Hai nữ kỹ thuật viên vật lý trị liệu bắt đầu động tác nhằm hạn chế co rút phỏng, tiếng rên khóc của bệnh nhi 12 tuổi xé tan sự yên tĩnh phía sau cánh cửa kính phòng cách ly khoa Phỏng Chỉnh hình Bệnh viện Nhi đồng 2.


Sau một tháng nhập viện điều trị, bé trai K Pây Y Dâu (Gia Lai) vẫn chưa ra khỏi phòng cách ly, toàn thân quấn băng trắng toát. Mỗi lần tập vật lý trị liệu, được tiến hành các bài co duỗi nhẹ nhàng trên giường bệnh là một cuộc vật lộn đau đớn với em.



Bác sĩ Nguyễn Quốc Hải, Khoa Phỏng - Chỉnh hình Bệnh viện Nhi đồng 2 nhớ lại lúc tiếp nhận, cả người bé như bị thiêu sống. Với diện tích bỏng lên đến 45%, bỏng lửa xăng độ 3, bệnh nhi được điều trị sốc phỏng, kháng sinh chống nhiễm trùng, theo dõi suy thận...Vượt qua giai đoạn nguy kịch một cách gian nan, sau thời gian dài cắt lọc liên tục những chỗ bong tróc, các bác sĩ chờ vết phỏng sạch sẽ để tiến hành ghép da.




Sau hơn một tháng nhập viện điều trị, bé trai K Pây Y Dâu vẫn chưa được ra khỏi phòng cách ly. Ảnh: Lê Phương.


Ròng rã túc trực chăm con, mẹ bệnh nhi cho biết có 3 đứa con, bé Dâu là con đầu lòng, khá nghịch ngợm. Khi bố mẹ đi làm rẫy thì ở nhà bé cùng bạn bè rút xăng xe máy mang về chơi. Chiều muộn vừa đi làm về thì chị thấy cả người con cháy như ngọn đuốc. Khi dội nước, lửa không tắt mà còn lan nhanh, chị được người hàng xóm la lớn chỉ dẫn nên mới biết cách mang tấm mền trùm lên người con để dập lửa.



"Mỗi lần vô phòng cách ly nhìn con thay băng đau đớn là mình chỉ biết khóc ròng, bị bác sĩ nhắc nhở hoài. Thỉnh thoảng mình bị sơ ý bỏng nhẹ đã đau đứt ruột, bỏng nặng vậy làm sao chịu nổi", người mẹ bộc bạch.



Ngồi trên giường đẩy đợi đưa vào phòng mổ ghép da lần thứ hai, bé gái có gương mặt xinh xắn Nghiêm Nguyễn Phượng Vũ
(Hải Yang, Đăk Đoa, Gia Lai) sợ hãi nép chặt vào tay mẹ. Hơn 2 tháng điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 là bấy nhiêu thời gian em vật lộn trong nước mắt cùng tình trạng suy kiệt, suy dinh dưỡng. Diện tích bỏng 40%, bỏng lửa độ 3,4, Vũ nhập viện với tình trạng bạch cầu tăng lên đến 41.800 trong khi bình thường chỉ khoảng 6.000-9.000. Em được các bác sĩ điều trị nhiễm trùng phỏng, nuôi ăn tĩnh mạch, kháng sinh liều cao, cắt lọc rồi ghép da...




Bé Vũ trên giường đẩy đợi đưa vào phòng mổ ghép da lần thứ hai. Ảnh: Lê Phương.


Chị Nguyễn Thị Dung, mẹ Vũ cho biết một buổi tối tháng 4, cả nhà đang nằm ngủ thì điện chập gây cháy nhà. Cứu được con gái ra khỏi nhà thì chồng chị ngất xỉu ngay trong đám lửa. Chị theo con gái xuống TP HCM điều trị còn chồng nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định. Tạm thời cả hai cha con đều giữ được mạng sống nhưng nhà cửa cháy trơ trụi, không còn tài sản gì nên 3 đứa con còn lại phải đi ở nhờ nhà người thân, viện phí điều trị đều đang trông chờ vào sự giúp đỡ của mọi người.



"Lúc đầu trong bệnh viện khi chứng kiến tình trạng của con, tôi đã ngất xỉu. Giờ chỉ biết động viên tinh thần của con, cố gắng thực hiện các bài tập theo hướng dẫn của bác sĩ giúp con đỡ sẹo. Tương lai không biết sẽ đi về đâu", chị Dung chia sẻ.



Các bác sĩ cho biết, mỗi ca bỏng nặng thật sự là một cuộc chiến vì điều trị thường lâu dài, trải qua nhiều giai đoạn. Nhiều bệnh nhân có thể may mắn giữ được mạng sống nhưng song hành cùng đó là nỗi đau thể xác, những vết sẹo, dày vò về tinh thần không dễ phai mờ. Chưa kể gánh nặng về kinh tế rất lớn vì đa số thuốc, kháng sinh điều trị bỏng đều rất đắt tiền, tổng chi phí có khi lên đến hàng trăm triệu đồng. Một điều dưỡng cho biết chỉ mỗi việc thay băng phỏng ở những em bé bỏng nặng mỗi lần phải sử dụng 30-40 miếng, tốn kém hàng triệu đồng.




http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/chuoi-ngay-dau-don-cua-benh-nhi-bong-3237721.html