Thực tế cho thấy, từ sự quan tâm đến công cụ truyền thông là mạng xã hội đến việc sử dụng nó như thế nào cho hiệu quả, hạn chế những tác hại lại là việc không đơn giản.










Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng đồng thời là một facebooker khá "nổi" và ông sử dụng


nó cho công việc cũng rất hiệu quả. (Ảnh: Strait Times)



Với hơn 36 triệu người dùng internet, khoảng hơn 20 triệu tài khoản facebook đang hoạt động, và mỗi người dùng điện thoại thông minh tiêu tốn tới 17 phút mỗi ngày cho mạng xã hội ở Việt Nam, quả thật, mạng xã hội đang thực sự trở thành một công cụ quan trọng không chỉ với các doanh nghiệp, giờ đây các chính trị gia, các công chức và cơ quan công quyền cũng bắt đầu phải quan tâm nhiều hơn đến kênh thông tin này.



Tuy vậy, thực tế cho thấy, từ sự quan tâm đến công cụ truyền thông này đến sử dụng nó hiệu quả, hạn chế những tác hại lại là việc không đơn giản.



Bác sĩ Ko Wen-je vốn không phải là người được nhiều người biết đến. Chức thị trưởng thành phố Đài Bắc cũng không phải là một chức danh được nhiều người quan tâm và có nhiều ảnh hưởng, cho đến khi bác sĩ Ko Wen-je sử dụng sức mạnh của internet và mạng xã hội trong chiến dịch tranh cử của mình để chiến thắng, trở thành thị trưởng Đài Bắc với ngân sách tranh cử vỏn vẹn 87 triệu đô-la Đài loan (khoảng 2,7 triệu đô-la Mỹ). Vị bác sĩ trưởng khoa chấn thương của bệnh viên Đại học quốc gia Đài loan, một ứng cử viên độc lập, đã giành được 57,16% số phiếu bầu, chiến thắng vang dội trước đối thủ của ông, Sean Lien, con trai cựu Thủ tướng Lien Chan, ứng cử viên của Quốc dân đảng với một ngân sách tranh cử lớn hơn hàng chục lần.



Sự khác biệt của bác sĩ Ko nằm ở cách mà ông sử dụng internet và mạng xã hội trong cuộc tranh cử của mình. Ông Ko đã bắt đầu chiến dịch tranh cử của mình, thực hiện việc quyên góp, vận động tranh cử,...với việc sử dụng tối đa các mạng xã hội và internet. Suốt chiến dịch tranh cử, bác sĩ Ko chỉ tiêu một khoản nhỏ cho quảng cáo truyền hình, và tận dụng không gian internet để lắng nghe các ý kiến, tìm kiếm sự ủng hộ. Nhiều cử tri trẻ đã quan tâm đến chính trị và cuộc tranh cử thông qua những chiến dịch của bác sĩ Ko. Vợ ông, bà Pegger Ko, cũng đã tham gia tích cực vào chiến dịch tranh cử của bác sĩ Ko thông qua trang Facebook với hơn 200.000 người theo dõi. Vài tuần trước khi chiến dịch tranh cử kết thúc, nhóm vận động tranh cử của bác sĩ Ko tuyên bố ngừng tiếp nhận các khoản đóng góp, vì họ đã có đủ kinh phí trang trải cho chiến dịch. Khi chiến dịch kết thúc, bác sĩ Ko cũng đã dùng internet để trình cho các cử tri bản kê chi tiết cho các khoản chi tranh cử, trong bản kê các chi phí dài 37 trang đó thậm chí bao gồm cả khoản 80 tệ (khoảng 3 đô-la) để mua...tỏi.



Chiến thắng của bác sĩ Ko, đặc biệt cách ông dùng mạng xã hội để trò chuyện với các cử tri trẻ và lắng nghe họ, đã trở thành đề tài được nói đến trên nhiều tờ báo ở Đài Loan, ở Trung Quốc và nhiều tờ báo quốc tế khác. Tại Singapore, vài tuần trước, trang Facebook của Thủ tướng đương nhiệm Lý Hiển Long đã đạt mốc nửa triệu người theo dõi, mọi người thích thú với việc ông Lý Hiển Long chia sẻ không chỉ các quan điểm chính sách, mà còn cả những khoảnh khắc cá nhân, ví dụ cách ông chụp ảnh "tự sướng" từ bệnh viện, hoặc cách ông tâm sự trong ngày đầu năm âm lịch về việc "không được gặp bố tôi và đây là năm đầu tiên gia đình họ Lý không có bữa tối sum họp"... Những thông điệp chính sách cũng được đưa ra trong những câu chuyện đang thu hút sự quan tâm của nhiều người dùng internet, những câu đùa khiến mọi người cảm thấy ông Lý thật gần gũi với họ.









Trang Facebook của Tổng thống Mỹ Barack Obama được sử dụng trong chiến dịch tranh cử



Ở một cách tiếp cận khác, các trang Facebook của ông Obama và bà Michele lại không được vận hành theo cách như vậy, khi mà đội ngũ truyền thông của Nhà Trắng phải quản trị tới hơn 45 triệu người theo dõi trang của ông Obama và hơn 14 triệu người theo dõi trang của bà Michelle. Trang facebook cá nhân của ông Obama và bà Michelle được sử dụng để đưa các thông tin chính sách và trích dẫn từ trang blog của Nhà Trắng, cũng ít có những tương tác, trao đổi với người theo dõi trên trang của ông Obama.



Những ví dụ được nêu trên đây có thể là những tham khảo đáng để tâm cho các công chức, viên chức và quan chức ở nước ta khi cân nhắc sử dụng mạng xã hội như một kênh giao tiếp với công chúng, công dân.



