Người phụ nữ gục xuống, ánh mắt như dại đi vì ngày cưới của chị và anh Nguyễn Tấn Đạt chỉ còn vài tháng nữa…
Thi công không bảo hộ
Tại công an phường Bình Thuận, Q.7, TP.HCM, ông Nguyễn Quốc Dũng, đại diện Công ty Công trình giao thông công chánh cho biết, anh Nguyễn Tấn Đạt chịu trách nhiệm kiểm tra áp lực đường ống phi 60cm. Khoảng 14h ngày 11/9, Đạt chui xuống đường cống trước số nhà 462 Huỳnh Tấn Phát. Nhưng khi vào được khoảng 40 mét thì gặp sự cố và không có tín hiệu.
Khoảng 20 phút sau chưa thấy Đạt trở ra, biết có chuyện chẳng lành, Nguyễn Trí Nguyễn và Hải (chưa rõ lai lịch) và một người nữa tên Thạch Diên (SN 1984, quê Trà Vinh) đã chủ động xuống để cứu Đạt. Nhưng vừa đi vào đường cống khoảng 20 mét, cả 3 thấy ngộp thở nên quay trở ra.
Do không đủ sức nên Nguyễn đã bất tỉnh khi còn cách miệng cống 20m, trong khi Hải và Diên gắng gượng được. Theo lời kể của những người dân chứng kiến, Đạt, Nguyễn không hề mặc quần áo bảo hộ lao động và không có thiết bị hỗ trợ gì khác. Chỉ đến khi gặp nạn, tại hiện trường mới xuất hiện 2 máy bơm hút nước (1 máy của lực lượng cứu hộ) để hỗ trợ cứu người.
Đang cố gắng đưa nạn nhân ra khỏi cống. Ảnh: Lê Du An
Theo ông Nguyễn Văn Thân, trực ban công an phường Bình Thuận, quận 7, Nguyễn Tấn Đạt, người đầu tiên tử nạn, không phải là công nhân của Công ty công trình GTCC vì nạn nhân không ký hợp đồng lao động với Công ty Công trình GTCC mà chỉ là người làm công nhật, làm ngày nào ăn ngày đó. Trong khi nạn nhân còn lại Nguyễn Trí Nguyễn mới 17 tuổi.
Nhiều người dân chứng kiến vụ tai nạn cho biết, sự cố xảy ra từ lúc 13h30 nhưng phải đến tận 16h cùng ngày, đội cứu hội cứu nạn mới có mặt tại hiện trường để đưa xác hai nạn nhân ra khỏi đường cống.
Về việc này, công an phường Bình Thuận thông tin thêm, ngay khi xảy ra sự cố, đơn vị thi công không báo chính quyền địa phương mà chính người dân khi thấy nguy hiểm, có người thiệt mạng mới điện thoại cho phường, đội cứu hộ tới.
Nghiệt ngã
Đến 20h, theo quan sát của VietNamNet tại hiện trường, một “bàn thờ” được dựng vội bên đường ngay nơi xảy ra sự cố bởi những người cùng làm ở công nhân làm cùng. “Bàn thờ” là mấy bao cát của đơn vị thi công còn sót lại, hai hộp cơm mua vội từ quán cơm ven đường. Những cây nhang nghi ngút khói trong ánh đèn đường nhập nhòe, một số công nhân đang lân rân cầu khấn cho người xấu số…
Cạnh “bàn thờ”, nhiều công nhân đơn vị thi công ngồi thất thần, không tin nổi đường cống mà ngày nào mình cũng “chui ra chui vào” lại cướp đi sinh mạng hai người bạn làm cùng.
"Bàn thờ" là bao xi măng với hai hộp cơm được mua vội bên đường... Ảnh: Quốc Quang.
“Đạt mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Nó là đứa hiền lành, thật thà và được mọi người thương lắm. Nó với con Thu thương nhau đã lâu, tính chuyện cuối năm nay cưới, nhưng vì em gái Thu cũng lập gia đình vào tháng 10 năm nay nên chúng nó đành dời lại vào đầu năm sau. Ai ngờ…”, mẹ chị Đào Thị Thu, (quê Long An), người yêu anh Đạt nghẹn ngào.
Chị Đào Thị Thu nức nở: “Đến giờ em vẫn không tin nổi anh ấy đã mất. Vậy là bao nhiêu dự định đám cưới, lập gia đình đều tan tành rồi. Vừa nghe tin em lập tức bắt xe đò từ Long An lên với hy vọng được nhìn mặt anh lần cuối...”.
Người dân xung quanh khu vực xảy ra tai nạn cho hay, từ trước Tết đến nay, ngay tại nắp cống tử thần này, đơn vị thi công đã liên tục “đào lên lấp xuống” không dưới chục lần,
Ông Nguyễn Văn Nam, nhà phường Tân Thuận Đông, đối diện nơi xảy ra tai nạn bức xúc: “Với kiểu thi công không bảo hộ, không có bình oxy mà chỉ “quần đùi” xuống cống như thế, liệu sự cố chết người có lặp lại?”.
21h30 phút cùng ngày, tại Bệnh viện quận 7, TP.HCM, gia đình anh Nguyễn vẫn chưa có mặt vì ở quê xa phải đi xe đò từ Cà Mau lên. Cô anh Đạt ở Tiền Giang cũng chưa lên kịp. Trước cửa nhà xác bệnh viện quận 7, chị Thu ngồi tựa lưng vào góc tường, khuôn mặt nhợt nhạt thất thần...
Ông chủ tiệm điện thoại đối diện nơi xảy ra tai nạn kể lại, trước khi chui xuống cống, Đạt đã qua tiệm của ông cầm chiếc điện thoại di động lấy 100.000 đồng để mua cơm trưa và đổ xăng. “Thằng đó nó làm ở đây lâu rồi, thấy hiền lành mà chăm chỉ lắm. Không ngờ lại ngắn số đến vậy!”.