất giấu những năm qua khiến ông phải chạy trốn bởi vì gia đình Công giáo của ông coi đồng tính là một tội ác khủng khiếp. Nhưng đó vốn chỉ là thứ tư duy do chính con người sáng tạo nên, coi rằng mọi vật đều phải tuân theo những quy luật bất biến theo một vòng tuần hoàn "sinh, lão, bệnh, tử". Với Jim McGreevey, tôn giáo cho ông một điểm tựa để nuôi dưỡng niềm tin vào công lý, nhưng quá khứ đã cho Jim thấy một thứ tư duy cứng nhắc, độc đoán và khắc nghiệt.
Ông quyết định từ bỏ Công giáo, không dám vào nhà thờ vì quy định không công nhận sự tồn tại của những người đồng tính. Jim theo học và tìm hiểu về thần thánh cùng những giáo lý về cuộc đời con người tại Viện Nghiên cứu thần học, với ý định sẽ trở thành một tu sĩ và đem hiểu biết kêu gọi bình đẳng cho những cá nhân có chung số phận với ông. Ông sẽ sống với niềm tin, thay đổi sai lầm và hoàn thiện bản thân tới mức thật "hoàn hảo".
Jim dễ gần, thân thiện và có phần đáng yêu trong nhận xét của những người bạn. Người đàn ông này rất dễ đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh, mỏng manh bằng tâm hồn cởi mở và yếu đuối của một chính khách từng chỉ biết "hành động bằng lý trí". Jim tạo những ấn tượng sâu sắc với bất kỳ ai ông từng tiếp xúc, cách nói chuyện thân thiện và "kỹ xảo" lấy lòng người đối diện khiến mọi câu chuyện đều trở nên vô cùng thoải mái. Thế nhưng, con người này từng rất hoang mang và luôn ép mình sống trong gia đình "bình thường" với vai trò làm cha, làm chồng đúng nghĩa.
Ông biết dư luận sợ hãi trước hình ảnh một chính khách đồng tính quyền lực, suy cho cùng bởi vì họ không bao giờ chấp nhận sự giả dối phía sau Jim, được bảo vệ tuyệt đối bằng vẻ ngoài hiền lành, tài năng ít người sánh được và một gia đình rất hạnh phúc. Jim buộc phải thừa nhận, vào một lúc nào đó trong cuộc đời, ông đã tự nhìn thẳng vào tấm gương của tâm hồn và nhận ra bản thân thuộc về một thế giới hoàn toàn khác: "Tôi chỉ hy vọng tìm thấy sự giải thoát cho chính mình, và thoát khỏi những dối trá của thời gian đã qua…"