Facebook đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Tuy nhiên, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến “căn bệnh thế kỷ” – nghiện Facebook và các bác sĩ thừa nhận "khó cai hơn cả ma túy" .




Theo lời đùa vui của các chuyên gia tâm lý xã hội, nghiện Facebook có thể lây nhiễm trên diện rộng và chưa có thuốc kháng sinh đặc trị. Thống kê cho thấy hiện nay có trên 500 triệu người mắc bệnh này trên toàn thế giới và có nhiều ý kiến cho rằng “nghiện Facebook” còn nguy hiểm hơn nghiện ma túy.



Mới đây, một bác sĩ chuyên khoa còn khẳng định việc sử dụng mạng xã hội trong giờ làm việc, nếu nghiện quá nặng là một dạng bệnh về thần kinh. Hành vi này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thần kinh của chính nhân viên sử dụng mà còn làm giảm hiệu quả lao động dẫn đến giảm năng suất của cơ quan.



Thói quen nguy hiểm



Không thể phủ nhận những tác dụng của Facebook mang lại trong cuộc sống hàng ngày. Ở đây, người dùng có thể được nắm bắt thông tin xã hội nhanh chóng, ứng dụng công nghệ, giải trí một cách dễ dàng. Thậm chí, Facebook còn là nơi kết nối, giao lưu những mối quan hệ cần thiết trong cuộc sống… Nếu chỉ dừng lại ở đó, mạng xã hội này có thể coi là quá hoàn hảo, tuy nhiên từ đây cũng phát sinh nhiều mối họa tiềm ẩn mà điển hình là chứng “nghiện”.



Biểu hiện “nghiện” được các chuyên gia tâm lý chỉ ra là: Hay thức khuya, sút giảm trí nhớ, có biểu hiện trầm cảm, lười thể thao, cuồng Like (gặp gì cũng like), đi đâu, nói chuyện với ai cũng kéo sang đề tài Facebook… hay "tự sướng" và post hình lên facebook hàng loạt.




Tình trạng nghiện Facebook ngày càng gia tăng và khó có khả năng cai được



Những người nghiện facebook thường cảm thấy bứt rứt, khó chịu nếu không được vào đó mỗi ngày; rơi vào trạng thái buồn vu vơ, cứ ra vào Facebook để mong chờ một thông báo (notification) nào đó; nguy hiểm hơn là thói quen vào Facebook cập nhật tình hình mọi lúc mọi nơi, kể cả lúc ăn uống, tụ tập bạn bè…



Chuyên gia tâm lý xã hội Nguyễn An Chất khẳng định, nếu có một trong những biểu hiện trên, người dùng đang mắc căn bệnh thế kỷ là “nghiện Facebook”. Nguy hiểm hơn, nếu có tất cả các dấu hiệu trên, bệnh của bạn đã khá nặng, muốn chữa phải dùng đến biện pháp căng thẳng, quyết liệt hơn là tự hứa với bản thân.



Liều thuốc chữa… nghiện



Bên cạnh với những lợi ích mà Facebook đem lại thì việc lạm dụng nó đã làm cho người dùng bị ảnh hưởng rất nhiều về thời gian, sức khỏe, cuộc sống cũng như công việc. Theo thống kê, các hoạt động trên mạng xã hội đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hành vi của người dùng trong cuộc sống thật của họ.



Trước đó, theo tạp chí American Academy of Pediatrics (Hoa Kỳ), nhiều bạn trẻ mắc chứng trầm cảm do không nhận được nhiều khen ngợi, động viên từ các mạng xã hội. Và để gây sự chú ý, họ lập nhiều nick ảo để tự like mình và kêu gọi bạn bè ủng hộ. Nếu không được like nhiều, người đó cảm thấy mình như người thua cuộc, bị lãng quên và dần mắc chứng tự ti vảo bản thân sinh ra trầm cảm. hay có những trường hợp đã quá hoang tưởng về bản thân qua thế giới ảo và mắc tính tự mãn, tự cao…



Không chỉ như vậy, người nghiện Facebook còn có thể bị mắc bệnh than vãn. Bất cứ chuyện gì cũng khiến bạn cảm thấy buồn, muốn nhận sự quan tâm của mọi người và than vãn là cách mà họ thỏa mãn nhu cầu bản thân. Chuyên gia tâm lý An Chất cho rằng, người đó cho rằng, càng than vãn, càng nhiều like hay coment, càng chứng tỏ là người quan trọng. Tuy nhiên, điều này có thể bị ảnh hưởng đến các Facebooker khác.




Một trong những biểu hiện của việc "cuồng Like" trên Facebook. Ảnh minh họa



Ngoài ra, việc nghiện Facebook còn ảnh hưởng đặc biệt sức khỏe, hại dạ dày, hại mắt, bụng to, trĩ…; đối với gia đình, gây ảnh hưởng không tốt trong quan hệ vợ chồng, bố mẹ với con cái, anh chị em…; đối với xã hội, làm hại điện, gây mất trật tự, xôn xao dư luận bằng việc thường xuyên lan truyền các thông tin trên Facebook và gây xao lãng, giảm năng suất làm việc…



Những tác hại của việc dùng Facebook đã thấy rõ, chuyên gia An Chất cho rằng, nếu không thật sự cần thiết, không nên dùng công cụ này – và cách này được coi là phòng bệnh.



Trước khi có ý định dùng, chuyên gia khuyên bạn nên đặt ra những nguyên tắc, quy ước cho bản thân bằng cách: Xác định rõ mục tiêu lên Facebook: Để làm gì? Được cái gì? Có ra tiền hay không?; quy định giờ vào và thoát khỏi mạng xã hội này; chăm làm việc nhà hơn để không có nhiều thời gian nghĩ đến Facebook; thường xuyên gặp gỡ bạn bè, hoạt động CLB….



Trong trường hợp đã trót dùng Facebook, nên hứa với người quan trọng nào đó về việc không vào đây lúc tối khuya và nếu làm được điều này, sẽ có 80% tỷ lệ khỏi bệnh nghiện; không sở hữu điện thoại “xịn”, máy tính, laptop (90% khỏi bệnh); đăng ký lớp tập thể dục (50% khỏi bệnh)…



http://vietq.vn/canh-bao-nghien-facebook-cung-al-mot-dang-than-kinh-kho-chua-d63317.html