Cậu bé đáng thương có đầu ngoẹo 180 độ như sắp rớt
Cậu bé 12 tuổi Mahendra Ahirwar ở Ấn Độ có cổ cong vẹo và chiếc đầu treo lắc lẻo trên cơ thể do mắc căn bệnh bí ẩn.
Mahendra Ahirwar đến từ bang Madhya Pradesh ở miền Trung Ấn Độ, mắc căn bệnh hiếm gặp khiến cổ cậu bé uốn cong và đầu dựng ngược góc 180 độ, như sắp rớt ra ngoài. Do xương sống quá yếu nên cậu bé đáng thương không thể đứng lên hoặc đi lại được, Mahendra đành ngồi một chỗ. Em di chuyển bằng cách bò, trườn nhưng không thể tự ăn uống, vệ sinh thân thể.
Cha cậu bé – ông Mukesh Ahirwar (40 tuổi) - và người mẹ tên Sumitra Ahirwar (35 tuổi) làm công việc lao động chân tay với mức lương ít ỏi nhưng đã cố gắng đưa con đi khám hơn 50 bác sĩ trên khắp Ấn Độ. Tuy nhiên, không ai có thể chẩn đoán bệnh tình của Mahendra Ahirwar
“Tôi không thể ngồi nhìn con trai đau đớn nữa. Nó không thể làm được gì, chỉ ngồi trong góc phòng cả ngày. Đó không phải là cuộc sống”, mẹ cậu bé tâm sự trong nước mắt.
Người mẹ nói thêm: “Tôi cõng nó đi khắp nơi như một đứa trẻ sơ sinh nhưng con trai tôi đã 12 tuổi. Tôi làm sao cõng được nếu nó lớn hơn? Nếu bác sĩ không thể chữa khỏi, xin ông trời hãy mang con tôi đi”.
Ngoài Mahendra Ahirwar - vợ chồng cô Sumitra - còn có hai con trai khoẻ mạnh 16 và 10 tuổi và một con gái 14 tuổi. Cô cho biết do những đứa con khác của hai vợ chồng sinh ra đều bình thường nên lúc mang thai cậu bé Mahendra, cô không nghĩ đến việc siêu âm hay thường xuyên đến bác sĩ khám thai.
Theo lời kể của cha mẹ, cậu bé Mahendra lúc vừa chào đời cũng như những đứa trẻ khác nhưng đến năm em 6 tháng tuổi, cha mẹ mới phát hiện con mình bị vẹo cổ. “Lúc đầu, chúng tôi nghĩ rằng con mình yếu hơn những đứa trẻ khác và thời gian sau mọi việc sẽ ổn nhưng đến sinh nhật lần thứ ba, Mahendra vẫn không thẳng đầu lên được”, người cha kể lại.
Do bệnh tật, Mahendra không thể đến trường nên bạn bè của cậu bé chỉ có những anh chị em của mình.
Bác sĩ Shashidhar Tatavarthy chuyên khoa tai, mũi, họng tại Bệnh viện Artemis ở Delhi cho rằng Mahendra mắc chứng rối loạn cơ bắp.
“Đây là trường hợp hiếm nhất trong những trường hợp hiếm. Có thể cậu bé bị dị tật cột sống hoặc rối loạn cơ bắp. Tuy nhiên, kết luận chính thức chỉ được đưa ra sau khi cậu bé được khám một cách kỹ lưỡng” - ông nói.
Trong khi đó, người cha vẫn nuôi hy vọng một ngày y học phát triển có thể chữa khỏi bệnh cho con ông. “Nếu bác sĩ có thể cứu sống những trẻ sơ sinh bị những khuyết tật nặng như hai đầu thì tại sao con trai tôi lại không thể? Tôi muốn con trai được đến trường và chơi đùa như những đứa trẻ khác và hy vọng ước mơ của tôi sẽ thành hiện thực trong một ngày không xa” – Mukesh nói.