“Ra thêm bài tập cho học sinh, giáo viên cũng mất công lắm chứ. Tất nhiên, các cô mất công thế để còn dạy thêm” – một giáo viên tiểu học thẳng thắn nhận xét.


Tiếp tục các đề bài gây sốc


Chị Thu Phương chia sẻ “kinh nghiệm” về một lần dạy con học: Nhà tôi có cháu học lớp 1, hôm con có bài toán đếm số hình tam giác, 14 tam giác nhằng nhịt vào nhau, mẹ đếm ra một kết quả, con đếm một kết quả, bố giải thích mãi và đếm đi đếm lại cho con hiểu và chỉ phương pháp đếm. Hỏi con cô có dạy con đếm thế không, nó nói cô không dạy chỉ bảo đếm hình nào có 3 cạnh là hình tam giác.


“Giờ cho các cháu học sao khó thế” – chị Phương nhận xét. “Sách thì in sai, in lỗi rất nhiều, ví dụ bài tập đọc là “cậu bé chăn cừu”, sang bài Tiếng Việt nâng cao hỏi thành “cô bé chăn cừu”, giải thích mãi con không chịu nghe đành đồng ý cho chữa vào sách như trên lớp. Con trẻ giờ nó cũng thông minh và rất có chính kiến mà ngành giáo dục lờ mờ và chậm chạp vậy sao?”.


Anh Hoàng Anh cung cấp một đề toán mà anh cho rằng “quá hiểm”. Đề bài là “Điều số thích hợp vào ô trống sao cho tổng của 3 số liền nhau = 69:









Bài toán "quá hiểm"


“Để làm xong bài này các cháu phải làm hàng chục phép tính. Chưa kể đó mới chỉ là 1 trong 5 bài toán trong 1 phiếu bài tập mà con tôi được giao” – anh Hoàng Anh bức xúc.


Anh Đức Trí than thở: “Cách đây 2 năm, kể từ ngày con tôi vào lớp 1, gia đình đã không còn biết đến 2 chữ "nghỉ lễ" dịp 30/4 và 1/5 nữa rồi. Không hiểu giáo dục kiểu gì mà một năm có 4 kỳ thi thì cứ trước mỗi kỳ thi khoảng 2 tuần là lại có 1 xấp đề thi ôn luyện được cô phát về cho làm. Nào là các đề thi năm trước, các đề các cô "sưu tầm" từ các trường khác... Mới có tiểu học mà cực như thi đại học vậy đó! Hồi thi giữa kỳ học kỳ I lớp 1, người lớn nhà tôi ai cũng bị sốc hết, đến bây giờ thì đã quen rồi! Bức xúc lắm nhưng chẳng làm được gì! Và từ đó cùng phát hiện ra tình trạng các cô dạy cho thật nhanh trước chương trình, mặc cho báo bài về nhà ghi một đằng, còn thực tế thì một kiểu. Cô giải thích là dạy trước rồi đến trước kỳ thi sẽ ôn lại. Chưa kể đến mấy đợt hội diễn văn nghệ 20/11 hay lễ hội gì gì là cô trò phải huy động thời gian để tập văn nghệ nên bài vở cứ phải đi trước, đây nhanh tiến độ”.


Càng học càng căng thẳng


Phụ huynh học sinh cấp học trên cũng kêu trời việc trẻ con mà không có nổi một kỳ nghỉ bằng người lớn. Chị Thanh Thủy cho biết: “Con tôi học lớp 7 cùng như vậy, mang tiếng là được nghỉ ngày 30/4 và 1/5 nhưng ngày 2/5 phải đi thi thì làm gì còn ngày nghỉ lễ nữa, phải lo học để còn thi chứ vì thi 1 ngày 2 môn luôn. Trong khi đó thi xong thì cả tháng 5 ngồi chơi. Tại sao Nhà trường không lên lịch thi lùi lại vài ngày để các con có ngày nghỉ lễ trọn vẹn, không phải lo học hành?”.


“Ức không chịu nổi!” là tâm trạng của một phụ huynh có con học lớp 3. “Định cho đi du lịch mấy ngày đành phải huỷ tour vì vừa ôn thi hoc kỳ vưa phải tham gia kỳ thi Mover ngày 3/5!” – vị này cho biết.


