(Quan điểm) - Không chỉ công nhận về chất lượng, việc đảm bảo nguồn nhân lực cũng như hạ tầng cơ sở cũng là những yếu tố quan trọng để xem xét.


Ths Ngô Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Đào tạo Thiết kế Vi mạch (ICDREC), thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) đã chia sẻ với Đất Việt sau khi Trung tâm vừa ký kết dự án hợp tác với Công ty CM Engineering (Nhật Bản).


Theo đó ICDREC sẽ có nhiệm vụ làm sản phẩm chip cảm biến không dây để thiết kế bộ phận cấp nguồn điện nằm trong vi xử lý thu phát sóng vô tuyến đa băng tần, đa hệ thống.



Đại diện ICDREC và CM Engineering ký kết hợp tác


Được biết CME - đơn vị chuyên cung cấp thiết kế các dịch vụ kiểm tra chứng thực cũng như cung cấp các IP có tính cạnh tranh cao đến khách hàng cho sự phát triển của vi xử lý không dây SoC.


Để được lựa chọn, ông Hoàng cho biết ICDREC phải tuân thủ những yêu cầu đặc thù của phía Nhật Bản.


"Đây là một quốc gia có đặc trưng là rất kỹ tính trong việc lựa chọn đối tác. Cho nên họ đã tìm hiểu, khảo sát gần 2 năm với các yêu cầu về cơ sở hạ tầng, các sản phẩm chip đạt chất lượng và nguồn nhân lực đảm bảo họ mới đi đến quyết định cuối cùng", ông Hoàng chia sẻ.


Việc ký kết được xem là một bước tiến mới trong việc hợp tác phát triển ngành công nghiệp vi mạch giữa Việt Nam và Nhật Bản nói chung cũng như sự hợp tác phát triển trong lĩnh vực thiết kế vi mạch tương tự nói riêng.


Sự thành công của việc hợp tác sẽ tạo tiền đề thúc đẩy hơn nữa việc tạo ra các sản phẩm vi mạch chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu của xã hội và tạo ra một nền tảng vững chắc trong việc phát triển các chương trình đào tạo ra các kỹ sư giỏi phục vụ cho ngành công nghiệp vi mạch Việt Nam trong thời gian tới.


Ông Hoàng nhìn nhận: "Thành công bước đầu này là thành quả bao lâu nay ICDREC đã được Bộ KH&CN cũng như Chương trình vi mạch của Thành phố hỗ trợ để làm ra những sản phẩm con chip phía Nhật Bản đã công nhận là mình làm tốt.


Về hạ tầng cơ sở, vừa qua TPHCM cũng hỗ trợ cho ICDREC dự án nhà thiết kế -Design House - (nhà thiết kế vi mạch, nơi tập trung các phần mềm, công cụ và mẫu thiết kế, thư viện lõi IP). Tức là thành phố mua các phần mềm để giao cho Trung tâm ICDREC quản lý, sau đó để tất cả các đơn vị nghiên cứu trong thành phố có thể sử dụng phần mềm đó đồng thời đào tạo các kỹ sư vi mạch.


Đầu tư tập trung như vậy tránh được tình trạng mỗi đơn vị cần thì đều phải bỏ tiền ra mua chi phí sẽ rất lớn. Với thời gian 7 năm từ chỗ không biết gì đến có một lực lượng hùng hậu có thể làm được dự án lớn được đánh giá cao thực sự là một tin vui", ông Hoàng chia sẻ.


Giám đốc ICDREC cũng cho biết, hiện nay nền công nghiệp vi mạch của Việt Nam có thể đi theo hướng, có đội ngũ làm gia công, có đội ngũ làm ra sản phẩm chip của Việt Nam từ A đến Z.


Trong dự án này ICDREC cũng được yêu cầu làm một công đoạn của sản phẩm để làm sản phẩm chip cảm biến không dây.


"Hiện nay xu hướng cảm biến không dây rất phổ biến, còn cụ thể cảm biến đó để áp dụng vào thiết bị gì thì cũng không thể nào đòi hỏi đối tác cung cấp thông tin và nguyên tắc thì cũng không ai làm như vậy. Con chip này hoàn toàn có thể áp dụng được cho các hãng Intel hay Samsung", Ths Hoàng cho biết.


Qua khảo sát, giám đốc ICDREC cho biết, Nhật Bản là thị trường rất lớn cho ngành công nghiệp vi mạch nhưng vấn đề quan trọng là nếu Việt Nam muốn đáp ứng được nhu cầu ở thị trường này thì cần phải đầu tư tập trung hơn để đào tạo nguồn nhân lực.


"Theo tính toán thì 1.000 người cũng không thể đáp ứng nổi cho nhu cầu của Nhật Bản", ông Hoàng chia sẻ.


Ông Hoàng cho biết, sắp tới ICDREC tiếp tục cho ra mắt con chip mà có thể nói ít hãng trên thế giới làm được.


"Vì thế phía đối tác có thể thấy rõ ICDREC đủ sức làm ra con chip theo đúng yêu cầu của họ nên đã lựa chọn và đi đến hợp tác lâu dài", ông Hoàng nói.


Bích Ngọc


Nguồn: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/quan-diem/chip-vi-mach-made-in-vietnam-nhan-qua-ngot-tu-nhat-ban-3272512/