Sẽ có vài ba vấn đề phải quan tâm ở đây:



1. Công chúng sẽ mong muốn nhìn thấy sự tương tác, hình ảnh con người ở trang mạng xã hội của công chức, cán bộ. Hình ảnh con người sẽ thể hiện từ các ý kiến và hình ảnh có tính chất cá nhân, những câu đùa hay những bông lơn, sự tương tác,... Ở đây có thể coi ông Lý Hiển Long và bộ phận truyền thông của ông là những người xuất sắc. Ông Lý Hiển Long thậm chí có thể đưa những câu đùa như "Vừa kiểm tra lại hồ sơ mà Bệnh viện SGH đưa cho tôi khi xuất viện, và nhận thấy có hai cái giấy cho phép nghỉ. Chắc là nên đưa cái này cho người chấp thuận cho tôi nghỉ phép :-D Lý Hiển Long" Với hastag "#justforfun"/đùa chút thôi và ghi chú "photo by me/ảnh do chính tay tôi chụp".









Tuy vậy, quản trị thế nào để có thể tương tác với hàng chục ý kiến mỗi ngày lại không đơn giản, tất nhiên, việc chính hàng ngày của ông Lý Hiển Long không phải là nói chuyện trên facebook, mà là điều hành đất nước, do vậy để có được cá tính cho một trang mạng là không đơn giản, và không khéo sẽ dẫn đến vô duyên hay giả dối, lúc đó lợi sẽ bất cập hại, bởi cảm giác của công chúng là thứ khó quản trị.



2. Công chúng không chỉ nói chuyện với cá nhân anh, họ nói chuyện với chức vụ mà anh đang nắm giữ, nghĩa vụ mà anh đang thực hiện, quyền năng mà anh đang có. Điều này cũng có nghĩa là, anh sẽ phải đảm bảo tính năng đại diện cho cơ quan và vị trí nơi anh ngồi. Điều này thật khó khăn để có thể tạo ra sự gần gũi và để kiềm chế bản tính hay cảm xúc cá nhân của mình. Ví dụ, đã là công chức hay cán bộ, và sử dụng mạng xã hội cho công việc, anh phải hiểu rằng anh không thể đôi co, không đưa nhiều cảm xúc cá nhân vào đó. Việc phân định rạch ròi được giới hạn của riêng tư và công việc trong cùng một trang facebook là không đơn giản, nhưng lại là nghĩa vụ đương nhiên của người chủ nó.



3. Mạng xã hội là một kênh tương tác, tức là sẽ bao gồm cả nói và nghe. Khả năng nghe, thu nhận thông tin và tương tác chính là những điểm mạnh của ông Lý Hiển Long và bác sĩ Ko Wen-Je. Nghe và đối thoại với người dùng ở chừng mực đủ sẽ giúp tạo ra hình ảnh chân tình, gần gũi của cán bộ, công chức với công chúng, khi đó, các thông điệp chính sách được đưa ra sẽ dễ thuyết phục và gần gũi hơn. Nếu ở thời điểm ông Obama tiến hành chiến dịch tranh cử tổng thống, việc tìm kiếm những câu chuyện thật làm nguyên liệu cho các bài diễn văn của ông hẳn là không đơn giản, thì ngày nay, những người kế nhiệm của Jon Favreau sẽ dễ dàng hơn khi sử dụng các trang mạng xã hội để tìm kiếm những câu chuyện phù hợp.



4. Bởi vì các trang mạng xã hội của cán bộ, công chức được công chúng hiểu là một kênh tiếp cận chính thức của chức vụ họ đảm nhiệm, cơ quan họ đại diện, sẽ là rất hợp lý khi các công chức, cán bộ sử dụng các trang mạng xã hội như vậy chính thức và được điều hành chuyên nghiệp, theo các quy tắc của cơ quan công quyền về nguyên tắc phát ngôn và hành xử với công chúng. Cá nhân tôi cho rằng, các cơ quan liên quan sẽ cần phải sớm có những quy phạm liên quan, bởi vì, những ý kiến của công chức, cán bộ cho dù ở trang mạng xã hội cá nhân, sẽ dễ dàng được trích dẫn như những quan điểm chính thức của chức vụ họ đảm nhiểm, hay cơ quan họ đại diện. Đối với công chức, cán bộ, nếu sử dụng các trang mạng xã hội với tư cách cá nhân, hẳn nhiên là cần cân nhắc khi chia sẻ thông tin, không chỉ là nội dung mà cả đối tượng người đọc, ví dụ để chế độ đọc công cộng hay chỉ giới hạn ở các bạn bè, hay một nhóm nhỏ nào đó có thể xem. Và đương nhiên, cần hiểu rõ, đầy đủ các chức năng của một trang mạng xã hội.



Cuối cùng, dù sao thì cũng cần phải nhìn nhận thực tế là kỷ nguyên của mạng xã hội, của truyền dẫn tốc độ cao đã cung cấp những công cụ tuyệt vời cho cán bộ, công chức, các cơ quan công quyền thiết lập những kênh tiếp xúc, tương tác tốt hơn nhiều so với trước đây. Ý kiến của Thủ tướng trong phiên họp Chính phủ hồi cuối năm trước có thể coi là một chỉ dấu rõ ràng của việc chủ động tích cực sử dụng công cụ này, tuy nhiên, để có thể thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng, cần phải có sự chuẩn bị tốt, điều hành tốt để sử dụng công cụ này.



Phạm Quang Vinh


http://infonet.vn/cong-chuc-va-mang-xa-hoi-post159634.info