Tuy nhiên, một phụ huynh “tố” kiểu làm ăn gian dối trong việc ôn thi: “Tôi có con gái đang học lớp 4. Kỳ thi học kỳ năm nay, khi được bố mẹ hỏi về học để chuẩn bị thi như thế nào thì cháu có nói được cô giáo phân công làm đề cương môn khoa học, 1 bạn khác làm đề cương môn lịch sử... Các môn đều như vậy, những môn không phải học thuộc như toán thì lại ra các dạng đề gần với bài thi để học sinh luyện trước cả tuần. Sau khi hoàn thành đề cương, cô giáo sẽ đem photo cho mỗi thành viên trong lớp một bản để chép khi làm bài thi.


Những năm trước thì cháu chỉ nói có môn văn là cô đọc cho cả lớp chép và về học thuộc, tôi nghĩ dù sao cũng phải học thuộc nên không có ý kiến. Nhưng với kiểu là của năm nay, tôi thấy đây là phương pháp không thể chấp nhận được. Bệnh thành tích này sẽ làm các cháu học cách đối phó, gian lận ngay từ khi còn nhỏ, không tốt cho phát triển nhân cách về sau”.


“Cho bài khó để cô dạy thêm”


Đây là nhận xét thẳng thắn của một giáo viên đang dạy lớp 1 của một trường có tiếng ở trung tâm Hà Nội.









Ảnh: ST


Cô giáo này cho biết: “Như ở trường tôi, đầu năm thì đúng là có hiện tượng các cháu được yêu cầu về luyện viết thêm, vì các cô lo các cháu không học hè chữ xấu, viết chậm. Tuy nhiên trong các phiếu tập viết gửi về nhà có ghi chú ở bên dưới là không bắt buộc. Mặc dù vậy, điều này cũng làm phụ huynh khá căng thẳng.


Sau này, khi lớp đã đi vào ổn định, tôi không giao bài về nhà nữa, các con học trên lớp là đủ rồi. Nhưng điều này cũng phụ thuộc tâm lý của một số giáo viên. Đối với tôi, học sinh lớp 1 không cần phải viết chữ nét thanh nét đậm nhiều, chỉ cần viết đủ nét, viết nhanh, không ẩu là được.


Nhưng tôi biết cũng có giáo viên muốn học sinh của mình viết thật đẹp, đẹp hơn học sinh lớp bên cạnh, nên yêu cầu các con luyện nhiều.


Sách lớp 1 rất dễ, kể cả toán và Tiếng Việt. Trừ những cháu kém hơn các bạn thì nên làm thêm để luyện kỹ năng, hoặc cháu nào tham gia các cuộc thi giải toán trên mạng sẽ tăng cường bài tập ở mức độ cao hơn. Còn bình thường, các con chỉ học trên lớp là được, giáo viên không cần thiết phải ra thêm bài”.


“Nếu có giáo viên nào giao bài khó về nhà, tức là để các con phải đi học thêm”.


Cô giáo tiểu học này phân tích: “Việc làm phiếu bài tập giao về nhà cũng mất công lắm chứ. Các cô phải tự nghĩ ra bài tập, hoặc tìm bài ở những sách nâng cao, soạn đề cho phù hợp chương trình. Rồi đã yêu cầu các con làm bài thì sẽ phải chấm bài, vì không chấm chắc chắn các con sẽ không làm. Nói chung, giao phiếu bài tập về nhà là một việc khiến cô giáo mất công, nếu chỉ là để chạy kịp chương trình rõ ràng là không cần thiết.


Còn nếu bảo giao bài tập thêm để luyện thi học kỳ lại càng không đúng, vì đề kiểm tra tùy trường ra hoặc phòng giáo dục ra, sở ra chứ không phải là tự giáo viên ra, nên đề thường khá dễ vì phải phù hợp nhận thức chung của học sinh cả trường, cả khu vực”.


Về đề kiểm tra học kỳ, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội nhận xét:


“Theo quy định việc này được phân cấp, tùy địa phương, tùy trường ra đề theo chuẩn kiến thức kỹ năng chung. Với đề kiểm tra theo chuẩn chung này, học sinh miền núi thường đạt từ 5 - 10% giỏi, 10 - 20% khá thôi. Nhưng ở Hà Nội và các thành phố lớn khác cùng với đề ra theo chuẩn chung như vậy sẽ có thể có tới 50, thậm chí 70, 80% học sinh giỏi. Đó là điều bình thường”.


Trước việc có một số giáo viên giao quá nhiều bài tập cho học sinh làm thêm, ông Tiến thẳng thắn: “Những trường nào giao nhiều bài tập cho học sinh trong đợt nghỉ lễ là không nên. Chúng tôi đã khẩn trương nhắc nhở các trường. Có mấy ngày nghỉ hãy để học sinh được thoải mái”.





http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/173179/co-giao-bai-kho--mom--tro-di-hoc-them.html