Vị chua chua của me, mùi thơm từ hành sim, hương vị độc đáo của mắm tôm, vị béo từ riêu cua đồng, dai dai từ ốc bươu… tạo nên món bún thơm ngon đậm chất Nam bộ.
Nồi nước bún có nhiều thành phần hơn hẳn bún riêu ở Hà Nội.
Không biết tự bao giờ món bún riêu cua lại trở nên khá thân quen với người dân ở mọi vùng miền đất nước. Nhiều người cho rằng món ăn này có nguồn gốc từ cư dân sống tại vùng châu thổ sông Hồng, sau đó theo chân những người Bắc di cư vào miền Nam.
Nếu như ở miền Bắc, món bún riêu có riêu cua đồng, cà chua chín, đậu phụ, tóp mỡ và mắm tôm, khi xuống đến một vài nơi thuộc khu vực miền Trung, món này còn cho thêm miếng chả lụa hay chả Huế.
Đến các tỉnh miền Tây Nam bộ, bún riêu cua đã được biến tấu nhiều để phù hợp với khẩu vị của người dân nơi đây, có thêm tiết, giò hoặc sườn lợn, thêm một ít râu mực, tôm khô… Tất cả đã góp phần làm phong phú thêm món bún riêu, phù hợp khẩu vị nhiều người ở các vùng miền khác nhau.
Bát bún riêu nóng hổi của người Nam bộ kết hợp mùi mắm tôm với ớt cay nồng, nước lèo nóng hổi có vị chua của me và cà chua chín, vị thơm của hành sim, vị béo của riêu cua đồng tươi, ốc bươu, tiết lợn, đậu phụ ngon tuyệt. Chủ quán thường bán kết hợp bún riêu cua và canh bún để thêm phần thú vị và tạo nhiều sự lựa chọn cho người ăn.
Cùng đĩa rau xanh (giá, rau muống, rau thơm, xà lách…), vắt chút chanh vào bát bún, kèm một ít ớt sa tế hoặc ớt tươi là bạn có thể thưởng thức được một tô bún riêu cua ngon miệng rồi. Bún riêu Nam bộ có bán trên một số vỉa hè hay chợ trên các con đường Sài Gòn chỉ với giá bình dân khoảng 15.000 đồng.
Nếu đi trên những đường Cao Thắng (quận 3), Hoàng Văn Thụ (Tân Bình), Âu Cơ (quận 11), bạn sẽ tìm cho mình được một quán bún riêu thơm ngon. Những quán ở đây bán tầm giữa trưa đến chiều tối, rất đông khách.
Ở Hà Nội, bạn cũng có thể thưởng thức bún riêu kiểu Nam Bộ ở ngã tư Hàng Bông - Phủ Doãn.
Bát bún riêu cua.
Trong bát bún không chỉ có riêu mà còn có cả ốc bươu, tiết lợn, râu mực, tôm khô.